clock

Tài Chính

05:38 04-05-2016

NỚI ROOM NGOẠI: Cơ hội cho doanh nghiệp có nền tảng tốt

Câu chuyện nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết vẫn là đề tài nóng trong năm 2016. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nhiều tiềm năng tăng trưởng, tài sản lớn và quản trị minh bạch mới nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP, các công ty niêm yết (không thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện) được thay đổi tỉ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tuy lên đến tối đa 100% (thay vì chỉ 49%). Dù Nghị định 60 có hiệu lực từ đầu tháng 9/2015 nhưng chỉ mới được chú ý sau khi HĐQT của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thông qua kế hoạch nới room ngoại lên 100% vào cuối năm 2015. Và câu chuyện nới room chỉ thật sự được hâm nóng trở lại trong giai đoạn gần Tết Âm lịch khi Công ty Cổ phần Everpia (EVE) công bố tăng room ngoại lên 100% và tiếp sau đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) hay Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC)…

Một số các doanh nghiệp “để lộ” ý định sẽ sớm đưa vấn đề nới room ra trình tại ĐHCĐ trong giai đoạn tới đây để thúc đẩy việc mở cửa cho khối ngoại tham gia vào công ty. Đơn cử là trường hợp Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), doanh nghiệp được khối ngoại quan tâm nhưng khó lòng sở hữu được nếu không phải trả một khoản premium (chênh lệch cao hơn) so với giá thị trường. Vinamilk cũng vừa lấy ý kiến cổ đông để thay đổi giấy phép kinh doanh (rút bớt 7 ngành nghề trong giấy phép) trong tháng 2/2016. Như vậy, việc SCIC (sở hữu 43% vốn điều lệ tại Vinamilk) thông báo sẽ thoái vốn khỏi Vinamilk công với động thái mới này chính là cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài nâng tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp sữa này.

Tuy nhiên, đây chỉ là những trường đợn lẻ vì trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, trong số 700 công ty niêm yết, chỉ có khoảng trên dưới 55 công ty có tỉ lệ sở hữu nước ngoài hơn 30% (trong đó khoảng 30 công ty hết room nước ngoài). Các doanh nghiệp còn lại, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài rất thấp, thậm chí có doanh nghiệp room ngoại vẫn chỉ ở mức 0%.

Theo nhận định của các chuyên gia, chỉ những công ty có nền tảng cơ bản tốt, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nhiều tiềm năng tăng trưởng, tài sản lớn và quản trị minh bạch luôn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Quay lại với trường hợp của Vinamilk. Sức hấp dẫn của doanh nghiệp này đến từ vị thế dẫn đầu trong ngành sữa khi chiếm 56% thị phần với nhãn hiệu nổi tiếng và năng lực sản xuất lớn mạnh và hiện đại liên tục được xây dựng bồi đắp hơn 35 năm qua. Đặc biệt, Vinamilk còn sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp với hơn 250 nhà phân phối và 200.000 điểm bán lẻ khắp cả nước Vinamilk đang tập trung phát triển đàn bò, hoàn thiện chuổi cung ứng và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu (hiện đang chiếm 70% nguyên liệu đầu vào). Song song đó, Vinamilk còn đầu tư xây dựng nhà máy ở Cambodia (nửa cuối 2015) nhằm mở rộng thị trường ra khu vực.

Ngoài Vinamilk, những doanh nghiêp được đánh giá là có khả năng thu hút được dòng vốn ngoại sau khi SCIC thoái vốn là Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP). BMP là doanh nghiệp chuyên sản xuất nhựa xây dựng có vốn hóa lớn, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm PVC và HDPE. Thị trường của BMP chủ yếu tập trung ở phía Nam với 90% thị phần. BMP hiện đang xây dựng nhà máy công suất 120.000 tấn/năm ở Long An, giúp tổng công suất tăng lên 2,5 lần để đáp ứng nhu cầu về ống nhựa trong xây dựng. BMP trở thành hàng nóng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi SCIC công bố thoái vốn và khả năng HĐQT của doanh nghiệp thông qua quyết định nới room ngoại lên 100%.

Trường hợp kế tiếp là Công ty Cổ phần FPT (FPT). Đây là doanh nghiệp CNTT hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ internet, nội dung số, phát triển và xuất khẩu phần mềm, tích hợp hệ thống và phân phối/bán lẻ sản phẩm IT. FPT hiện năm trong Top 100 nhà cung cấp dịch vụ uỷ thác toàn cầu; nắm giữ vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam về tích hợp hệ thống và dịch vụ CNTT; vị trí số 2 tại thị trường Việt Nam về dịch vụ internet băng rộng cố định. Cơ hội nâng tỉ lệ sở hữu ở FPT đối với nhà đầu tư nước ngoài càng tăng thêm thêm khi SCIC công bố sẽ tiến hành thoái hết 50,2% vốn cổ phần tại FPT Telecom. Đây là một trong những động lực tăng trưởng chính của FPT. Việc nâng tỉ lệ sở hữu nếu được thực hiện sẽ đem lại triển vọng tăng trưởng tốt của FPT trong dài hạn.

Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) cũng là 1 trong 4 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thoái vốn của SCIC gồm VNM, FPT và BMP (SCIC đang sở hữu hơn 43% cổ phần tại DHG). DHG hiện đang dẫn đầu các doanh nghiệp sản xuất tân dược nội địa với doanh thu chiếm khoảng 5% tổng chi tiêu thuốc cả nước hàng năm. DHG có hệ thống phân phối lớn mạnh khắp cả nước với hơn 1.400 nhân viên kinh doanh tiếp xúc trực tiếp với 25.000 khách hàng. Nhà máy mới của DHG được hưởng ưu đãi thuế trong 15 năm, trong đó 4 năm đầu thuế suất là 0%. Đặc biệt, DHG cũng đang đầu tư thêm nhà máy thuốc sủi theo tiêu chuẩn cao hơn là PIC/s. Với tiêu chuẩn chất lượng này, sản phẩm của DHG sẽ có nhiều cơ hội thắng thầu vào bệnh viện hơn cũng như gia tăng cơ hội xuất khẩu.

Nếu SCIC thoái vốn và việc nới room được thông qua sẽ tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu DHG.Tuy nhiên, khả năng này có vẻ sẽ không cao do ngành dược hiện vẫn thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thêm vào đó, theo Luật Đầu tư mới sửa đổi, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ không được phép phân phối trực tiếp sản phẩm thuốc tại Việt Nam.

TTCK Việt Nam vẫn được phân loại là thị trường cận biên (Frontier Market) và quy mô khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Nổ lực nới room được coi là động thái quan trọng để Việt Nam có thể thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng thanh khoản cho thị trường nhằm tiến đến mục tiêu được phân loại là thị trường mới nổi (Emerging Market) theo chỉ số MSCI.

 

Hồ Hải