clock

Trong Nước

01:03 05-08-2019

Những thương vụ gọi vốn gây tranh cãi tại Shark Tank Việt Nam

2/3 nhà đầu tư vào Luxstay tại Shark Tank từng tham dự lễ ký kết của startup này với đối tác Nhật vào năm 2018.

Smartlog

Một trong những thương vụ gọi vốn gây tranh cãi nhất Shark Tank Việt Nam mùa 2 đến từ Smartlog - công ty chuyên tư vấn, số hóa hoạt động logistics cho doanh nghiệp. Trần Khiêm, người đại diện cho Smartlog tại chương trình cho biết anh đi gọi vốn thay CEO vì "sếp bận đi nghỉ mát".

Trần Khiêm cũng khiến nhiều người bất ngờ khi đưa ra đề nghị 116 tỷ đồng (bằng tổng lượng vốn các Shark đầu tư trong mùa đầu tiên) đổi lấy 20% cổ phần công ty, bởi theo anh, "thị trường Việt Nam hiển nhiên nằm trong tay em rồi". Anh không ngần ngại khẳng định, "Oracle phải mang 1 tỷ USD sang đây, nếu không thì không nói chuyện".

Sau phần trình bày của đại diện Smartlog, các Shark đều từ chối đầu tư cho startup này. Shark Việt khuyên Trần Khiêm, "trước khi nhìn lên trời phải nhìn xuống đất".

Chia sẻ trong series "Sau bể cá mập" của TVHub mới đây, Trần Khiêm cho biết màn gọi vốn một năm trước đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và công việc của anh. Thậm chí một số khách hàng có ý định hoãn ký hợp đồng với Smartlog vì sợ công ty phá sản. Bản thân Khiêm cũng từng định nghỉ việc và được sếp đồng ý.

Giờ đây, vai trò của Khiêm trong công ty bị thu hẹp lại. Anh cũng hiểu rõ "mình là ai và giá trị của mình nằm ở đâu".

Tokai

Xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 2, nhà sáng lập Hà Cảnh muốn gọi vốn 12 tỷ đồng cho 25% cổ phần của Tokai – công ty hoạt động theo mô hình mua lại các căn "nhà ma" tại Nhật Bản rồi cho thuê lại. Hà Cảnh cam kết lợi tức cho thuê có thể đạt 25%/năm. Cụ thể hơn, nếu chi 4,5 tỷ đồng mua nhà, lợi nhuận thu về 1,2 tỷ đồng/năm, chưa đầy 4 năm là hoàn đủ vốn.

Tokai mới thành lập vào tháng 12/2017 với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng và tại thời điểm tham gia Shark Tank đang chờ cấp giấy phép kinh doanh bất động sản tại Nhật nên chưa có doanh thu.

Shark Việt ký kết hợp đồng đầu tư vào Tokai. Ảnh: Intracom Group.

Trước những con số và tiềm năng mà Hà Cảnh đưa ra, hầu hết các Shark đều tỏ ra nghi ngại. Shark Hưng cho rằng, "tỷ suất lợi nhuận 25%/năm là một con số không thị trường bất động sản nào trên thế giới có thể đạt được".

Là một người từng sống và làm việc tại Nhật, Shark Dzung nói: "Anh sống ở Tokyo 4 năm, giờ vẫn đi đi về về. 4,5 tỷ đồng em nói làm sao mua được nhà ở Tokyo? Em mua được giá đó thì mua giúp anh mấy căn".

Bất chấp hoài nghi của các "cá mập" khác, Shark Việt quyết định đầu tư 12 tỷ đồng đổi lấy 51% cổ phần. Tuy nhiên ngay sau khi lên sóng, mô hình Tokai bị nhiều người Việt tại Nhật lên tiếng chỉ trích là "quá phi lý".

Sau 10 tháng thẩm định, mới đây, Shark Việt đã chính thức ký hợp đồng đầu tư vào startup này.

