clock

Doanh Nghiệp

07:19 02-10-2015

Những người giữ lửa tại tập đoàn gia đình Thép Việt

Sau hơn 20 năm, ông Thái cùng các thành viên trong gia đình xây dựng nên 2 công ty thép đầu ngành.

Từ năm 1986 đến nay, cùng với biến chuyển của nền kinh tế, hội nhập toàn cầu, những thành phần kinh tế ngoài nhà nước, các công ty gia đình Việt Nam đóng góp lớn vào sự thay đổi bộ mặt kinh tế Việt Nam khi đóng góp cùng những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh khác gần 50% GDP cả nước. CafeBiz xin giới thiệu series bài viết về "Những công ty gia đình nổi tiếng tại Việt Nam". Series sẽ đăng tải thường kỳ vào thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần.

Không sở hữu hay hiện không giữ chức vụ quan trọng tại công ty thép nào nhưng ông Đỗ Duy Thái lại là người nổi tiếng trong ngành này và được ví là “ông vua ngành thép”. Vị doanh nhân này là một trong những người tiên phong trong ngành thép Việt Nam. Sau hơn 20 năm, ông Thái cùng các thành viên trong gia đình xây dựng nên 2 công ty thép đầu ngành.

Bỏ nghề giáo đi làm cao su, thép

Vốn dĩ tốt nghiệp đại học sư phạm, ông Đỗ Duy Thái có thể lựa chọn con đường nhà giáo êm ả nhưng ông lại rẽ sang nghiệp kinh doanh đầy chông gai như đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Đầu những năm 1980, ông Thái và anh em khá thành công với ngành cao su. Theo lời của ông chia sẻ “Lúc đó thị trường mênh mông lắm, cung không đủ cầu nên sản xuất gì cũng bán được”. Xí nghiệp của ông sản xuất đủ sản phẩm cao su từ nút chai kháng sinh, dây chuyền chai nước biển, vỏ ruột xe. Thời điểm cực thịnh của công việc kinh doanh có tới gần 400 công nhân, lớn nhất thị trường lúc bấy giờ.

Năm 1986, gia đình ông quyết định chuyển hướng kinh doanh sang ngành thép vì một số lý do thị trường. Cũng nhờ vào công việc kinh doanh ngành cao su thuận lợi trước đây, gia đình ông tích lũy được nguồn vốn kha khá để làm công nghiệp.

Học ngành sư phạm nhưng tôi lại thích buôn bán kinh doanh. Tiếp xúc với nhiều người làm trong ngành công nghiệp, nhất là kinh doanh, sản xuất thép, tôi lắng nghe những kinh nghiệm của họ với một sự thích thú.”, ông Thái cho biết. Năm 1992, công ty Thép Việt ra đời trong khi hiếm doanh nghiệp tư nhân nào dàm làm ngành công nghiệp nặng. Sở dĩ ông Thái lấy tên cho công ty là Thép Việt với niềm khát khao xây dựng bằng được cho ngành thép đất nước công ty tầm cỡ mang tên Thép Việt.

Để tích lũy thêm vốn và kinh nghiệm, ông lựa chọn hướng đi theo con đường liên doanh suốt 10 năm. Năm 1995, Thép Việt bắt tay liên doanh cùng công ty Úc tại thép Vingal. Lúc bấy giờ Vingal sở hữu nhà máy mạ công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Năm 1997, Thép Việt bắt tay cùng doanh nghiệp Đài Loan tại thép Tây Đô, có nhà máy sản xuất thép lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Sang năm 1999, Thép Việt thành lập nhà máy thép Pomina với vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng tương đương 68 triệu USD với công nghệ hiện đại của Ý và Đức.

Việc đầu tư cho công nghệ của gia đình ông Thái lúc này đi ngược với xu hướng chung trong nước là sử dụng công nghệ Trung Quốc với giá cao gấp 4-5 lần. Tuy nhiên đổi lại chất lượng sản phẩm của Pomina dành được uy tín và tin tưởng của khách hàng trong nhiều năm.

Đại gia đình làm nghề thép

Hiện ngoài việc sở hữu 62,66% công ty thép Pomina, liên doanh cùng Thép Tây Đô, công ty sản xuất sản phẩm mạ công nghiệp Vingal, Thép Việt còn đầu tư vào CTCP Thép thép Việt. Trong đó Pomina là công ty con nổi bật hơn cả, nếu xếp theo vốn điều lệ, thép Pomina là doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 2000 tỷ đồng, đứng thứ 2 sau tập đoàn Hòa Phát. Theo số liệu của hiệp hội thép Việt Nam, xét về công suất thiết kế hiện 1,6 triệu tấn, Pomina là doanh nghiệp đứng đâu, theo sau là Hòa Phát, Tisco, Vinakyoei, VNS.

