Trong Nước
11:26 23-04-2025Ngoài 40 mỏ vàng 30 tấn mới được công bố, Việt Nam còn mấy mỏ vàng nữa?
Các mỏ mới công bố này nằm ở khu vực Tây Bắc.
Mới đây, Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công bố kết quả "Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc)".
Thông tin cho biết đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, trong đó có 40 mỏ vàng ở Tây Bắc với trữ lượng gần 30 tấn vàng.
Để hình dung rõ hơn về khối lượng 30 tấn vàng, có thể quy đổi ra đơn vị quen thuộc của người Việt là lượng vàng. Theo quy ước, một lượng vàng tương đương 37,5 gram. Như vậy, 30 tấn vàng tương ứng với hơn 800.000 lượng.
Cơ quan chức năng nhấn mạnh rằng đây chỉ là con số dự báo ban đầu. Trữ lượng thực tế khi triển khai khai thác có thể thay đổi, thậm chí sai lệch đáng kể tùy thuộc vào điều kiện địa chất và công nghệ áp dụng.
Ngoài những mỏ vàng mới này, hiện nay, Việt Nam có khoảng 500 điểm khai thác vàng trên cả nước. Theo kết quả thăm dò khoáng sản được phê duyệt bởi Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, Việt Nam có khoảng 25.084 kg vàng gốc.
Mỏ vàng Bồng Miêu có trữ lượng lớn nhất cả nước
Trong đó, kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước.
Mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam được đánh giá là "lãnh địa vàng". Mỏ vàng này được xem là nguồn kinh tế quan trọng cho Quảng Nam, tạo nhiều công ăn việc làm và đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh.
Khu vực mỏ vàng Bồng Miêu do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu quản lý, khai thác từ năm 1992. Đến năm 2016, doanh nghiệp báo cáo thua lỗ, nợ thuế cả trăm tỉ đồng không trả và tuyên bố phá sản.
Từ khi doanh nghiệp phá sản, tình trạng khai thác vàng trái phép tại Bồng Miêu diễn biến phức tạp. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang triển khai đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành, được Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam nghiệm thu và đang chờ Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành quyết định đóng cửa mỏ.
Khu vực mỏ vàng Đăk Sa ở Phước Sơn (Quảng Nam) cũng là một trong những mỏ vàng lớn tại Việt Nam. Mỏ vàng Phước Sơn có trữ lượng hơn 7 tấn. Vào năm 2012, sản lượng vàng ròng thu được từ mỏ này đạt từ 1-1,2 tấn/năm, với quặng vàng chứa từ 5-15g vàng/tấn quặng.
Hiện nay, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn là đơn vị được cấp phép khai thác vàng tại hai khu vực là Bãi Đất và Bãi Gõ, thuộc mỏ vàng Đăk Sa, trong khuôn khổ Dự án Khai thác khoáng sản quặng vàng tại khu vực Phước Sơn.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 2/2025, Cục Khoáng sản Việt Nam có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị có ý kiến về Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng gốc tại khu vực Đăk Sa.
Ngoài ra, Việt Nam còn có các mỏ vàng gốc tập trung tại miền núi phía Bắc. Vùng có biểu hiện khoáng hóa vàng tập trung ở quanh Đồi Bù (Hòa Bình) như Cao Răm, Da Bạc, Kim Bôi với tổng trữ lượng khoảng 10 tấn.
Cùng đó, Mỏ vàng Nà Pái nằm tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, là một trong những mỏ vàng quan trọng của khu vực Đông Bắc Việt Nam. Mỏ vàng này cũng xa khu dân cư và nằm trong rừng sâu.
Hiện Nà Pái đã đưa vào khai thác dưới dạng truyền thống và chưa có sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại. Sản lượng khai thác khoảng 0,8-1,5 tấn vàng mỗi năm.
Dy Khoa
Tin liên quan
- "Tiểu Dubai Việt Nam" có tháp 108 tầng, điện gió và chiến lược đạt mốc doanh thu 180.000 tỷ của Vinhomes
- Phát ngôn tranh cãi của HLV Park Hang-seo về Quang Hải & mối lo đột ngột cho HLV Kim Sang-sik
- Địa phương dự kiến lập đặc khu Phú Quý: GRDP 100 triệu đồng/người, 3 lần sáp nhập, tách tỉnh
- Thực hư việc ĐT Việt Nam rơi vào bảng tử thần, Indonesia nằm ở bảng “siêu dễ” tại giải Đông Nam Á