clock

Thị Trường

08:30 10-02-2025

Nhà máy bán dẫn lớn nhất Việt Nam muốn tăng công suất gấp 3, thủ phủ ngành chip lập kỷ lục mới

Nơi đặt nhà máy này cũng đang trở thành thủ phủ mới của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Nhà máy bán dẫn lớn nhất Việt Nam

Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam vừa có báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn” tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Theo báo cáo, Amkor Technology Việt Nam muốn nâng quy mô công suất sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu và thiết bị bán dẫn từ 1,2 tỷ sản phẩm/năm (tương đương 420 tấn sản phẩm) lên 3,6 tỷ sản phẩm/năm (tương đương 1.600 tấn sản phẩm) . Dự án không có hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, không bán sản phẩm tại Việt Nam và không tiến hành sửa chữa sản phẩm, Amkor cho biết.

Việc mở rộng sẽ gồm lắp đặt máy móc thiết bị, dây chuyền mạ, module xử lý sơ bộ nước thải mạ, và hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ dây chuyền mạ.

Khi vận hành, nhà máy sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 7.200 lao động (hiện tại là 1.200 lao động), đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh.

Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn tất việc mở rộng vào tháng 9/2025 và đi vào hoạt động sản xuất ổn định từ tháng 10/2025.

 
“Ông lớn” bán dẫn Amkor Technology đang xin phép tăng gấp 3 công suất nhà máy tại Bắc Ninh.

Nhà máy Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I là 520 triệu USD. Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor tại Bắc Ninh và cũng là nhà máy sản xuất bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay được xây dựng trên diện tích 23 ha.

Khánh thành vào tháng 10/2023, hiện nhà máy đang hoạt động một phần với công suất 420 triệu sản phẩm (147 tấn một năm), tương đương 11,6% công suất ổn định sau mở rộng.

Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ tập trung vào việc thử nghiệm, cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới.

Doanh thu xuất khẩu ngay trong năm đầu tiên của Amkor đạt 337,5 tỷ đồng. Trong năm 2024, công ty đã nộp ngân sách Nhà nước 3,5 triệu USD (tương đương 87,5 tỷ đồng) thông qua các khoản thuế, bao gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế thay nhà thầu. 

Công ty đặt mục tiêu đạt công suất sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm 3.600 triệu sản phẩm mỗi năm, tương đương 1.600 tấn sản phẩm.

Đối với Bắc Ninh, lãnh đạo Tập đoàn Amkor Technology nhiều lần khẳng định, Amkor Bắc Ninh sẽ trở thành cứ điểm quan trọng, là trụ cột trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn của Tập đoàn Amkor trên toàn cầu và tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam.

Bắc Ninh - Điểm sáng của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, nhân lực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bắc Ninh đang được nhiều tập đoàn lớn "chọn mặt gửi vàng", rót vốn đầu tư, đồng thời trở thành "thỏi nam châm" thu hút nhiều doanh nghiệp bán dẫn.

Tiêu chí để tỉnh lựa chọn các dự án đầu tư rất độc đáo: "Hai ít-Ba cao-Bốn sẵn sàng-Một không" (“hai ít” là ít sử dụng đất, ít dùng lao động; “ba cao” là suất vốn đầu tư các dự án FDI cao, công nghệ cao và hiệu quả kinh tế cao; “bốn sẵn sàng” bao gồm: sẵn sàng mặt bằng; sẵn sàng nhân lực chất lượng cao; sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật; sẵn sàng hỗ trợ và giải quyết mọi khó khăn; “một không” là không ô nhiễm môi trường.

Năm 2024, tỉnh này có được hơn 4,8 tỷ USD vốn FDI, cao nhất cả nước và nhiều nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ qua.

Ngay tháng đầu tiên của năm mới 2025, tỉnh này dẫn đầu cả nước với gần 1,4 tỷ USD vốn FDI, chiếm 32,2% tổng vốn đăng ký, tăng gấp 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

 
Bắc Ninh là tỉnh thu hút đầu tư đứng đầu cả nước.

Đây cũng là một trong những tỉnh thành thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn như: Amkor, Hana Micron; Micro Commercial Components; ITM Semiconductor; Victory Giant Technology.

Các dự án đáng chú ý tại “thủ phủ” bán dẫn có thể kể đến như Nhà máy thiết bị bán dẫn Micro Commercial Components tại KCN Yên Phong I (với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD), hay dự án của Victory Giant Technology tại KCN VSIP Bắc Ninh… giúp mở rộng quy mô ngành công nghiệp bán dẫn tại Bắc Ninh từ các khâu thiết kế, sản xuất, cho đến đóng gói và thử nghiệm.

 
Khu công nghiệp tại Bắc Ninh tập trung nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn.

Hạ tầng công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh là một ưu điểm rất lớn khi dư địa dồi dào, còn khoảng 2.500 ha đến năm 2025, dự kiến năm 2026 - 2030, tỉnh sẽ phát triển thêm 6 khu công nghiệp ở phía Nam với diện tích 2.000 ha.

Bên cạnh đó là yếu tố đầu tư nhân lực được Bắc Ninh đặc biệt chú trọng. Riêng đối với bán dẫn, sinh viên theo học ngành này ở Bắc Ninh sẽ được hỗ trợ 1,64 - 2,94 triệu đồng/tháng/em, tùy theo bậc học và năm học khác nhau.

Tỉnh Bắc Ninh cũng hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỉ đồng nếu các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ ở ngoài tỉnh được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở đào tạo công lập trực thuộc tỉnh và có cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm.

 

 

H.Linh