clock

Doanh Nghiệp

08:38 14-12-2020

“Ngu gì không làm thép” – câu nói của đại gia Vũ Hoa Sen linh ứng, các đại gia thép trúng đậm

Một loạt các mã cổ phiếu ngành thép nổi sóng trong thời gian qua và trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán, điển hình là hai mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát và HSG của Tập đoàn Hoa Sen.

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua (07-11/12), thị trường chứng khoán tăng điểm tuần thứ sáu liên tiếp, trong đó “công đầu” phải kể đến nhóm cổ phiếu vật liệu, trong đó có HPG và HSG.

Với HPG, cổ phiếu này luôn nằm trong danh mục ưa thích của các nhà đầu tư tổ chức bởi tính ổn định về mức giá cũng như tiềm lực hùng mạnh của doanh nghiệp dẫn đầu về ngành thép. Giá cổ phiếu HPG đã tăng thêm 5% trong tuần vừa qua, đóng cửa tuần ở mức 38.800 đồng/cp.

“Ngu gì không làm thép” – câu nói của đại gia Vũ Hoa Sen linh ứng, các đại gia thép trúng đậm - Ảnh 1.

Các đại gia thép tiếp đà thắng lớn trên thị trường

Con số này đủ để ông Trần Đình Long xây chắc vị trí người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán bằng việc nới rộng khoảng cách với người giàu thứ ba là bà Nguyễn Thị Phương Thảo lên 8 nghìn tỷ đồng. Hiện người giàu nhất đương nhiên vẫn là ông Phạm Nhật Vượng, tuần vừa qua Chủ tịch Tập đoàn Vingroup có thêm 1.900 tỷ đồng trong khối tài sản trị giá 204.712 tỷ đồng.Tính riêng trong tuần vừa qua, giá trị tài sản của “vua thép” Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - thông qua việc sở hữu 864 triệu cổ phiếu HPG (tương đương 26,08% vốn điều lệ của tập đoàn) đã tăng thêm 1.600 tỷ đồng, đạt mức 33.523 tỷ đồng, con số lớn nhất từ trước đến nay đối với cá nhân vị tỷ phú này.

Không chỉ vậy, vợ ông Trần Đình Long - bà Vũ Thị Hiền, người đang đứng ở vị trí thứ 10 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán – cũng ghi nhận thêm gần 500 tỷ đồng bởi bà Hiền đang trực tiếp sở hữu 243 triệu cổ phiếu HPG, tương ứng giá trị 9.430 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong tuần vừa qua, vợ chồng doanh nhân Trần Đình Long đã có thêm hơn 2.000 tỷ đồng. Nếu tính cả 48 triệu cổ phiếu HPG do cổ đông Trần Vũ Minh (con trai ông Long bà Hiền) nắm giữ, hiện giá trị cổ phiếu HPG do gia đình Chủ tịch tập đoàn này trực tiếp nắm giữ đã đạt con số 45.000 tỷ đồng.

Điều này cho thấy quyền lực vô cùng lớn của gia đình tỷ phú Trần Đình Long trên thị trường chứng khoán hiện nay. Điều này thể hiện cụ thể trên thị trường thép hiện nay với việc HPG nắm giữ thị phần thép xây dựng và thép ống lớn nhất hiện nay, lần lượt ở mức 32% và 31,06%.

Tuy nhiên, trong mảng tôn mạ, Tôn Hoa Sen của doanh nhân Lê Phước Vũ lại đang chiếm thế thượng phong với thị phần khoảng 31%. Giá cổ phiếu HSG của Hoa Sen Group cũng tăng trưởng ấn tượng trong khoảng 5 tháng trở lại đây.

Tính riêng trong tuần vừa qua, HSG đã tăng 12,5% lên mức giá 20.700 đồng/cp, mức giá cao nhất kể từ đầu năm nay đối với cổ phiếu này.

Tại HSG, Chủ tịch Lê Phước Vũ trực tiếp sở hữu hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương 16,73%. Với mức giá kể trên, giá trị cổ phiếu HSG do ông Vũ nắm giữ là 1.539 tỷ đồng, tăng 171 tỷ đồng so với tuần trước. Hiện ông Lê Phước Vũ đứng thứ 61 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Ngoài cá nhân Chủ tịch Vũ, những người thân của ông không ai có tên trong danh sách cổ đông của tập đoàn. Tuy nhiên, ông Vũ cũng sở hữu gián tiếp thông qua công ty con của tập đoàn là Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, công ty này cũng do ông Vũ làm Chủ tịch HĐQT.

Mới đây, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen gây chú ý khi vừa bán ra 30 triệu cổ phiếu HSG để thu về khoảng 550 tỷ đồng, sau đó lại đăng ký bán tiếp 43 triệu cổ phiếu do công ty sở hữu. Hiện Hoa Sen Group chưa có báo cáo kết quả giao dịch này, nếu giao dịch thành công, công ty con này sẽ không còn sở hữu cổ phần nào tại công ty mẹ.

Nhiều khả năng công ty chưa thể bán hết lượng cổ phiếu nói trên bởi theo dữ liệu giao dịch từ 25/11-01/12 (thời gian công ty đăng ký bán), chỉ có hai phiên có lượng giao dịch đột biến với tổng khối lượng giao dịch đạt 29 triệu cổ phiếu.