Cũng theo công bố của hiệp hội này, năm 2013 Pomina đứng đầu ngành thép xây dựng với 15,9% thị phần. Sang năm 2014, con số này có giảm đi chút ít khi Hòa Phát vươn lên vị trí số 1 với 19,1% thị phần.

Theo những số liệu công bố chính thức, Thép Việt hiện sở hữu 62,66% cổ phần Pomina, bên cạnh đó những thành viên trong gia đình ông Thái cũng sở hữu 22,41%.

Nguồn: CafeF.

Bên cạnh việc sở hữu, đại gia đình hơn 30 người của ông Thái hiện cũng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại hai công ty Thép Việt và Pomina. Trong đó đáng chú ý nhất là hai người em trong 12 người anh chị em nhà ông Thái: ông Đỗ Tiến Sĩ hiện là phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Pomina và ông Đỗ Xuân Chiểu giữ chức chủ tịch HĐQT Pomina.

Ông Sĩ vốn tốt nghiệp đại học Y được Tp.HCM vào những năm 1990 nhưng sau đó du học về quản trị kinh doanh để theo nghiệp kinh doanh của gia đình. Còn ông Chiểu vốn là một kỹ sư hóa cũng trở về công ty gia đình để trợ giúp ông Thái. Ngoài ra những thành viên khác trong họ Đỗ như Đỗ Văn Khanh, Đỗ Văn Phúc, Đỗ Thị Kim Cúc, Đỗ Thị Kim Ngọc,… cũng tham gia vào các vị trí trong cả hai công ty.

Thế hệ kế nghiệp công việc của đại gia đình này là những thành viên trẻ từ 23 tuổi trở lên. Con gái ông Thái là Đỗ Duy Hiếu sinh năm 1983 hiện là CEO tại Thép Việt sau một thời gian làm nhân viên tài chính tại công ty. “Với tôi, không có áp lực phải kế thừa gia nghiệp. Ai là CEO không quan trọng, quan trọng là công ty phát triển thế nào. Nếu không có khả năng thì trách nhiệm mà tôi và anh chị em phải gánh là đi tìm người có khả năng để điều hành cơ ngơi mà cả gia đình đã gây dựng”, CEO 8X từng chi sẻ khi được hỏi về công việc điều hành một công ty gia đình lớn như Thép Việt.

Thách thức lớn của ngành thép

Mặc dù vẫn đang là một trong những doanh nghiệp lớn ngành thép xây dựng nhưng Pomina và Thép Việt hiện đối mặt với thách thức lớn của toàn ngành. Năm 2014, hiệp định thương mại tự do FTA được đàm phán, ký kết lộ trình giảm dần thuế về 0% khiến các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với nguồn thép nhập khẩu từ các nước trong khu vực.

Không chỉ cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, dự án thép Formosa trị giá 28 tỉ USD đến từ Đài Loan càng khiến cuộc chiến khốc liệt hơn bao giờ hết. Dự án này được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% (trong khi doanh nghiệp thép nội địa phải chịu thuế 22%) tính từ năm có thu nhập chịu thuế, sau đó được miễn thuế trong 4 năm và giảm tiếp 50% trong 9 năm tiếp theo. Trong khi đó doanh nghiệp thép nội địa sản xuất cầm chừng bởi thị trường bất động sản đóng băng từ vài năm nay khiến nguồn cầu sụt giảm mạnh.

Công việc kinh doanh khó khăn đã phần nào được phản ánh qua tình hình tài chính của Pomina trong 4 năm qua khi doanh thu liên tục sụt giảm. Đáng chú ý hơn nếu năm 2011 lợi nhuận công ty này đạt khoảng 443 tỷ đồng thì năm 2013 lỗ tới 113 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 11 tỷ đồng. Thách thức vực công ty trở lại ngôi vị hàng đầu là một trong những thử thách lớn với CEO Đỗ Duy Hiếu cũng như đại gia đình họ Đỗ hiện nay.

 
 

Kim Thủy/ Cafebiz

Theo Trí Thức Trẻ