clock

KINH TẾ

09:13 21-07-2022

Nửa năm nền kinh tế tìm điểm cân bằng

Khi Covid-19 tạm lắng, những "thiên nga đen" mới lại xuất hiện và Việt Nam phải tìm cách dung hòa để nền kinh tế ổn định nhưng vẫn tăng trưởng được.

Sau những điều chưa từng có tiền lệ do Covid mang lại, nửa đầu năm nay lại có một "thiên nga đen": Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trước đó, kinh tế toàn cầu đón "những cơn gió ngược" như sự lệch pha về điểm rơi phục hồi kinh tế giữa các nước, chính sách tiền tệ xoay trục theo hướng "diều hâu" của các ngân hàng trung ương hay nguy cơ lạm phát vượt dự báo. Đứng giữa những dòng chảy ngược chiều, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, hoặc phải nương theo dòng chảy, áp dụng những chính sách đồng pha; hoặc phải chấp nhận kinh tế bị tác động mạnh. Dù theo hướng nào, lựa chọn cũng không dễ dàng.

Với Việt Nam, các chuyên gia đánh giá không dễ áp dụng chính sách tương tự các nền kinh tế phát triển, do độ trễ về quá trình phục hồi, cũng như diễn biến dịch. Số ca nhiễm Covid-19 đã giảm, nhưng nguy cơ từ đại dịch vẫn chưa hết. Trong khi đó, kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi. Như xu hướng thắt chặt tiền tệ đang diễn ra, nếu chọn cách cùng tăng lãi suất, quá trình phục hồi của nền kinh tế sẽ bị gián đoạn.

Đồ họa: Tiến Thành

Nhưng với độ mở lên tới 200% GDP, việc đứng ngoài hoàn toàn với dòng chảy toàn cầu khó có thể thực hiện. Bởi thế, công việc của Chính phủ, theo giới phân tích, là tìm điểm cân bằng cho nền kinh tế ở nhiều góc độ, đặc biệt dung hòa giữa việc đối phó với những 'cơn gió ngược' và ổn định vĩ mô, tiếp tục phục hồi kinh tế.

Góc độ đầu tiên là GDP - lạm phát. Quý II năm nay, GDP tăng hơn 7,7%, mức cao nhất thập kỷ. Nhưng con số kỷ lục này bị lu mờ bởi áp lực lạm phát. Tại cuộc họp công bố con số này hay ở các phiên họp của Chính phủ, tăng trưởng kỷ lục không còn là thành tích được nói bởi lạm phát mới là đề tài đáng chú ý nhất.

Kinh tế vẫn trong trạng thái "hồi sức", nếu ngay lập tức "siết" chính sách tiền tệ để giảm nỗi lo lạm phát, công sức phục hồi lâu nay có thể bị ảnh hưởng.

Đồ họa: Tiến Thành

CPI nửa đầu năm chỉ tăng hơn 2,4%, vẫn trong mục tiêu điều hành dưới 4% cả năm, nhưng con số trong cảm nhận của người tiêu dùng không như vậy bởi "sức nóng" đang phả mạnh vào túi tiền của họ. Cơn bão giá lan rộng trên thị trường quốc tế, còn trong nước, giá hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng nhanh.

Giá dầu thô thế giới lập đỉnh, có thời điểm vượt ngưỡng 120 USD đẩy giá xăng trong nước lên cao kỷ lục. Trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng, xăng dầu không phải nhóm có quyền số lớn nhất, cũng vì thế mà ảnh hưởng lên CPI chung nửa đầu năm không quá cao. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu ngoài thị trường đã liên tục bị đẩy giá vì ảnh hưởng từ đà tăng của xăng.

Giá từ mớ rau, quả trứng, cho tới nguyên liệu xây dựng, chi phí vận tải, logistics... đều tăng, thậm chí ngay cả khi giá xăng dầu đã chững lại. Mức tăng chỉ vài nghìn đồng, nhưng nếu quy ra tỷ lệ, biên độ ở ngưỡng hai chữ số, khác xa con số 2,4% của CPI. Ngay cả những hàng hóa bình ổn cũng lung lay trước cơn bão giá.

