clock

Thị Trường

08:15 11-11-2022

Nhiều nơi khan hiếm xăng trước giờ điều chỉnh giá

Ngoài thủ đô Hà Nội, tình hình khan hiếm xăng còn xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước ngay trước ngày chi phí đưa xăng dầu về VN tăng theo điều chỉnh của cơ quan quản lý (11.11).

Lan rộng ở miền Bắc
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, xác nhận từ chiều 9.11 ghi nhận có thêm 3 cửa hàng xăng dầu tại H.Việt Yên phải tạm ngừng hoạt động. Khi lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra, toàn bộ kho hàng của các doanh nghiệp này đều cạn sạch xăng, dầu và không phát hiện hành vi găm hàng. Ông Tấn cũng thừa nhận thiếu xăng dầu đã xuất hiện cục bộ ở Bắc Giang. Tại thời điểm cao nhất, toàn tỉnh có 14 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động với các lý do hết hàng, không đủ nguồn cung hoặc phải sửa chữa, bảo dưỡng cột bơm theo định kỳ.

Tương tự, tại Sơn La, đến chiều 8.11 đã ghi nhận một số cửa hàng xăng dầu tư nhân tại H.Mộc Châu và TP.Sơn La không đủ nguồn cung bán cho người tiêu dùng. Vì thế, lượng khách đổ về cây xăng thuộc hệ thống Petrolimex tăng đột biến, dẫn tới tình trạng quá tải, các phương tiện phải xếp hàng chờ đến lượt mua xăng.

Tại Lào Cai, một số cây xăng tại TP cũng phải dán thông báo bán xăng dầu theo định mức khi doanh nghiệp không thể nhập đủ hàng. Cụ thể, mỗi lần đổ xăng, xe máy chỉ được mua tối đa 30.000 đồng, ô tô cũng chỉ được mua 300.000 đồng/lần đối với xăng hoặc dầu diesel.

Vấn đề mấu chốt nhất hiện nay mà doanh nghiệp đang nói nhiều là giá xăng dầu nhập khẩu đang ở mức rất cao. Doanh nghiệp nào nhập khẩu càng nhiều thì lỗ nặng chưa có cách nào để bù lại được.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN

Ghi nhận tại thủ đô Hà Nội, nguồn cung xăng dầu vẫn tương đối khó khăn. Hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp tư nhân phần vì không nhập đủ hàng, phần vì thua lỗ nên chỉ nhập hàng đủ cầm cự hoạt động dẫn đến tình trạng người dân đổ dồn sang các hệ thống bán lẻ xăng dầu Petrolimex, PV Oil… khiến các cửa hàng này luôn đông đúc cả ngày lẫn đêm. Người đi xe máy phải xếp hàng, chờ đợi rất lâu mới mua được xăng.

Tại TP.HCM, Sở Công thương cập nhật ngày 10.11 toàn TP có 474 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động, 3 cửa hàng tạm dừng hoạt động và có đến 69 cửa hàng xăng dầu cung ứng gián đoạn, luôn trong tình trạng thiếu xăng hoặc dầu. Một số tỉnh thành phía nam chỉ đảm bảo 40 - 50% nhu cầu, thậm chí nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa liên tục nhiều ngày vì không có hàng bán.

Mua xăng dầu tại cửa hàng ở Hà Nội chiều 10.11  PHAN HẬU

Không gồng nổi lỗ
Trên các diễn đàn kinh doanh xăng dầu, hiện hầu như ngày nào cũng có người đăng rao bán, sang nhượng cửa hàng. Tất cả đều có chung lý do “lỗ quá, gồng không nổi”. Trao đổi với Thanh Niên, bà Bùi Thị Thà, Giám đốc Công ty TNHH Trần Khiêm (H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội), nói thẳng doanh nghiệp bán lẻ là đơn vị bán hàng cho doanh nghiệp đầu mối thì phải được trả công bằng chiết khấu (hoa hồng). Nhưng nhiều tháng nay, mức chiết khấu đều ở mức 0 đồng. Đã không được trả công còn phải bỏ tiền túi ra bù lỗ để bán hàng cho đầu mối. Thế nên, phần lớn các cây xăng hiện nay đều hoạt động phập phù, cứ bán một ngày lại tạm ngừng một ngày hoặc bán nửa ngày và nghỉ nửa ngày.

“Trước đây, hằng ngày chúng tôi nhập đều đặn xăng RON 92, RON 95, dầu diesel mỗi loại một xe chia cho 2 cây xăng, còn hiện nay có khi 2 ngày mới nhập một xe hàng, cũng chỉ nhập một loại sản phẩm. Khi nào bán hết, gom được tiền mới tiếp tục nhập trở lại. Có khi 2 ngày sau mới nhập hàng trở lại để duy trì bán nhỏ giọt, vì lỗ quá nặng. Trong khoảng 3 tháng vừa qua để duy trì 2 cây xăng, doanh nghiệp thua lỗ khoảng 1 tỉ đồng”, bà Thà cho biết.

