clock

Doanh Nghiệp

14:37 23-11-2015

Những thương hiệu của người Việt nổi danh trên đất Mỹ

Từ những sản phẩm truyền thống như tương ớt, phở đến trung tâm thương mại, cộng đồng người Việt đóng góp không nhỏ cho văn hóa và kinh tế Mỹ.

Lee Sandwiches - chuỗi cửa hàng bánh mì của người Việt lớn nhất tại Mỹ.

Với dân số khoảng 2 triệu người, cộng đồng người Việt tại Mỹ đang chiếm hơn một nửa số người dân sinh sống ở hải ngoại và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của kinh tế các tiểu bang Mỹ thông qua các thương hiệu do chính mình tạo dựng.

Dưới đây là một số tên tuổi đã nổi danh trên nước Mỹ, trong đó có những đơn vị đã quay trở lại Việt Nam đầu tư.

Tương ớt Sriracha

Tương ớt Sriracha "phủ sóng" hầu khắp nước Mỹ. Ảnh: AP.
Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, chai tương ớt và tương đỏ nhãn hiệu hình con gà Sriracha đã trở nên quen thuộc trên đất Mỹ khi có mặt trong nhiều chuỗi cửa hàng ăn nhanh, các quán phở hay siêu thị, chợ của người Việt và người Hoa ở cả miền Đông và miền Tây nước Mỹ. Sáng lập nên thương hiệu này là ông David Trần, người từng được tờ Business Week ví là "nhân vật biến tương ớt trở thành một biểu tượng văn hóa tại Mỹ".

Ông David Trần sinh tại Việt Nam và sang Mỹ năm 1979. Sau một năm ở xứ người, ông bắt đầu sản xuất tương ớt tại một cửa hàng nhỏ ở Phố Tàu Los Angeles, California, sau đó mở công ty đặt tên là Công ty Thực phẩm Hối Phong (Huy Fong Foods). Hiện nay, trụ sở công ty đã được mở rộng lên hàng nghìn m2. Theo dữ liệu được Huffington Post công bố vào năm 2013, Huy Fong bán được 20 triệu chai tương ớt trong năm, đạt doanh số 60 triệu USD, tăng trưởng 20%.

Tại Việt Nam, tương ớt Sriracha đã bắt đầu thâm nhập thị trường từ năm 2008 với thương hiệu Vị Hảo. Công ty Vị Hảo do ông Johnson Lâm, đồng sáng lập Huy Fong, cũng là em vợ của ông David Tran lập nên và hiện nay đã có mặt ở hầu hết các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Canada…

Phở

Thương hiệu Phở ông Hùng từ Mỹ đã về Việt Nam. Ảnh: Pho ong Hung.
Phở Việt Nam dường như đã trở thành món ăn dân tộc được nhiều tạp chí quốc tế như Businese Insider, CNN… bình chọn là món ăn đáng nhớ và các du khách nên thử một lần trong đời. Với công thức dễ làm và hợp khẩu vị nhiều người, hình ảnh phở Việt Nam đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực có người Việt sinh sống.

Ở Mỹ, nơi có hơn 2 triệu người gốc Việt, không lý do gì mà món phở không được truyền bá rộng rãi. Tờ Huffington Post từng ví phở là “quà tặng ẩm thực vĩ đại của Việt Nam dành cho nước Mỹ”. Với hơn 2 triệu người Việt đang sinh sống tại xứ sở cờ hoa, vô số quán phở đã được mở tại các tiểu bang, nhưng thật khó bình chọn quán phở nổi tiếng nhất, bởi điều này tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Tuy nhiên, nếu muốn thưởng thức tô phở đúng vị, thực khách thường chọn các khu vực có đông người Việt sinh sống như Los Angeles, San Jose hay Houston…

Trong số này, một số ít thương hiệu đã quay trở lại Việt Nam, trong đó có Phở Ông Hùng. Được sáng lập bởi ông Tiền Kim Thành tại tiểu bang Oregon năm 1990, đến nay chuỗi phở này đã có mặt ở bang Texas, California… Sau 24 năm, quán phở chính thức có mặt ở trong nước sau khi hợp tác với Tập đoàn Huy Việt Nam, và nay đã có 25 quán ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Bánh mì Lee’s Sandwiches

Lee Sandwiches được đánh giá là chuỗi cửa hàng bánh mì của người Việt lớn nhất tại Mỹ.
Lâu nay, bánh mì kẹp thịt Việt Nam vẫn được các tạp chí quốc tế, du khách đánh giá là một trong những “siêu phẩm” ẩm thực phải thưởng thức một lần trong đời. Và tại Mỹ, quốc gia của ngành công nghiệp thức ăn nhanh, bên cạnh các nhà hàng như Mc Donald, KFC, thương hiệu bánh mì Lee’s Sandwiches của một gia đình gốc Việt được đánh giá là thương hiệu nổi bật, từng được cơ quan Phát triển doanh nghiệp nhỏ của Mỹ trao giải doanh nghiệp xuất sắc miền Tây và được tờ ẩm thực Modern Baking bình chọn là một trong 50 nhà làm bánh mì hàng đầu nước Mỹ.

