clock

Thị Trường

08:19 18-03-2021

Ngọc Sơn Cước 250 tỷ của đại gia Hải Phòng bỏ xa huyền thoại lan đột biến Bướm đại ngàn

Một đại gia Hải Phòng, chi 288 tỷ đồng mua lan var Ngọc Sơn Cước 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng. Thực hư giao dịch lan đột biến này ra sao?

Ngày càng có nhiều giao dịch lan đột biến với giá "trên trời" khiến cho không ít người đặt câu hỏi nghi vấn về giá trị thực sự của lan var – một thú chơi khá rầm rộ tại nhiều tỉnh thành.

Ngày 15/3, cộng đồng những người chơi lan đột biến lan truyền thông tin vụ chuyển giao lan var Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng được diễn ra tại Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh.

Chủ tài khoản Facebook Nguyễn Văn Minh (sống tại Hải Phòng) đăng tải bài viết, cho biết, anh đã thực hiện nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với Vườn lan var đất mỏ với tổng giao dịch là 288,5 tỷ đồng, bao gồm 1 lan var Ngọc Sơn Cước 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ với giá 18 tỷ đồng.

Dàn lan này thuộc về nhà vườn do anh Bùi Hữu Giang (sinh năm 1989, Mạo Khê, Quảng Ninh) làm chủ.

Cũng trong buổi bàn giao, nhà vườn cũng đã trao 1 kie hồng chương chi với giá 15 tỷ đồng cho một người thích sưu tầm lan là Nguyễn Duy Quân.

Theo chủ nhân mới của cây lan giá "khủng", Ngọc Sơn Cước anh mua gồm 2 nhánh gốc, 4 mầm, dài 1,1m và có tất cả 48 lá. Đây là một loại lan quý, vốn đã được cộng đồng lan đột biến biết đến từ rất lâu.

Ngọc Sơn Cước 250 tỷ của đại gia Hải Phòng bỏ xa huyền thoại lan đột biến Bướm đại ngàn - Ảnh 1.

Màn giao dịch lan đột biến giá trên trời gây xôn xao.

Ngọc Sơn Cước 250 tỷ của đại gia Hải Phòng bỏ xa huyền thoại lan đột biến Bướm đại ngàn - Ảnh 2.

Mặt lan var 5 cánh trắng Ngọc Sơn Cước.

Ngay sau khi cuộc giao dịch lan var Ngọc Sơn Cước 250 tỷ đồng nói trên diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, đây là mức giá không tưởng, thậm chí cho rằng đây chỉ là một chiêu thổi giá để tăng uy tín của nhà vườn.

"Nếu chỉ dựa vào một tấm pano in giá các loại lan, đăng lên Facebook thì khó mà có thể tin được đây là thật. Chưa kể, 250 tỷ đồng là con số vượt xa tất cả các giao dịch lan trước đây, số tiền này quá lớn nên khó tin lắm", Tuấn Anh (một người chơi lan lâu năm ở Hà Nội) nhận định.

Trong khi đó, Trọng Đắc (chủ một vườn lan ở Phú Thọ) khẳng định, anh khó tin giao dịch có thật bởi Ngọc Sơn Cước tuy là lan quý nhưng các giao dịch nhiều năm gần đây, mức trả giá cho lan var này ở ngưỡng 10-16 tỷ đồng.

"Mặc dù chủ vườn lan đất Mỏ Quảng Ninh - người đã bán Ngọc Sơn Cước là một tay chơi lan có tiếng nhưng quả thực khiến cho người ta khó tin lắm, chưa kể đến vấn đề về thuế vì giao dịch quá lớn", Trọng Đắc nói.

Một người có tiếng trong làng lan (đề nghị giấu tên) bày tỏ quan điểm, anh không bình luận về số tiền 250 tỷ đồng, nhưng người này cũng thừa nhận, trong làng lan, có tình trạng nhà vườn muốn đẩy giá trị 1 dòng lan var lên nên sẽ thực hiện các giao dịch gây chú ý.

Ngoài ra, một số nhà vườn mới nổi, muốn sở hữu những chậu lan quý để tăng giá trị hơn khiến cho các giao dịch chuyển nhượng, giao lưu ngày càng nhiều, với nhiều mức phát giá khác nhau.

"Tuy nhiên, dù là "chiêu" kích cầu, tăng giá trị, cũng cần làm cẩn thận, tránh làm mất uy tín của ngành lan. Giá trị của các kie phải sát thực tế thì kinh doanh mới bền vững", người này nói.

Thực tế, lan đột biến đã là thú chơi từ khá lâu, với rất nhiều nhà vườn uy tín có tuổi đời tới 20-25 năm. Các hội nhóm giao lưu về loại hoa này hay nhà vườn kinh doanh các kie lan, lan var cũng phổ biến hơn.

Lan var bắt đầu có giá bán tốt hơn, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến cả chục triệu đồng cho một kie hoặc 1 chậu lan, thậm chí vài trăm triệu đồng/chậu lan tại các điểm bán uy tín. Tuy nhiên, thời gian qua, do có quá nhiều thương vụ lan đột biến tiền tỷ được thực hiện mà không biết thực hư như thế nào đã khiến cho ngành này trở thành tâm điểm chú ý.

Chưa kể, không ít vụ mua bán lừa đảo đã xảy ra, khiến cho các cơ quan chức năng phải cảnh báo người dân tỉnh táo trước những thủ đoạn tinh vi của những người kinh doanh trục lợi.