Người dân mua rau ở khu chợ tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức, tháng 6/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Giá xăng, dầu là một bài toán trở đi trở lại trong điều hành nửa năm nay. Chính phủ cần bình ổn thị trường, giảm lạm phát nhưng vẫn phải giữ cán cân thu chi ngân sách, trong bối cảnh vẫn cần nguồn lực để hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi.

Trong khi Quỹ bình ổn đã cạn, việc giảm thuế phí được xem là giải pháp duy nhất hạ nhiệt. Mỗi lít xăng, dầu đang "cõng" bốn loại thuế, chiếm khoảng 34-35% cơ cấu giá bán lẻ, tuỳ thời điểm. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường gần đây được xem là động thái cần thiết, nhưng chưa đủ. Giới phân tích và các doanh nghiệp đang kỳ vọng những biện pháp mạnh tay hơn, giảm các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành xăng dầu, như tiêu thụ đặc biệt, VAT hay thuế nhập khẩu.

Thị trường sốt ruột, nhưng Bộ Tài chính - một trong hai cơ quan trong ban điều hành giá - lại thận trọng. Lãnh đạo Chính phủ phải nhiều lần đốc thúc Bộ Tài chính, từ quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường cho tới việc tính toán giảm thêm các loại thuế khác.

Tính toán của bộ này cho thấy, cả năm ngân sách có thể giảm hơn 20.300 tỷ đồng khi giảm "kịch kim" thuế bảo vệ môi trường. Việc giảm tiếp các sắc thuế gián thu có thể tác động đến mục tiêu thu cả năm. Trong bối cảnh kinh tế vẫn cần phải thực hiện các gói hỗ trợ, đảm bảo những cân đối lớn là cần thiết.

Đồ họa: Tiến Thành

Dù vậy, nếu nhìn từ những số liệu thu - chi ngân sách từ đầu năm, dư địa có thể vẫn còn đủ. Lũy kế nửa đầu năm nay, tổng thu ngân sách đạt hơn 930.000 tỷ đồng, hơn 66% dự toán năm. Trong khi đó, tổng chi ngân sách mới đạt 713.000 tỷ đồng, bằng 40% dự toán.

Đến nay, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) cho xăng dầu vẫn nhưng chưa chính thức trình Chính phủ dự thảo giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bức tranh kinh tế nửa đầu năm

Việc xây dựng các chương trình hỗ trợ hay chính sách tín dụng cũng là một nghịch lý khác. Tính tới cuối tháng 6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,35%. Con số này tương đương gần 67% kế hoạch tăng cả năm (14%) và vượt xa mức tăng cùng kỳ năm trước (6,47%).

Có nghĩa là chưa hết năm, các nhà băng đã hết "room" - hạn mức để cho vay. "Room" tăng trưởng tín dụng gần tới hạn không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động của chính các ngân hàng, mà còn tác động tới việc triển khai một số gói hỗ trợ của Chính phủ. Các chương trình như hỗ trợ 2% lãi suất hay tín dụng tiêu dùng cho công nhân được thực hiện trên cơ sở các khoản vay mới. Nhưng khi hạn mức tăng trưởng đã cạn, các ngân hàng thương mại sẽ khó đẩy nhanh.

Nguồn :VnExpress

Trong các cuộc họp chính sách, điều mà các ngân hàng thương mại "xin" nhiều nhất là nới room tăng trưởng, một phần để có dư địa triển khai các chương trình mới. Đây là lý do chính đáng, nhưng ở khía cạnh quản lý, Ngân hàng Nhà nước có lý do để thận trọng.

Tăng tín dụng cho nền kinh tế trong giai đoạn mà lạm phát đang là tâm điểm, các ngân hàng trung ương lớn xoay trục sang chính sách "diều hâu" - thắt chặt chính sách tiền tệ, ủng hộ tăng lãi suất để chống lạm phát - sẽ tạo nhiều rủi ro. Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007-2008 vẫn còn đó, khi nền kinh tế có thời điểm tăng trưởng tín dụng tới vài chục phần trăm và kéo theo lạm phát phi mã.

