clock

Tài Chính

08:38 03-11-2015

Nợ công đã vượt trần?

Nếu tính cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ bảo hiểm, nợ ngân hàng thương mại, nợ đọng xây dựng cơ bản thì tỷ lệ nợ công đã vượt trần (65% tổng GDP)?

Bộ trưởng Bộ Tài chính từng phát biểu nếu không vượt quá 60% thì nợ công an toàn.

Tuy nhiên, Đại biểu Lê Thị Công – Bà Rịa Vũng Tàu trong phiên họp Quốc hội sáng nay cho biết, nợ công quốc gia đang tăng cao; chiếm 61,3% GDP và dễ dẫn đến mất kiểm soát trong tương lai gần.

Trước đó, báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch 2016 đánh giá, nếu tính cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ bảo hiểm, nợ ngân hàng thương mại, nợ đọng xây dựng cơ bản thì tỷ lệ nợ công đã vượt trần.

Theo Vneconomy trích dẫn, cách đây đúng 1 năm, trong một báo cáo tương tự, một số vị đại biểu cũng cho rằng báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần đánh giá lại chính xác hơn nhận định cho là nợ công vẫn ở mức an toàn (64%). Vì nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ trái phiếu Chính phủ, nợ đọng xây dựng cơ bản thì đã vượt trần.

Quay lại với đại biểu Lê Thị Công, bà cho rằng để hạn chế những tác động tiêu cực dẫn đến vỡ trần nợ công, cần tăng cường kiểm soát nguồn vốn ODA.

Phát biểu này có thể không cùng chiều với ngân hàng thế giới. Hồi tháng 8, trong một báo cáo của mình về nợ công Việt Nam năm 2014, World Bank đánh giá nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định ở mức 27 - 28% GDP trong giai đoạn 2010 - 2014, thì nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP vào năm 2014. Phần lớn huy động vốn trong nước dựa trên phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất bình quân 7,9%/năm trong năm 2013 và 6,6% năm 2014.

WB cũng ghi nhận, số nợ công của Việt Nam tới cuối năm 2014 là 110 tỉ USD, tương đương với 59,6% tổng GDP, gần với số liệu do Bộ tài chính đưa ra.

Lam Trang/ Trí Thức Trẻ