clock

Doanh Nghiệp

05:10 02-04-2018

Nhìn từ hình ảnh thoả thuận FLC - Airbus trên website Quốc hội Pháp

Có thể nhận thấy một thông điệp được truyền tải tinh tế qua những tấm hình cô đọng...

Hôm 27/3, website chính thức của Quốc hội Pháp (http://presidence.assemblee-nationale.fr) đã đăng tải loạt ảnh về sự kiện Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy chào đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp.

Trong đó, một hình ảnh đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác thương mại - kinh tế giữa hai nước được website Quốc hội Pháp lựa chọn là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy chứng kiến việc ký hợp đồng thoả thuận mua 24 máy bay Airbus, giữa Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Phó chủ tịch Airbus phụ trách thương mại Eric Schulz.

Trên thực tế, trao đổi thương mại giữa hai nước phụ thuộc rất lớn vào hợp tác giữa các tập đoàn lớn trong hai lĩnh vực chủ chốt là công nghiệp hàng không và dược phẩm, như Airbus hay Sanofi.

Riêng hai lĩnh vực này đã chiếm đến 61% trong trao đổi thương mại của Pháp với Việt Nam.

Có thể nhận thấy một thông điệp được truyền tải tinh tế qua những tấm hình cô đọng nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa: trong sự hợp tác bền vững giữa hai quốc gia có nhiều thế mạnh bổ trợ như Việt Nam và Pháp, không thể thiếu yếu tố kinh tế.

Ngoài kênh thông tin của Quốc hội Pháp, việc ký hợp đồng thoả thuận mua 24 máy bay Airbus cũng được nhiều cơ quan báo chí hàng đầu tại Pháp đồng loạt đăng tải như Reuters France, Le Figaro, La Croix…

Trong đó, hãng hàng không Bamboo Airways được mô tả do một trong những tập đoàn đa ngành dẫn đầu Việt Nam là FLC Group thành lập. Bamboo Airways hướng tới mục tiêu phục vụ chủ yếu các đường bay nối quốc tế tới những điểm đến du lịch tiềm năng của Việt Nam, bên cạnh một số tuyến bay trong nước.

Sự lựa chọn của FLC và Bamboo Airways đến từ Việt Nam một lần nữa chứng minh mức độ phổ biến và được ưa chuộng của mẫu máy bay A321NEO - phiên bản mới thuộc dòng A321, được Airbus xem như một "niềm tự hào", theo thông tin từ truyền thông Pháp.

Ảnh 1.
Ảnh 2.

Nhìn từ những cái "bắt tay" lớn được ươm mầm sau chuyến đi, Les Échos, tờ báo kinh tế uy tín của Pháp, đánh giá "Việt Nam làm sự năng động kinh tế của mình toả sáng tại Paris", cùng tấm ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron siết chặt tay.

Tờ báo này nhận định: "Chuyến thăm Pháp của lãnh đạo hàng đầu đến từ Việt Nam mang mục đích kinh tế rõ ràng, đó là nâng cao mối quan hệ giữa Paris với một trong những quốc gia năng động nhất châu Á, nơi ghi nhận tăng trưởng bình quân 6% mỗi năm từ đầu thế kỷ 21 và dự báo tăng 6,8% trong năm 2018".

Les Échos cũng dẫn lời Tổng thống Pháp khẳng định, "nước Pháp phải hiện diện nhiều hơn ở Việt Nam", bởi Pháp hiện mới là nhà đầu tư thứ 16 tại Việt Nam, xuất khẩu mới chỉ chiếm 1% thị trường này.

"Nụ cười mà bạn gửi đi sẽ quay lại với bạn", Tổng thống Pháp bình luận trên blog Twitter cá nhân của ông. "Sau một thời kỳ lịch sử dài, Pháp và Việt Nam mỉm cười và cùng tiến bước về phía tương lai".

 

Vy Oanh/ Vneconomy