Tại hội nghị về bất động sản tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ không siết tín dụng một cách bất hợp lý, ảnh hưởng tới thị trường. Nhưng ông cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tìm một điểm cân bằng, đó là làm sao vẫn tiếp tục bơm vốn cho bất động sản nhưng kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng để tránh rủi ro cho thị trường.

"Cân bằng" không chỉ có trong những cân đối vĩ mô lớn, việc ổn định thị trường tài chính, môi trường kinh doanh, xử lý sai phạm cũng là vấn đề.

Thị trường chứng khoán, nửa đầu năm nay là một giai đoạn với nhiều gam màu, trong đó có không ít tiêu cực. Ảnh hưởng từ thị trường quốc tế là một phần, nhưng tác động từ việc nhiều doanh nhân bị khởi tố - những vụ việc chưa có tiền tệ - cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và các lãnh đạo tập đoàn này bị khởi tố vì thao túng thị trường chứng khoán. Ông Đỗ Anh Dũng, người đứng đầu Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng vướng lao lý liên quan đến việc phát hành trái phiếu.

"Có nhiều lúc thị trường đã lo ngại về câu chuyện 'đập chuột vỡ bình", trưởng phòng tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết.

 Nguồn: Investing.com

Nhóm cổ phiếu bất động sản, đầu cơ bị ảnh hưởng nặng nhất. Các mã được chú ý trên thị trường nhiều thời điểm "trắng bảng bên mua". Nhiều nhà đầu tư ôm những cổ phiếu này chịu lỗ, không ít người lần đầu tham gia thị trường.

 

Theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, với các vụ án kinh tế gần đây, thực tế cho thấy Việt Nam đang ngày càng chú trọng hơn đến nguyên tắc pháp quyền - sử dụng quy định pháp luật để vận hành thị trường.

"Việc áp dụng này sẽ tác động trực tiếp đến thị trường khi điều chỉnh các hành vi chưa chuẩn mực, do vậy nó cũng có thể tạo ra một số điểm khiến thị trường chới với, mất cân bằng trong ngắn hạn", ông Bình nhận xét. Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm, thị trường cũng phải chấp nhận để xử lý những sai phạm, hành vi chưa chuẩn mực đang tồn tại.

"Sự mất cân bằng một chút, trong ngắn hạn, khi xử lý các vụ án kinh tế là dễ hiểu và phải chấp nhận. Nó cũng có thể xảy ra ở bất cứ thị trường nào, cho dù phát triển hay chưa. Khi thị trường vận hành chuẩn mực, doanh nghiệp tuân thủ đúng luật có thể thiết lập những điểm cân bằng mới, hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế", Giám đốc điều hành Economica Việt Nam bình luận.

Còn dưới góc độ Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đó là một "sự lộn xộn chấp nhận được". Tại một diễn đàn kinh tế hồi tháng 6, khi nói về những xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu, Thủ tướng phân tích những "biến động trong quá trình điều chỉnh là bình thường". Nhưng quan trọng là đã kịp thời phát hiện và xử lý nhằm minh bạch hóa, phát triển ổn định.

"Nhà cháy thì chữa cháy, phải chấp nhận lộn xộn, thiệt hại nhất định để đổi lấy cái lâu dài. Chúng ta cũng bình tĩnh, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế", ông nói.

Trong nửa sau của năm nay, việc tìm điểm cân bằng trong điều hành kinh tế vẫn sẽ là bài toán lớn của Chính phủ.

Điều hành giá xăng, dầu có thể còn khó khăn trong bối cảnh những dự báo về giá dầu đang trái chiều với biên độ chênh lệch lớn.

Citigroup trong báo cáo mới đây nhận định giá dầu thô có thể giảm xuống 65 USD mỗi thùng vào cuối năm nay và tiếp tục giảm xuống còn 45 USD mỗi thùng vào cuối năm 2023 nếu thế giới bước vào thời kỳ suy thoái, khiến nhu cầu năng lượng đi xuống.

