clock

Trong Nước

09:55 08-12-2022

Người trồng hoa Tết ngán "ông" thời tiết

Những ngày đầu tháng 12, người trồng hoa tại các tỉnh như Bến Tre, Đồng Tháp và TP Cần Thơ luôn trong tình trạng thấp thỏm vì lo trời mưa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hoa Tết.

Nông dân làng hoa Sa Đéc tất bật chăm sóc hoa Tết để phục vụ thị trường Tết 2023 - Ảnh: LONG SA

Bên cạnh đó, việc tăng sản lượng hoa tại các địa phương trong khi các thương lái vẫn chưa tìm đến đặt hàng cũng khiến nhiều nhà vườn lo lắng về nguy cơ dội chợ mặt hàng hoa Tết.

Mưa nhiều gây bất lợi cho hoa nở

Năm nay người trồng hoa kiểng và rau màu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại TP Cần Thơ gặp rất nhiều khó khăn vì thời tiết bất thường. Mưa nhiều kết hợp triều cường khiến nhà vườn tốn thêm chi phí sản xuất.

Có mặt tại ruộng cúc mâm xôi hơn 1.000 chậu của mình, ông Tạ Thanh Tùng (quận Bình Thủy) nói: "Chưa năm nào thời tiết bất lợi với người trồng hoa như năm nay. Mưa liên tục khiến hoa bị úng. Cũng may tụi tôi phun thuốc để xử lý kịp thời mới giữ được, nhưng chi phí đội lên rất nhiều".

Sản lượng hoa của HTX kiểng Tân Long A (xã Tân Thới, huyện Phong Điền) năm nay tăng khoảng 50% so với năm trước, đạt khoảng 150.000 sản phẩm, nhưng thương lái vẫn chưa đặt hàng mua nhiều như các năm trước.

Ông Lê Khắc Qui - giám đốc HTX kiểng Tân Long A - cho biết các xã viên cũng đang lo lắng vì sản lượng hoa tăng mạnh, chi phí đầu tư cũng tăng hơn trước do thời tiết thất thường nhưng thị trường lại có vẻ trầm lắng. "Mong ngành chức năng hỗ trợ kết nối cung cầu, đặc biệt kết nối nông dân với các đơn vị tổ chức làm đường hoa và những nơi có nhu cầu tiêu thụ hoa với số lượng lớn trong dịp Tết", ông Qui nói.

Ông Huỳnh Văn Gắng (xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết những ngày qua liên tục xuất hiện mưa khiến nhiều ruộng hoa bị ảnh hưởng. "Riêng tui năm nay xuống giống khoảng 3.000 chậu cúc mâm xôi. Hoa đang chớm nụ nhưng do mưa nhiều nên phải xử lý thuốc liên tục mới giữ được cây", ông Gắng nói. Nhiều ruộng hoa gần đó đã có dấu hiệu èo uột do ảnh hưởng thời tiết.

Theo Sở NN&PTNT Cần Thơ, đến nay nông dân đã xuống giống trồng được hơn 1 triệu chậu hoa kiểng các loại và hơn 1.000ha rau màu. "Vùng sản xuất lớn nên có hướng gắn kết với các thương lái, có đơn hàng, đồng thời ngành nông nghiệp cũng tăng cường kết nối để nông dân tiêu thụ tốt sản phẩm làm ra" - ông Trần Thái Nghiêm, phó giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, cho biết.

Người trồng hoa Đà Lạt lo thời tiết lạnh sẽ ảnh hưởng đến hoa Tết - Ảnh: M.VINH

Chủ động ứng phó để giảm thiệt hại

Ông Phạm Anh Linh - chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cho biết năm nay sản lượng hoa Tết trên địa bàn tăng khoảng 60% so với năm trước. Điều lo lắng hiện nay là mưa kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng hoa. Năm nay nhà vườn Chợ Lách sẽ tung ra thị trường khoảng 15 triệu sản phẩm hoa, kiểng để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023.

Trong đó chủ yếu là các sản phẩm hoa nở như cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, vạn thọ... Tuy nhiên trong những ngày qua, thời tiết các tỉnh miền Tây liên tục xuất hiện mưa lớn khiến nhà vườn lo lắng. Theo ông Linh, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết để có những khuyến cáo phù hợp với người dân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc - trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, Đồng Tháp - cũng cho biết tình hình thời tiết bất thường những ngày gần đây khi trên địa bàn TP Sa Đéc liên tục xảy ra mưa trái mùa đã phần nào gây khó khăn cho bà con nông dân trồng hoa Tết của làng hoa Sa Đéc.

"Người dân trồng hoa Tết của làng hoa Sa Đéc đã trồng hơn 100ha, so với cùng kỳ tăng hơn 40ha. Năm nay mưa liên tục nên nông dân trồng hoa cũng bị thiệt hại nhưng không lớn. Bà con đã có kinh nghiệm xử lý đối với nạn mưa dầm để có cách bảo vệ, che chắn không để mưa gây thiệt hại cho hoa lúc nhỏ", bà Ngọc nói.

