clock

CEO Việt

07:09 13-10-2018

Nhà sáng lập tập đoàn điện từ Asanzo – Phạm Văn Tam: “Làm chủ sân nhà, vươn ra thế giới”

Sự phát triển “thần tốc” của Asanzo dưới tài lãnh đạo của doanh nhân trẻ Phạm Văn Tam đã trở thành câu chuyện “thần kỳ” nhưng “có thực” tại Việt Nam. Chỉ trong vòng 5 năm, Anh đã đưa Asanzo trở thành Tập đoàn điện tử lớn trong nước, là doanh nghiệp nội hiếm hoi có khả năng cạnh tranh ngang ngửa với các “ông lớn” ngay trên sân nhà. Từ đó, tiếp tục nuôi dưỡng hoài bão lớn lao hơn để làm rạng danh thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Thành công của Asanzo là một minh chứng rõ nét nhất cho tài năng, ý chí, bản lĩnh và khát vọng của người Việt Nam mang tầm nhìn toàn cầu. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Doanh nghiệp và Thương hiệu Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng CEO Phạm Văn Tam.

Business & Brand VN: Cán đích thành công năm 2017 bằng kết quả kinh doanh ấn tượng, xin anh cho biết quy mô thị trường của Asanzo hiện nay và những kỳ vọng của năm 2018 này?

Ông Phạm Văn Tam: Ra đời vào cuối năm 2013, Asanzo chen chân vào thị trường điện tử Việt Nam vốn bị chiếm lĩnh bởi các thương hiệu tivi quốc tế bằng chính sự thấu hiểu nhu cầu thực của phần đồng người tiêu dùng người Việt.

Sau 5 năm ghi dấu ấn đậm nét trên thị trường, hiện Asanzo đã có hơn 100 nhà phân phối, 6.000 đại lý và 250 trạm bảo hành trải dài từ Nam ra Bắc. Với số lượng điểm bán ngày càng mở rộng và đa dạng chủng sản phẩm, năm nay chúng tôi tự tin sẽ cung ứng cho thị trường trên một triệu tivi, 700.000 điện thoại thông minh và 6 triệu sản phẩm điện gia dụng. Trong đó, nông thôn là thị trường chủ lực và chiến lược của tập đoàn, chiếm trên 80% doanh số. Riêng khu vực Tây Nam Bộ dẫn đầu với 23%, tiếp đến là miền Trung với 17%, Hà Nội và Đông Bắc đạt 16%.

Kết thúc năm 2017, tổng doanh thu các ngành hàng của tập đoàn đã đạt gần 5000 tỷ đồng. Chúng tôi đang sẵn sàng cho bước phát triển tiếp theo, năm nay Tập đoàn Asanzo đặt mục tiêu đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng cho tất cả các ngành hàng, tăng 1,8 lần so với 2017.

 

CEO Phạm Văn Tam tự tin ASANZO S3 Plus sẽ tạo ra bước tiến mới trong lĩnh vực Smartphone

Business & Brand VN: Nhìn vào những bước đi táo bạo của Asanzo, công chúng thấy rõ tham vọng dẫn đầu ngành điện tử công nghệ. Anh có thể chia sẻ cùng bạn đọc tầm nhìn của Asanzo cho chặng đường 5 năm kế tiếp?

Ông Phạm Văn Tam: Hoài bão của tôi là đưa Asanzo trở thành một tập đoàn điện tử đa ngành hàng đầu Việt Nam, gồm 5 lĩnh vực tivi, điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và các mặt hàng điện tử khác như laptop, máy tính bảng... Cụ thể các sản phẩm công nghệ mới như laptop, máy tính bảng sẽ chiếm 30% doanh số và sản lượng bán hàng. Hiện tivi vẫn là mặt hàng chủ lực, chiếm 90% về cả số lượng sản xuất và doanh thu, kế đến là điện lạnh, điện gia dụng và smartphone.

Sau 5 năm xây dựng thương hiệu và thành công vượt kỳ vọng trên thị trường. Dấu ấn đầu tiên trong hành trình này là sự kiện ra mắt 20.000 smartphone vào tháng 8/2017 và nhanh chóng đạt mức tiêu thụ 8.000 sản phẩm chỉ trong 4 tháng.

Trong tháng 10 này, chúng tôi đã cho ra mắt chiếc smartphone mới nhất của mình mang tên Asanzo S3 Plus. Với nhiều cải tiến về thiết kế cũng như cấu hình hiện đại, mang dấu ấn riêng, tôi hy vọng S3 Plus sẽ tạo nên một bước tiến mới của tập đoàn ở lĩnh vực đầy thử thách này.

Song song đó, chúng tôi cũng triển khai nghiên cứu công nghệ và đàm phán hợp tác với đối tác nước ngoài để sớm tung ra thị trường những dòng sản phẩm mới như máy tính bảng, laptop... Đây sẽ là sản phẩm chủ lực trong tương lai của Asanzo bên cạnh tivi.