Từ những xe hàng bán thức ăn, đến nay, Lee’s Sandwiches đã có một chuỗi 60 cửa hàng thức ăn nhanh tại nhiều bang và còn mở rộng sang Đài Loan (Trung Quốc) thông qua nhượng quyền thương hiệu. Hiện chi phí nhận nhượng quyền Lee’s Sanwiches khoảng 240.000-1,8 triệu USD.

Gây dựng nên thương hiệu bánh mì này là gia đình ông Lê Xuân Bá, đến Mỹ từ năm 1980. Người con trai cả trong gia đình là ông Lê Văn Chiêu từng đi phụ bán hàng cho một chiếc xe bán thức ăn dạo tại San Jose, California. Khi tiết kiệm được một số vốn, năm 1981, ông Chiêu đã mua chiếc xe bán thức ăn dạo đầu tiên và một năm sau cùng người em là Henry Lê lập ra công ty ''Lee Bros'', tức anh em họ Lê (Lê được chuyển thành Lee cho người Mỹ dễ đọc). Từ khởi đầu này, cửa hàng Lee's Sandwiches ra đời tại một ngã tư lớn của San Jose, chuyên cung cấp bánh mì thịt và các đồ ăn kèm truyền thống của Việt Nam như cà phê, chè...

Sau khi gặt hái được thành công tại Mỹ, ông Lê Văn Chiêu nỗ lực phát triển sự nghiệp tại quê hương, song ông không chọn bánh mÌ mà lại là thương hiệu cà phê Lee’s Coffee. Tuy nhiên, cửa hàng Lee's Coffee dường như không cạnh tranh lại được các tiệm cà phê truyền thống ở TP HCM.

Quán ăn của đầu bếp Charles Phan

Quán ăn của "đại sứ ẩm thực Việt" Charles Phan. Ảnh: The Slanted Door.
Ngoài các cửa hàng chuyên bán đồ ăn nhanh như phở, bánh mì, những quán ăn truyền thống với nhiều món đặc sản như: cá kho tộ, chả giò, bánh xèo, lẩu mắm, cơm gà… của người Việt cũng được phổ biến trên đất Mỹ, trong đó có nhà hàng của đầu bếp gốc Việt - Charles Phan.

Sang Mỹ định cư từ năm 13 tuổi, năm 1995, ông mở nhà hàng mang tên The Slanted Door tại thành phố San Francisco với phong cách ẩm thực Việt truyền thống. Sau 20 năm, Charles Phan đã đưa nhà hàng Việt của mình trở thành một điểm đến ưa thích tại San Francisco và được tờ New York Times khen ngợi như một địa chỉ ẩm thực Việt Nam hàng đầu tại Mỹ. Bản thân ông chủ của The Slanted Door cũng từng đạt danh hiệu Đầu bếp giỏi nhất do quỹ James Beard trao, một giải thưởng được coi là “Oscars của ẩm thực Mỹ” năm 2004 và 2011.

Trung tâm thương mại Asian Garden Mall

Trung tâm thương mại Asian Garden Mall. Ảnh: Davestravelcorner.
Asian Garden Mall được đánh giá là trung tâm mua sắm lớn nhất do người Việt sở hữu và vận hành tại Mỹ, nằm trên đại lộ Bolsa, khu Little Saigon, nơi tập trung đông nhất các cửa hàng Việt Nam. Trung tâm được coi là linh hồn của Little Saigon, gồm hai tầng với hàng trăm gian hàng của khoảng 300 doanh nghiệp, từ mỹ phẩm, đồ dùng sinh hoạt đến đồ ăn, quần áo và các loại thực phẩm…

Sáng lập ra Asian Garden Mall là ông Triệu Như Phát (Frank Jao), người gốc Hải Phòng và đến Mỹ sau năm 1975. Năm 1978, ông thành lập Công ty Bridgecreek, chuyên về bất động sản. Trong gần bốn thập niên, công ty này đã đầu tư 400 triệu USD vào trung tâm mua sắm cũng như các khu căn hộ, chủ yếu ở quận Cam. Với danh tiếng của mình, triệu phú Triệu Như Phát từng được trang tin tức dành cho người châu Á tại Mỹ Goldsea Asian American Daily bầu chọn là một trong số 70 người Mỹ gốc Á có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay và được cựu Tổng thống George Bush bổ nhiệm làm Chủ tịch Tổ chức giáo dục Việt Nam.

Năm 2010, ông Phát đã cùng một số đối tác góp vốn thành lập quỹ Đầu tư V-Home Group tai Việt Nam với mục tiêu đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước, hỗ trợ họ mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút thêm vốn nước ngoài. 

 

Theo VnExpress