clock

Doanh Nghiệp

08:54 15-05-2023

Những lò cao mang tính sống còn của Tập đoàn Hòa Phát khi nào sẽ hoạt động lại?

Hòa Phát đã lên kế hoạch hoạt động lại toàn bộ 7 lò cao. Tuy nhiên, kế hoạch này được đánh giá là còn nhiều thách thức trong bối cảnh nhu cầu khó khăn như hiện tại.

Những lò cao mang tính sống còn của Tập đoàn Hòa Phát khi nào sẽ hoạt động lại? - Ảnh 1.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023. Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 26,588 tỷ đồng (giảm 39,7% so với cùng kỳ). Hòa Phát đã sản xuất 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với 3 tháng đầu năm ngoái.

Trong quý đầu năm, thép xây dựng đạt 869.000 tấn, giảm 35%. Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng với 34%. Bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 482.000 tấn, tương đương trên 60% so với cùng kỳ năm trước. Hòa Phát cũng cung cấp trên 26.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác của Việt Nam.

Sản phẩm ống thép, tôn mạ đã cung cấp cho thị trường trong 3 tháng vừa qua lần lượt là 160.000 tấn và 69.000 tấn, giảm lần lượt 23% và 34% so với 3 tháng đầu năm 2022. Thị phần ống thép Hòa Phát lớn nhất cả nước, trong khi đó sản phẩm tôn mạ nằm trong Top 5.

Những lò cao mang tính sống còn của Tập đoàn Hòa Phát khi nào sẽ hoạt động lại? - Ảnh 2.

Nguồn: VCBS

Sản lượng sản xuất, bán hàng của HPG sụt giảm mạnh trong quý đầu năm trước bối cảnh thị trường bất động sản dân dụng còn nhiều khó khăn. Tổng chung, trong 3 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 397,5 tỷ đồng (giảm 95,3% so với cùng kỳ).

Nguyên nhân của lợi nhuận tăng trưởng kém tích cực chủ yếu do giá bán thép giảm trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào là than cốc neo ở mức cao và hiệu suất sản xuất kém chỉ khoảng 70% làm giảm lợi ích kinh tế theo quy mô. Trước bối cảnh sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tiếp tục sụt giảm, giá bán thép bắt đầu giảm mạnh trong quý 2/2023 có thể tạo áp lực trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lớn trong bối cảnh HPG đã cho hoạt động lại 1 lò cao.

HPG dự kiến sẽ mở lại 2 lò cao trước ngày 20/5/2023 và vận hành đủ 7 lò cao hiện tại vào cuối tháng 5/2023. Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương. Ngoài ra, Hòa Phát còn một lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm. Tới thời điểm hiện tại, Hòa Phát đã vận hành trở lại 5/7 lò cao.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán VCBS, kế hoạch mở lại lò cao sẽ khá thách thức trong bối cảnh nhu cầu còn nhiều khó khăn như hiện nay. Ước tính hiện nay HPG chỉ hoạt động sản xuất với công suất ước tính khoảng 70% công suất thực tế, công suất này góp phần làm co hẹp biên lợi nhuận gộp của HPG trong quý 1.

Cụ thể, biên lợi nhuận gộp quý 1/2023 của HPG chỉ đạt 6,3%, trong đó nếu loại trừ khoản hoàn nhập hàng tồn kho giảm giá khoảng 948 tỷ đồng nhờ giá thép tăng trong tháng 3/2023 thì tỷ suất lợi nhuận gộp của HPG chỉ còn 2,7%. Lợi nhuận ròng loại trừ khoản hoàn nhập tồn kho bất thường thì HPG vẫn lỗ ròng khoảng 416 tỷ đồng. VCBS cho rằng trong quý 2/2023 tới, việc giá bán và giá nguyên vật liệu đầu vào có đà điều chỉnh giá mạnh sẽ tiếp tục góp phần tạo áp lực lên chi phí trích lập dự phòng giảm giá cho HPG.

 
Những lò cao mang tính sống còn của Tập đoàn Hòa Phát khi nào sẽ hoạt động lại? - Ảnh 3.

Sản lượng thép tiêu thụ của các doanh nghiệp thép lớn trong nước sụt giảm mạnh trong quý 1/2023.

Ngoài ra, dù ngành thép được cho là đã qua giai đoạn khó khăn nhưng thời gian tới vẫn cần thận trọng mới có thể hoàn thành được kế hoạch đã đặt ra. Bởi lẽ, cho tới nay, các vấn đề về thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, nhu cầu xây dựng vẫn rất yếu và tác động xấu tới giá thép trong năm 2023.

Cùng với đó, nhu cầu tại các thị trường như EU, Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao. Do vậy, sự tăng nhu cầu đột biến với sản phẩm HRC trong quý 1/2023 do nhu cầu nhập trữ hàng tồn kho sau nhiều thời gian không nhập sẽ được bình thường hóa trở lại. VCBS kỳ vọng hoạt động xuất khẩu thép HRC được cải thiện hơn tuy nhiên sẽ duy trì ở mức thấp hiện tại.

Thị trường xây dựng dân dụng bị tác động tiêu cực ở 2 thành tố chính: Sự sụt giảm nguồn cung tiềm năng từ các chủ đầu tư; Nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân sụt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất vẫn ở mức khá cao. Theo đó, nguồn cung tiềm năng trong tương lai sụt giảm mạnh trong quý 1/2023 về mức thấp trong nhiều năm, điều này phần nào thể hiện được sự khó khăn trong nhu cầu tiêu thụ thép trong các quý tiếp theo.

Bên cạnh ngành thép Hòa Phát cũng cho biết, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành các bước cơ bản để bắt đầu đi vào quá trình xây dựng, dự kiến tổng vốn giải ngân trong 2023 là 1 tỷ USD. Dự án kỳ vọng được bắt đầu chạy thử vào quý 1/2025 và đem lại khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng doanh thu khi chạy hết công suất

Đối với dự án hàng điện máy gia dụng, vỏ container, dự án sản xuất vỏ container sẽ cho ra mắt sản phẩm đầu tiên vào quý 2 năm 2023. Tuy nhiên đóng góp doanh thu sẽ không đáng kể do thị trường đang ở trong giai đoạn đầy khó khăn. Tiếp tục nghiên cứu mở rộng mảng điện lạnh với kế hoạch doanh thu 1 tỷ USD năm 2030.

Trong mảng bất động sản, HPG dự kiến đẩy mạnh mảng bất động sản khu công nghiệp với kế hoạch tăng số khu công nghiệp lên 10 khu công nghiệp tới năm 2030. Mảng bất động sản nhà ở dự kiến cho có nhiều biến chuyển do công ty đang dồn nguồn lực cho dự án Dung Quất 2.