Nếu chỉ kinh doanh vì lợi nhuận đơn thuần, có lẽ tôi đã dừng lại. Tuy nhiên với niềm đam mê công nghệ, tôi thấy mình vẫn có thể làm được thêm nhiều thứ có ích, đem đến cho cộng đồng những sản phẩm thiết thực.

 

Business & Brand VN: Khi doanh nghiệp phát triển lên một tầm cao mới thì việc thay đổi nhận diện thương hiệu là tất yếu. Tuy nhiên thay vì thuê một đối tác nước ngoài, anh lại quyết định phát động một cuộc thi thiết kế dành cho mọi công dân Việt Nam. Đây phải chăng cũng nằm trong tính toán về chiến lược thương hiệu của Asanzo thưa anh?

Ông Phạm Văn Tam: Đúng vậy, theo tôi bước đầu tiên trong chiến lược phát triển nhất định phải làm mới hệ thống nhận diện thương hiệu. Asanzo cần một hình ảnh mới thể hiện tốt hơn các giá trị bản sắc của tập đoàn như trung thực tạo uy tín, đối diện và chinh phục, sáng tạo - chủ động tạo nhu cầu, công nghệ tạo tầm vóc, trách nhiệm đối với con người và giá trị thật.

Còn về việc phát động cuộc thi, tôi muốn logo phải xuất phát từ sự sáng tạo và tiếng nói của công chúng, như vậy, thương hiệu mới dễ đi vào lòng người dùng, tạo sự gắn kết lâu dài giữa doanh nghiệp với khách hàng trong nước. Bởi lẽ không ai hiểu người Việt bằng chính người Việt.

Quan trọng hơn thông qua cuộc thi, tôi sẽ có cơ hội nhận định độ hiểu biết và tương hợp của ứng viên thông qua sản phẩm dự thi, từ đó dễ dàng đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến đội ngũ mới mà mình muốn xây dựng trong thời gian tới.

 

Thành công của Asanzo đến từ 04 yếu tố: Công nghệ, chiến lược thâm nhập thị trường độc đáo, sự sáng tạo từ trong thiết kế và “Giá trị thực” đem đến cho khách hàng - CEO Phạm Văn Tam

 

Business & Brand VN: IPO phải chăng chính là chìa khóa để anh nhanh chóng hiện thực tầm nhìn của Asanzo?

Ông Phạm Văn Tam: Chúng tôi đang trong giai đoạn tái cấu trúc toàn diện và hướng tới mục tiêu IPO vào năm 2021 của tập đoàn. Sau IPO, Asanzo cũng tiếp tục triển khai kế hoạch chuẩn bị lên sàn chứng khoán.

Asanzo hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp mang yếu tố gia đình. Việc IPO chỉ là những bước đầu tiên trong lộ trình đưa Asanzo trở thành tập đoàn công nghệ đa ngành hàng đầu Việt Nam và vươn tầm ra quốc tế.

Trước mắt, IPO sẽ giúp Asanzo giải quyết vấn đề nguồn vốn để giữ vững tăng trưởng và phát triển ổn định. Với nguồn vốn huy động được, Asanzo trước tiên sẽ nâng cấp công suất của các nhà máy, mở rộng sản xuất phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Hiện khả năng sản xuất tối đa của cả tập đoàn là 4 triệu sản phẩm/năm, trong đó gồm có tivi, điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và chỉ hoàn toàn phục vụ nhu cầu trong nước. Trong tương lai, Asanzo đặt mục tiêu nâng công suất lên mức 10 triệu sản phẩm/năm. Những sản phẩm công nghệ mới như Smartphone, laptop, máy tính bảng, tai nghe, loa không dây… dự kiến chiếm tỷ lệ 30% trong tổng công suất, thay vì chỉ 10% như hiện nay 3,5 triệu sản phẩm sẽ phục vụ nhu cầu nội địa, số còn lại sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Myanmar, Campuchia, Lào...

Kế tiếp, Asanzo sẽ xây dựng một khu công nghiệp điện tử tại Việt Nam có diện tích tối thiểu 100 ha dành riêng cho Asanzo và các đối tác cung cấp linh kiện, các doanh nghiệp điện tử trong nước từ nguồn vốn IPO. Nơi đây sẽ tập trung tất cả dây chuyền sản xuất của các dòng sản phẩm điện tử, công nghệ mà Asanzo đang phát triển. Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất bao bì, khuôn mẫu, linh kiện...  sẽ hoạt động tập trung.

Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được 10-20 công ty đến hoạt động tại khu công nghiệp mới. Trong đó sẽ có các doanh nghiệp cung cấp linh kiện từ châu Âu, châu Á cũng như các doanh nghiệp điện tử trong nước, các startup mới thành lập thuộc lĩnh vực này.

 

CEO Phạm Văn Tam nuôi hoài bão đưa Asanzo thành Tập Đoàn điện tử đa ngành tại Việt Nam

Business & Brand VN: Điều gì khiến một doanh nhân đam mê kinh doanh như anh lại lấn sân sang bóng đá trở thành ông “bầu” của đội bóng Hải Phòng?