Cũng đang khốn khổ về nguồn cung xăng dầu, ông N.H.Đ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty dầu khí H.S (Hà Nội), thừa nhận không chỉ địa bàn Hà Nội “khát” xăng dầu mà ngày nào điện thoại cũng nóng máy bởi các cuộc gọi từ Lai Châu, Điện Biên… để lấy hàng nhưng đành bất lực từ chối. Là thương nhân phân phối đang ký hợp đồng nhập xăng dầu của 3 doanh nghiệp đầu mối gồm: Tổng công ty xăng dầu Quân đội; Tổng công ty dầu VN (PV Oil); Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà nhưng lượng hàng lấy được của H.S hiện nay chỉ chiếm 30% so với trước đây.


Đáng lo ngại, ông N.H.Đ cho biết sau xăng đến dầu diesel hiện cũng khó nhập hàng hơn. Trong khi đó, dầu diesel được tiêu thụ rất nhiều để phục vụ các nhà máy, xí nghiệp sản xuất; nhiên liệu hoạt động của phương tiện máy móc công trình trọng điểm… Nếu thiếu dầu diesel thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế và tiến độ của các công trình, dự án trọng điểm. “Vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp bán lẻ lẫn thương nhân phân phối thua lỗ quá nặng, mức chiết khấu được hưởng từ doanh nghiệp đầu mối đều là 0 đồng/lít, có thời điểm là

50 - 70 đồng/lít không thể đủ chi phí vận hành kinh doanh. Phải sửa đổi Nghị định 95 càng sớm càng tốt để đảm bảo tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Họ có lãi thì các đơn vị bán lẻ mới có chiết khấu để duy trì được mạng lưới đưa xăng dầu đến người dân, chứ còn hiện nay rất nhiều cửa hàng bán lẻ đang tạm ngưng hoạt động hoặc không có đủ hàng để bán. Gánh nặng dồn lên các hệ thống bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp nhà nước như Petrolimex, PV Oil… cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân”, vị này nói thẳng.

Tăng chi phí, vẫn chưa đủ?
Giá xăng dầu trong nước chiều nay (11.11) có thể tăng trở lại do giá xăng thành phẩm thế giới tăng trong 10 ngày qua và mức điều chỉnh chi phí kinh doanh vừa được Bộ Tài chính gửi Bộ Công thương để tính vào giá cơ sở trong kỳ điều hành chiều nay đã tăng.

Chiết khấu bán lẻ mà doanh nghiệp phân phối vẫn để ở mức 0 đồng/lít thì lấy đâu ra chi phí để chúng tôi vận hành cây xăng. Dù xăng có nguồn cung, các doanh nghiệp bán lẻ như chúng tôi cũng không muốn nhập hàng nữa, lỗ quá nhiều thì không chịu nổi. Nếu doanh nghiệp bán lẻ nào còn nhập thì số lượng cũng chỉ ở một mức độ rất nhỏ so với trước đây thôi.

Bà Bùi Thị Thà, Giám đốc Công ty TNHH Trần Khiêm

Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu áp dụng ngay trong kỳ công bố giá cơ sở từ ngày 11.11 thực chất là chi phí tạo nguồn. Trong đó có khâu vận tải từ nước ngoài về VN, tức là phụ phí trong khâu mua hàng của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đã thực hiện trong quý 3. Trong quy định hiện nay, việc điều chỉnh này là đương nhiên và cứ 6 tháng một lần, Bộ Tài chính sẽ xem xét chi phí tạo nguồn của các doanh nghiệp, trên cơ sở doanh nghiệp báo cáo sẽ có công thức tính để áp dụng vào giá cơ sở xăng dầu tính từ 1.1.2023. Nhưng do trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu nhập khẩu lên cao, để hỗ trợ doanh nghiệp, liên bộ Tài chính - Công thương có báo cáo Chính phủ và được đồng ý là không cần đợi định kỳ 6 tháng mà tính được bao nhiêu thì áp dụng ngay để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp. Mức chi phí thực tế của doanh nghiệp báo cáo bao nhiêu, Bộ Tài chính tính toán để ra mức điều chỉnh bấy nhiêu, tất cả đều có công thức chứ không phải Bộ Tài chính nâng lên hay đặt xuống chi phí này.

“Chi phí định mức được cho phép tính toán, áp dụng sớm hơn cũng là nỗ lực để thị trường xăng dầu trong nước gần hơn với thị trường quốc tế. Nhưng vấn đề mấu chốt nhất hiện nay mà doanh nghiệp đang nói nhiều là giá xăng dầu nhập khẩu đang ở mức rất cao. Doanh nghiệp nào nhập khẩu càng nhiều thì lỗ nặng chưa có cách nào để bù lại được”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cho rằng phải xử lý ở công thức tính giá và xây dựng phương án đảm bảo được nhập khẩu trong thời gian này để sau này sẽ được bù lại các khoản lỗ đang chịu hiện nay. Nhưng mấu chốt nhất là nên để doanh nghiệp tự vận hành theo thị trường, doanh nghiệp tự cân đối, tính toán giá. Nhà nước chỉ quản lý bằng khung giá trần. Để việc tăng giá nếu có không tác động tiêu cực đến nền kinh tế thì sẽ chẳng có ai kêu ca.

 Theo Thanh Niên