clock

Trong Nước

07:06 18-11-2015

Nghịch lý doanh nghiệp sản xuất hàng thật bị bắt vì tưởng là hàng giả

Đại diện một doanh nghiệp ở Hà Nội cho hay, sản phẩm của doanh nghiệp này bị làm giả nhưng khi báo cáo cơ quan chức năng như quản lý thị trường thì bị bắt vì tưởng là hàng giả.

Hôm qua, 17/11, tại hội thảo thông tin thị trường và cơ chế tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và vận tải do Bộ Công Thương tổ chức, đại diện doanh nghiệp pin Hà Nội, ông Võ Khánh Toàn cho hay, tình trạng đấu tranh với nạn hàng giảở trong nước chưa có sự hỗ trợ đạt kết quả.

Ông Toàn lấy ví dụ, khi sản phẩm pin Hà Nội bán trong nước bị làm giả, công ty này đã báo với các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, công an, thanh tra. Tuy nhiên, sau quá trình rà soát, kết quả hàng giả không những giảm mà chính sản phẩm của công ty lại bị bắt.

"Chúng tôi lại phải xuất trình giấy tờ xuất xứ nguồn gốc, điều này khiến công ty mất rất nhiều thời gian”, ông Toàn khẳng định.

Không chỉ dừng lại ở đó, ông Toàn cho hay, trong thời gian gần đây, khi bị Ấn Độ kiện chống bán phá giá nhưng doanh nghiệp này bơ vơ trong việc đối đầu với vụ kiện và không được hỗ trợ gì từ cơ quan chức năng.

Cụ thể, vào cuối tháng 10/2015, Pin Hà Nội bị Ấn Độ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm pin đơn vị xuất khẩu sang. Theo lịch đến ngày 30/11 tòa án Ấn Độ sẽ ra phán quyết nhưng hiện tại còn 13 ngày nữa doanh nghiệp vẫn đang “bơi” một mình trong vụ việc.

“Chúng tôi có trực tiếp liên hệ với tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ nhưng không được hướng dẫn gì ngoài mấy đường link về kiện chống bán phá giá, với những thông tin mà ở nhà chúng tôi tự Google cũng có thể tìm được...", ông Toàn nói.

Ông Toàn cũng cho biết, mặc dù đơn vị đã liên hệ với Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương nhưng vẫn chưa được hỗ trợ cụ thể gì, chỉ được vài hướng dẫn rất chung chung.

"Thực sự là quá khó. Các chuyên gia khuyên nên dựa vào các Hiệp hội ngành nghề để có tiếng nói hỗ trợ nhưng chúng tôi là doanh nghiệp vừa và nhỏ, không tham gia Hiệp hội cụ thể, cũng là một hạn chế”, ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, ở Việt Nam doanh nghiệp sản xuất pin chỉ có rất ít với quy mô 500 tỷ/ năm. Đối với Pin Hà Nội, năm 2014, đạt 100 tỷ doanh thu từ xuất khẩu, tức bằng 1/5 quy mô cả nước.

"Nếu không vướng vụ kiện, chúng tôi tin vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và mở rộng thị trường, nhưng hiện tại vụ kiện khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nếu thất bại trong vụ kiện, cơ hội xuất khẩu pin của Việt Nam phần nào bị hạn chế” - ông Toàn nói.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Công thương, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường Châu Á- Thái Bình Dương cho hay, hiện nay một số doanh nghiệp đã gặp phải kiện cáo khi cạnh tranh ở các nước và đều được hỗ trợ thông tin, biện pháp.

"Tuy nhiên, về trường hợp cụ thể của doanh nghiệp Pin, đại diện Bộ Công thương đề nghị cung cấp đầy đủ để Bộ có biện pháp hỗ trợ xử lý", ông Hải khẳng định.

An Nhiên/ Trí Thức Trẻ