clock

Doanh Nghiệp

06:34 04-05-2016

Nhà đầu tư chiến lược “thầm lặng”

Các nhà quản lý của định chế tài chính công đặc thù trong huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) và các lĩnh vực trọng điểm của TP.HCM luôn tâm huyết với việc tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, góp phần mạnh mẽ vào sự thay đổi của CSHT thành phố trong thời gian sớm nhất. Doanh nghiệp đang mạnh dạn tiếp cận những nguồn vốn mới: chú trọng tìm kiếm đối tác công – tư (PPP) và các nguồn vốn phù hợp thay cho các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Việt Nam hiện đang ngày càng hạn hẹp.

Ông Phạm Phú Quốc đã nhận thấy sự cấp thiết phải thay đổi chiến lược kêu gọi vốn đầu tư kể từ sau khi ông chính thức được giao nhiệm vụ Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC). Trước đây, bên cạnh nguồn vốn ngân sách thì ODA là nguồn vốn chủ lực cho việc phát triển CSHT tại Việt Nam. Trong 10 năm qua (2005 – 2015), tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Việt Nam vào khoảng 47 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian tới, các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ dừng cung cấp ODA cho Việt Nam. “Việc huy động vốn trong thời gian tới phải thay đổi về nguồn huy động, cách thức huy động cũng như đòi hỏi năng lực đối ứng vốn, quản lý rủi ro ngày càng cao hơn.” Ông Quốc đã xác định chiến lược riêng cho HFIC ngay từ thời điểm được Thành phố giao nhiệm vụ.

Mối quan tâm lớn nhất của ông là việc làm thế nào để huy động vốn phát triển đồng bộ CSHT của Thành phố. “Nhu cầu vốn phát triển CSHT của TP.HCM là rất lớn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ riêng chương trình chống ùn tắc giao thông và giảm ngập nước, Thành phố cần đến hơn 203.000 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn nhà nước dự kiến là 80.000 tỷ đồng, vốn ODA là 32.000 tỷ đồng, vốn huy động bổ sung từ nhà đầu tư gần 91.000 tỷ đồng.” Ông Quốc cho biết thêm.

05 năm vừa qua, HFIC đã chủ động tài trợ tín dụng cho 131 dự án với tổng mức đầu tư 14.010 tỷ đồng, bao gồm 40 dự án hạ tầng kỹ thuật, 31 dự án y tế, 54 dự án giáo dục và nhiều dự án hạ tầng khác. Có thể nói, HFIC luôn tiên phong thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố và đã kéo theo các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư. Theo thống kê, bình quân một đồng vốn của HFIC bỏ ra đã thu hút 33 đồng vốn của các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư.

Hiện nay, Ban lãnh đạo và 150 cán bộ nhân viên đang công tác tại HFIC đang quyết liệt phấn đấu với phương châm “dám nghĩ, biết làm”. Nhờ đó, chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ cuối năm 2015 đến nay, HFIC đã mạnh dạn nghiên cứu, chủ động tham gia vào nhiều dự án trọng điểm của Thành phố như: tài trợ vốn cho 12.500 căn hộ tái định cư tại Khu đô thị Thủ Thiêm với quy mô vốn 2.000 tỷ đồng; cho vay đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập với quy mô vốn 1.000 tỷ đồng; công trình chống ngập – Hồ điều tiết Khánh Hội với quy mô vốn trên 600 tỷ đồng và chương trình chỉnh trang đô thị với quy mô vốn khoảng 5.000 tỷ đồng.

Nhưng thu hút đầu tư ra sao? Chiến lược chính là HFIC đảm nhậm vai trò vốn đối ứng tiên phong nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng của Thành phố. Song song đó, HFIC tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong toàn hệ thống, các đối tác chiến lược, các sở, ngành để triển khai 07 chương trình đột phá của Thành phố, trong đó tập trung mạnh cho 03 chương trình chống ngập, giảm ùn tắc giao thông và chỉnh trang đô thị. Ông Quốc chia sẻ: “Mục tiêu mà HFIC hướng tới là trở thành kênh huy động vốn chủ lực trong phát triển hạ tầng, phát huy vai trò là nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư mở đường với cơ chế đối ứng tiên phong trong lĩnh vực CSHT và các lĩnh vực trọng điểm khác. Tất cả nằm trong tiêu chí “Kết nối tiềm năng” mà chúng tôi đặt ra trong năm 2016 này”.

Nhờ vai trò kết nối hiệu quả và nguồn vốn giải ngân kịp thời của HFIC mà các đối tác luôn tin tưởng phối hợp, nhanh chóng hợp vốn tài trợ cho các dự án mà HFIC đứng ra kêu gọi. Vậy là khó khăn bước đầu để triển khai các dự án trọng điểm của Thành phố đã được tháo gỡ. Không chỉ dừng lại ở vai trò nhà tài trợ vốn, từ kinh nghiệm thực hiện nhiều công trình lớn của TP.HCM như xa lộ Hà Nội mở rộng, cầu Sài Gòn 2, Nhà máy nước Kênh Đông, Cảng Tân Cảng -  Hiệp Phước…, HFIC chủ động đề xuất vai trò chủ đầu tư một số dự án trong các chương trình trọng điểm mà Thành phố đang ưu tiên.

Cùng với sự phát triển của Thành phố, các hoạt động kinh doanh của HFIC cũng cần liên tục thay đổi, điều chỉnh nhằm phát huy tối đa hiệu quả. Thông qua tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng và nhiệt huyết, ông Phạm Phú Quốc cùng đội ngũ lãnh đạo công ty luôn chú trọng truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân sự; xây dựng môi trường làm việc năng động, văn hóa doanh nghiệp hiện đại, ân cần với khách hàng. Những nỗ lực của HFIC hướng đến mục tiêu trở thành một trong những cầu nối đáng tin cậy và quan trọng của Thành phố trong huy động vốn và phát triển hạ tầng; giữa các Sở ngành với doanh nghiệp và nhà đầu tư; giữa nhu cầu thiết thực của người dân Thành phố với các công trình hạ tầng mang nhiều ý nghĩa thiết thực.

 

Lam Vy