Ông Phạm Văn Tam: Một người kinh doanh thực sự thì phải bám lấy truyền thông. Bóng đá với tôi là chuyện khá ngẫu nhiên. Năm 2017, tại giải U23 châu Á, đội tuyển U23 Việt Nam rất thành công. Tôi cũng là một người yêu bóng đá. Trước trận chung kết U23 châu Á 2 ngày, tôi quyết định mang tặng TV 32 inch cho khoảng 200 hộ nghèo nhất trong huyện nơi ở của gia đình Bùi Tiến Dũng ở Thanh Hóa. Lúc tặng xong, chúng tôi thấy rằng họ nghèo tới mức không có bàn để kê TV. Dù vậy, ai cũng nói chuyện về bóng đá.

Do đó, tôi quyết định chuyển sang làm bóng đá. Quê tôi ở Quảng Ninh, nên tôi muốn đầu tư về đây. Nhưng lúc đang có Than Quảng Ninh đầu tư nên tôi không làm được. Trong khi đó, Hải Phòng kế bên chưa có nhà tài trợ nên tôi quyết định chọn.

Quan trọng hơn, tôi đầu tư cho Hải Phòng để người dân miền Bắc biết đến Asanzo. Một phần là chiến lược truyền thông, một phần để cho mọi người hiểu rằng Asanzo cũng có cái tâm đóng góp cho cộng đồng. Thay vì đi cho tiền người nghèo, cho mãi họ cũng không lên được, chúng tôi đầu tư vào bóng đá như một món ăn tinh thần. Mà ở Hải Phòng xem bóng đá rất đông, cổ động viên gần như là nhất toàn quốc. Khi biết chúng tôi đầu tư, họ đã tự in cờ, khẩu hiệu có tên Asanzo. Đây là điều tôi rất thích.

Không phải vì mình cho tiền mà họ thích, mà vì mình đầu tư cho họ món ăn tinh thần. Nhờ đó, doanh số của Asanzo cũng bắt đầu tăng. Tôi hi vọng khi đầu tư như vậy cũng sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư bóng đá cho các doanh nghiệp khác. Dù không phải là một chiến lược bài bản, qua phân tích gì cả, mà chỉ qua hiệu ứng của U23, tôi nhận thấy chúng tôi đang đi đúng hướng.

 

Business & Brand VN: Sự thành công vang dội của cái tên Phạm Văn Tam với thương hiệu Asanzo đã đưa anh trở thành một gương mặt doanh nhân đình đám được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ. Anh có lời khuyên nào dành cho các doanh nhân trẻ đang khao khát khởi nghiệp và thành công như anh?

Ông Phạm Văn Tam: Theo tôi để thành công cần rất nhiều yếu tố:

Một là, bạn nên đầu quân cho những công ty trong lĩnh vực mà mình theo đuổi để va chạm với thực tế và nắm được cách vận hành và quản lý doanh nghiệp của bản thân trong tương lai. Luôn bền bỉ theo đuổi mục tiêu, không ngại khó khăn và học hỏi từ thất bại của mình, người trẻ sẽ nâng cao cơ hội thành công của mình hơn.

Hai là, đừng cố gắng trở thành những Jack Ma, Mark Juckerbers hay Bill Gates… Họ là những thiên tài hàng đầu thế giới với năng lực và trí tuệ siêu hạng. Hãy thực tế hơn trong công việc, phát huy năng lực của bản thân, kết hợp với thế mạnh của địa phương để giải quyết những vấn đề, nhu cầu mà xã hội thực sự cần. Đó mới là chìa khóa để bạn tạo dựng thành công.

Ba là “Bỏ trứng vào nhiều rổ” là lời khuyên dành cho những nhà đầu tư. Đối với nhà sản xuất và kinh doanh, đây lại chính là sự nhầm lẫn nguy hiểm nhất. Chỉ khi tập trung tối đa vào lợi thế so sánh lớn nhất của mình, bạn mới đủ sức trở thành người dẫn đầu trong bất cứ lĩnh vực nào.

Cuối cùng, là doanh nhân, hãy luôn yêu quý quê hương và hướng về đồng bào của mình. Trong mỗi quốc gia, lực lượng doanh nhân luôn là động lực lớn nhất để phát triển đất nước, giải quyết việc làm cho người dân và giúp họ có một cuộc sống sung túc, bình yên và hạnh phúc.

 

"Hiện nay, Asanzo sở hữu 7 nhà máy ở cả  ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó 1 nhà máy ở miền Bắc đặt ở tỉnh Hải Dương, miền Trung đặt tại Đà Nẵng, miền Nam gồm 2 nhà máy ở KCN Tân Bình, 2 nhà máy tại KCN Vĩnh Lộc và 1 nhà máy tại KCN Tân Kim - Long An. Tôi chọn mở nhà máy tại nhiều vùng miền một mặt có thể tận dụng nhân công sẵn có tại địa phương, mặt khác nhằm tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động không phải chịu cảnh xa quê, đồng thời giải quyết được bài toán tối ưu chi phí cho sản xuất”. - CEO Phạm Văn Tam

 

Trân trọng cảm ơn anh!

 

Mỹ Dung