Theo ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, mưa trái mùa là đặc điểm sự thay đổi của thời tiết, ngành nông nghiệp đã có cảnh báo và đưa vào chương trình tập huấn cho nông dân về quy trình chăm sóc hoa kiểng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

"Theo thống kê bước đầu, nông dân trồng hoa kiểng tại Sa Đéc chưa thấy ai bị thiệt hại gì do chúng tôi đã tập huấn cho bà con trồng hoa thích ứng với biến đổi khí hậu. Trồng hoa chỉ sợ giai đoạn đầu, lúc cây còn nhỏ mà có mưa đêm là nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay các loại cây đã lớn nên không còn đáng ngại nữa. Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm thị trường giúp nông dân tiêu thụ các loại hoa kiểng", ông Điền nói.

Nhà vườn cần chủ động ứng phó

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Khương Bình - giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp - cho biết từ đầu tháng 11 đến nay, Đồng Tháp liên tục xảy ra mưa, còn tại TP Sa Đéc cứ hai ngày lại có một ngày mưa nhưng lượng mưa không lớn, dao động từ 5 - 10mm. Năm nay, mùa mưa kết thúc trễ hơn mọi năm.

Theo ông Bình, có hai nguyên nhân dẫn đến mưa là do không khí lạnh tăng cường mạnh xuống và vùng áp thấp xuất hiện giữa nam Biển Đông. Mùa mưa kết thúc trễ, bất thường. Vì bình thường giữa tháng 11 là hết mưa, nhưng hiện nay vẫn còn mưa.

Tổng lượng mưa năm nay sẽ tăng nhiều hơn so với các năm trước. Dù mưa không lớn nhưng mưa nhiều sẽ phần nào ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp như trồng hoa kiểng, sản xuất lúa và trồng xoài.

"Nếu xoài đang ra bông mà bị mưa thì chắc chắn bị ảnh hưởng. Từ nay đến Tết, lượng mưa chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Do đó, người nông dân phải chủ động đề phòng trong việc chăm sóc hoa kiểng trong điều kiện bất thường như hiện nay", ông Bình nói.

Đà Lạt lo hoa Tết gặp thời tiết lạnh

Thông tin từ UBND TP Đà Lạt cho biết vùng hoa Đà Lạt (gồm Đà Lạt và các huyện lân cận) đã xuống giống khoảng 1.500ha cho vụ Tết, tăng 40% so với năm 2021. Ghi nhận ngày 7-12 cho thấy hoa vụ Tết của Đà Lạt phát triển tốt. Theo Phòng Kinh tế (UBND TP Đà Lạt), bên cạnh các giống phổ biến như cúc, lily, cẩm chướng, thủy tiên thì nông dân vùng hoa Đà Lạt tập trung cho hoa chậu nhằm giảm thiểu rủi ro dội chợ.

Hoa chậu của vùng hoa Đà Lạt không phải là mai, đào, địa lan... to lớn, đắt tiền mà là chậu lily, cẩm tú cầu, diên vĩ, huệ tây, hoa bâng khuâng, hoa hoàng anh (mandevilla), hoa oải hương (lavandula ellagance purple), hoa lan Nam Phi, hoa hạnh phúc (astilbe), hoa loa kèn... Ông Hoàng Ngọc Phúc (nông dân làng hoa Vạn Thành) nói: "Đa số là giống mới, giá lại rẻ, chưng được cả tháng giêng nên người dân ở các thành phố lớn rất thích. Các năm trước khi chưa đến ngày đưa ông Táo thì nhà vườn đã bán hết".

Ông Đặng Bảo Vinh (chủ tịch Hội Nông dân phường 12, làng hoa Thái Phiên) cho biết dù mùa mưa kết thúc muộn, đến giờ Đà Lạt vẫn còn mưa nhưng chỉ là mưa nhỏ do ảnh hưởng thời tiết chung trong khu vực. Mưa trái mùa không ảnh hưởng xấu đến vụ hoa Tết của Đà Lạt do đa số hoa Đà Lạt canh tác trong nhà kính, nhà lưới".

Tuy nhiên, vùng hoa Đà Lạt đang chuẩn bị đối mặt với khoảng thời gian lạnh sâu và biên độ nhiệt lớn. Dịp Tết nằm trong tháng 1-2023, tức ở thời điểm Đà Lạt lạnh sâu và biên độ nhiệt trong ngày cực lớn (khoảng 18oC). Lạnh sâu kèm biên độ nhiệt lớn ảnh hưởng rất lớn đến thời điểm cây kết nụ, nở hoa.

"Nếu thời điểm lạnh sâu cách thời điểm hoa được giao đi thì nông dân có kỹ thuật để can thiệp, nhưng nếu gần quá sẽ rất khó khăn. Nếu hoa Tết nở sai thời điểm thì coi như bỏ", ông Vinh lo lắng.

MAI VINH

Theo Tuổi Trẻ