clock

Thế Giới

09:01 06-07-2023

Ngư ông đích thực là đây: châu Âu, Trung Quốc đua nhau chốt đơn khí đốt, quốc gia này ung dung hưởng lợi từ cấm vận Nga

Nhờ các hợp đồng khủng, quốc gia này đang có được nguồn tài chính ổn định để mở rộng xuất khẩu LNG.

‘Ngư ông’ đích thực là đây: châu Âu, Trung Quốc đua nhau ‘chốt đơn’ khí đốt, quốc gia này ung dung hưởng lợi từ cấm vận Nga - Ảnh 1.

Theo FT, đang có một cuộc chạy đua giữa các tập đoàn năng lượng châu Âu và Trung Quốc để “chốt đơn” các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, trong bối cảnh quốc gia này đang mạnh tay đầu tư vào một loạt dự án xuất khẩu.

Số lượng hợp đồng dài hạn ngày càng tăng được ký kết bởi người mua Trung Quốc, châu Âu giúp Mỹ mở rộng cơ sở hạ tầng xuất khẩu, tăng nguồn cung LNG trong 2-3 năm tới.

Nhu cầu của châu Âu đối với LNG - khí đốt được làm lạnh thành dạng lỏng để lưu trữ và vận chuyển an toàn bằng đường biển hoặc đường bộ - đã tăng mạnh sau xung đột Ukraine. Các quốc gia thuộc khu vực này đang tìm kiếm nguồn cung để thay thế khí đốt vận chuyển bằng đường ống từ Nga.

Nhu cầu về khí đốt vẫn tăng bất chấp áp lực chuyển sang năng lượng tái tạo để đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đã tạo ra tình trạng khan hiếm, đẩy giá lên cao vào năm ngoái.

Trong vài tuần qua, nhà xuất khẩu LNG của Mỹ là Cheniere đã ký hợp hợp đồng 15 năm để cung cấp cho Equinor của Na Uy và một hợp đồng hơn 20 năm với ENN của Trung Quốc.

Trong khi đó, đối thủ Venture Global LNG đã ký một thỏa thuận 20 năm với Securing Energy for Europe (SEFE) của Đức còn TotalEnergies của Pháp đã mua cổ phần trị giá 219 triệu USD của một trạm vận chuyển ở Texas để vận chuyển LNG.

Đó là chưa kể đến những giao dịch ổn định trước đây của các nhà xuất khẩu Mỹ với các công ty châu Âu, Trung Quốc trong vài năm qua.

Dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights cho thấy châu Âu và Trung Quốc đang chiếm đến 40% hợp đồng cung cấp LNG của Mỹ được ký từ năm 2021 đến cuối tháng 6/2023. Trung Quốc chiếm 24,4%, chủ yếu tăng ký kết vào 2021 và 2022 trong khi từ đầu 2023, châu Âu lại là người vượt trội.

Theo FT, các thỏa thuận mua dài hạn này cung cấp nguồn tài chính cần thiết cho các dự án mở rộng hoặc khai thác LNG mới của Mỹ. Áp lực từ việc thiếu nguồn cung LNG đã có tác động sâu sắc đến những quốc gia đang phát triển như Pakistan hay Bangladesh, các quốc gia có an ninh năng lượng thấp khi người mua ở châu Âu sẵn sàng trả giá cao để “gom hàng”.

 
‘Ngư ông’ đích thực là đây: châu Âu, Trung Quốc đua nhau ‘chốt đơn’ khí đốt, quốc gia này ung dung hưởng lợi từ cấm vận Nga - Ảnh 2.

Nhập khẩu LNG từ Mỹ của Trung Quốc, châu Âu tăng mạnh thời gian gần đây.

Các nhà phân tích cho rằng công suất của Mỹ tăng lên sẽ giúp các quốc gia này đảm bảo nguồn cung khí đốt để thay thế loại nhiên liệu “bẩn” là than đá khi sản xuất điện.

Thực tế, châu Âu đang khá cảnh giác với việc ký các hợp đồng LNG dài hạn bởi họ cố gắng khử carbon cho nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, các hợp đồng từ Mỹ thường cho phép người mua chuyển sang 1 mặt hàng khác, giúp giảm thiểu rủi ro cho người mua trong trường hợp họ không còn cần đến khí đốt.

Ngay sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu ÂU Ursula von der Leyen đã công bố một hiệp ước chiến lược, theo đó các công ty EU sẽ tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ. Các nhà cung cấp của Mỹ tin tưởng rằng nhu cầu từ châu Âu là bền vững.

“Bất chấp những lời hoa mỹ về việc phát thải ròng bằng 0 và chính sách tăng cường năng lượng tái tạo, nhập khẩu LNG của châu Âu được dự báo sẽ ổn định ở mức cao”, Giám đốc thương mại của Cheniere là Anatol Feygin nói.

Về thị trường châu Á, ông này cho rằng tăng trưởng kinh tế và sự phát triển trong mảng năng lượng sẽ “tạo nền tảng cho nhu cầu LNG tăng trong nhiều thập kỷ”.