clock

Trong Nước

10:54 13-08-2018

Nhiều bộ trưởng "chia lửa" chất vấn về dân tộc, miền núi

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết về tính chân thực của tỷ lệ mù chữ, Bộ trưởng thừa nhận thực tế nhiều vùng tỷ lệ không như báo cáo...

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết về tính chân thực của tỷ lệ mù chữ, Bộ trưởng thừa nhận thực tế nhiều vùng tỷ lệ không như báo cáo...

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 13/8 tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội người chịu trách nhiệm chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. Nhưng rất nhiều các vị Bộ trưởng khác có mặt để sẵn sàng "chia lửa".

Xoá mù trên 90% có đúng?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Phương Lan về trách nhiệm và giải pháp trước việc dồn ghép một số điểm trường khiến chất lượng giáo dục đào tạo ở khu vực này hạn chế Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ xác nhận tình trạng này diễn ra ở hầu hết các địa phương. Thời gian qua, nhà nước đã có thêm chính sách với cả học sinh mầm non, giáo viên tích hợp, sinh viên cử tuyển… Tuy nhiên, khó khăn nhất với giáo dục các tỉnh miền núi là trang thiết bị. Chỉ khoảng 50% trường lớp ở các tỉnh như Kon Tum, Gia Lai được kiên cố hóa.

Tình trạng dồn ghép một số điểm trường khiến trường lớp xa hơn, một số học sinh đã bỏ học vì thế. Theo Bộ trưởng Nhạ thì hiện tượng tái mù chữ ở người đồng bào dân tộc thiểu số là có. 

"Những vấn đề đại biểu nêu phản ánh đúng thực trạng của giáo dục miền núi. Chúng tôi đang tham mưu để khắp phục, đang phê duyệt chính sách kiên cố hóa trường lớp học nhắm tới những địa phương thuộc diện 30A", Bộ trưởng Nhạ hồi âm.

Theo Bộ trưởng thì Bộ đã hướng dẫn việc dồn các điểm trường lẻ thành trường chính đồng thời khuyến khích các trường dân tộc nội trú, trong đó không chỉ khuyến khích các học sinh dân tộc thiểu số mà cả học sinh các dân tộc khác sống chung để cùng hòa nhập, giúp đỡ nhau.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị Bộ trưởng cam kết về tính chân thực của tỷ lệ mù chữ: Bộ trưởng khẳng định đã xóa mù trên 90% nhưng thực tế nhiều vùng tỷ lệ này không thể đạt, như báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạc và Đầu tư, tỷ lệ mù chữ lên tới 21%.

"Đúng là tỷ lệ mù chữ số lượng thống kê của chúng tôi là như vậy và 3 năm gần đây khảo sát thì tỷ lệ tái mù tăng lên nên nghi vấn đại biểu đặt ra là có thật và cần phải rà soát lại để nắm được con số chân thực hơn", Bộ trưởng Nhạ trả lời.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cũng có cơ hội "chia lửa" khi đại biểu Trần Văn Chiến chất vấn về trách nhiệm khi con em đồng bào dân tộc thiểu số sau khi đào tạo về không có việc làm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo kết quả điều tra vừa qua, cả nước hiện có hơn 300.000 thanh niên nông thôn thiếu việc làm, trong đó tỷ lệ ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số cao cấp 3,3 lần mức chung của cả nước.

Kết quả trong 2 năm qua đã thực hiện được là đáng ghi nhận. Tỷ lệ đầu tư cho nông thôn mới gấp tới 4 lần đầu tư chung. Chương trình 2085, 2086 vừa được Chính phủ quyết định đầu tư thêm, sẽ mang lại hiệu quả cải thiện cho khu vực này.

Đã có Trung ương, không lo chết đói

Thành viên Chính phủ tiếp theo "chia lửa" cho Bộ trưởng Đỗ Văn Chiên là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, sau khi một số đại biểu nêu chất vấn về tầm quan trọng của giao thông với sự phát triển của miền núi.

Ông Thể khẳng định, giao thông nông thôn thì trách nhiệm chính là của các địa phương. Còn Bộ đã thực hiện đề án xây dựng đường đến trung tâm xã và tranh thủ các nguồn vốn ODA để thực hiện hỗ trợ giao thông nông thôn.

Trách nhiệm chính đầu tư giao thông nông thôn vẫn là địa phương, nếu khó khăn thì địa phương xây dựng đề án xin Trung ương hỗ trợ, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng thì giao thông phải đi trước một bước nhưng trách nhiệm gắn liền với chính quyền địa phương rất nhiều. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tập hợp, đề xuất, nếu cần thiết phải có chương trình mới cho tất cả các tỉnh.

Chất vấn của đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) về giải pháp thu hút đầu tư vào khu vực miền núi được chuyển đến Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Lúc đăng đàn, ông Dũng chưa hồi âm thẳng vào vấn đề này mà nêu một số khó khăn thách thức lớn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Như điều kiện tự nhiên, dân trí dẫn đến sinh kế rất khó. Thực tế là đồng bào không có đất sản xuất, hạ tầng giao thông thì rất yếu, còn có hiện tượng ỷ lại, có người nói không lo chết đói đâu, Trung ương sẽ phải lo.

Về hạn chế trong thu hút đầu tư, ông Dũng giải thích: phải có lợi nhuận thì các doanh nghiệp mới về, trong khi vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn điều kiện khó khăn không có tài nguyên khoáng sản, hạ tầng kết nối kém, nhân lực không đáp ứng thì rất khó thu hút đầu tư, kể cả nhà nước tư nhân và FDI. Giải pháp thì quan trọng nhất, theo Bộ trưởng là vấn đề sử dụng đất.

Đăng đàn tiếp là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ông Dũng thể hiện sự ủng hộ quan điểm chỉ nên có một chương trình mục tiêu quốc gia đủ tầm như Bộ trưởng Chiến đã nêu.

Thời gian qua sự phối hợp giữa các bộ ngành chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến lúng túng từ hướng dẫn đến thực hiện, chính quyền còn chưa thông hiểu hết chính sách nói gì đến người dân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận.

 

Nguyên Vũ/Vneconomy