Luxstay

Xuất hiện trong tập đầu tiên của Shark Tank Việt Nam mùa 3, Nguyễn Văn Dũng – người sáng lập và CEO Luxstay - ứng dụng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn - gây chú ý khi gọi vốn thành công 6 triệu USD từ 3 nhà đầu tư Nguyễn Thanh Việt, Phạm Thanh Hưng và Nguyễn Ngọc Thủy.

Đây cũng là số tiền cam kết đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp này.

Nguyễn Văn Dũng được giới thiệu là một triệu phú tự thân, khởi nghiệp từ năm 15 tuổi và mở công ty đầu tiên năm 18 tuổi. Ngoài Luxstay, anh còn là người sáng lập và CEO công ty truyền thông trực tuyến Netlink; Chủ tịch Metub Network – mạng lưới Youtube MCN (đa kênh) tại Việt Nam.

Nguyễn Văn Dũng, CEO Luxstay. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Sau khi lên sóng, bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với startup này, cũng có một số người cho rằng với tiềm lực của Luxstay hiện nay, việc xuất hiện trên sóng truyền hình mang mục đích "PR" nhiều hơn là gọi vốn. Bởi cách đây không lâu, CEO Luxstay từng chi hơn 40 tỷ đồng để đặt mua 36 ôtô VinFast.

Nhiều người cũng đặt câu hỏi về mối quan hệ của Nguyễn Văn Dũng với các "cá mập" khi 2/3 nhà đầu tư vào Luxstay tại Shark Tank từng tham dự lễ ký kết của startup này với đối tác Nhật vào năm 2018.

Ngay sau đó, Shark Nguyễn Thanh Việt lên tiếng thừa nhận ông có biết CEO Luxstay nhưng khẳng định đầu tư và quen biết là 2 việc khác nhau. Shark Phạm Thanh Hưng cũng chia sẻ việc hiểu về startup trước khi tham gia chương trình giúp ông đưa ra mức định giá phù hợp và có một thương vụ thành công.

Sử Hộ Vương

Đến với Shark Tank Việt Nam, Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo – nhà sáng lập của dự án trò chơi thẻ bài Sử Hộ Vương đưa ra đề nghị 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần.

Theo trình bày của Vĩnh Lộc, Sử Hộ Vương được lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử Việt Nam. Sản phẩm hướng đến nhóm khách hàng mục tiêu từ 15 – 24 tuổi, nhằm giúp cho các bạn trẻ biết nhiều hơn đến lịch sử nước nhà.

Gây được sự chú ý về ý tưởng đưa lịch sử Việt Nam vào trò chơi, nhưng dự án này lại khiến các Shark phản ứng gay gắt về việc tạo hình các nhân vật lịch sử không thuần Việt, có hình thức giống như những nhân vật của Nhật Bản hay Trung Quốc, không phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Sử Hộ Vương gây tranh cãi vì tạo hình nhân vật không thuần Việt. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Là người phản đối mạnh mẽ nhất nhưng Shark Đỗ Liên lại đưa ra đề nghị đầu tư 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần theo đúng ý của các nhà sáng lập kèm điều kiện, "Mục đích của tôi là muốn giữ giá trị nguyên gốc về văn hóa, lịch sử của người Việt. Các bạn được tự do phản biện nhưng khi số đông đồng ý với ý kiến của tôi thì các bạn phải làm theo".

Cuối cùng, thương vụ bất thành khi cả Vĩnh Lộc và Phương Thảo đều không có tiếng nói chung với nhà đầu tư. Cặp đôi nhà sáng lập cho rằng, nếu Shark Đỗ Liên thay đổi hết những gì từng xây dựng thì sẽ đi ngược lại với giá trị cốt lõi mà Sử Hộ Vương đang xây dựng. Họ quyết định không nhận đầu tư để tiếp tục dự án theo mong muốn của mình.

Hiện nay dự án của Vĩnh Lộc và Phương Thảo vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trên Fanpage của Shark Tank Việt Nam và Sử Hộ Vương, bên cạnh một số ý kiến ủng hộ, nhiều người đưa ra bình luận tiêu cực và cho rằng việc "bóp méo" các nhân vật lịch sử của Việt Nam là điều không thể chấp nhận.

 
 

theo NDH