Ngược lại, các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng trong kịch bản tồi tệ nhất nếu Nga cắt giảm 5 triệu thùng mỗi ngày, giá dầu có tăng lên mức 380 USD. Các chuyên gia từ JPMorgan dự báo giá dầu thế giới có thể chạm ngưỡng kỷ lục nếu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu khiến Moskva giảm sản lượng để trả đũa.

"Giá năng lượng thế giới tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất với tăng trưởng của Việt Nam", ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam, đánh giá.

Tác động rõ rệt nhất chính là chi phí năng lượng tăng lên. Dù xuất khẩu vững mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp dẫn đến mức thặng dư khiêm tốn chỉ 0,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, bào mòn lợi thế của tài khoản vãng lai, tạo áp lực lên tiền đồng, theo chuyên gia của HSBC.

Bên cạnh đó, ông Khoa cũng cho rằng, Việt Nam cần hết sức lưu ý những cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên. Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai.

"Đây chính là những yếu tố quyết định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có khả năng duy trì đà tăng trưởng vững mạnh như hiện nay đến bao giờ", ông Khoa nhận xét.

Những yếu tố này khiến câu chuyện kiềm chế lạm phát nửa cuối năm nay được dự báo còn khó khăn hơn.

Báo cáo vừa công bố của VNDirect đánh giá lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu trong thời gian tới. Chỉ số giá lương thực, thực phẩm có thể tăng tốc trong 6 tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi cùng với chi phí đầu vào tăng đã đẩy giá thịt lợn, thịt gà và rau quả tăng cao trong thời gian gần đây. Giá nhiên liệu tăng cũng gây áp lực lên chi phí vận tải và logistics. Giá nguyên vật liệu cao kéo chi phí sản xuất hàng tiêu dùng trong nước tăng.

Nông dân xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây thu hoạch lúa. Ảnh: Ngọc Thành

"Do nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục cải thiện trong nửa cuối năm 2022, các công ty sản xuất có thể tăng giá bán để bù đắp chi phí đầu vào, điều không thực hiện được trong quý trước do nhu cầu tiêu dùng thấp. Do đó, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ tăng trong những tháng tới", báo cáo của VNDirect viết. Dù vậy, nhóm phân tích tin rằng Chính phủ có thể kiểm soát được lạm phát để đáp ứng mục tiêu dưới 4%.

Chính sách điều hành giá có thể vẫn còn dư địa, tuy nhiên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang bị thu hẹp trước sức ép ngày càng tăng.

Tăng trưởng tín dụng ra sao để đảm bảo các cân đối lớn nhưng không làm ảnh hưởng tới dòng chảy vốn. Công tác điều hành, theo đó, cần sự linh hoạt để tránh "cú khựng" cho hoạt động của cả hệ thống, bởi cuối năm thường là điểm rơi của tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, việc xoay trục trong điều hành của các ngân hàng trung ương lớn theo hướng thắt chặt, gây áp lực lên tỷ giá cũng là một đề bài cần giải trong thời gian tới.

Các dự đoán đang nghiêng về khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 1% trong phiên họp chính sách tới, sau khi lạm phát tại Mỹ tiếp tục lập đỉnh, cao nhất 40 năm. Đồng bạc xanh, vì thế, được dự báo tiếp tục mạnh lên.

Tỷ giá tăng mang lại lợi ích cho xuất khẩu, nhưng với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, điều này cũng tạo tác động ngược chiều với hoạt động nhập khẩu, vốn có quy mô không kém do sự phụ thuộc của nhiều nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Trong khi cơn bão giá hàng hóa trên toàn cầu chưa dứt, việc kết hợp với vấn đề tỷ giá có thể khiến áp lực "nhập khẩu lạm phát" tiếp tục tăng cao. Tỷ giá trong nước trên thị trường tự do những ngày gần đây liên tục tăng cũng cho thấy phản ứng của thị trường với những thông tin mới.

"Ưu tiên 6 tháng cuối năm của Việt Nam vẫn nên là ổn định kinh tế vĩ mô – đây là điều rất quan trọng", ông Bình đánh giá. Chuyên gia này cho rằng, cần "kìm hãm" mong muốn tăng trưởng cao, thay vào đó cần một con số hợp lý.

"Mức 7% như Chính phủ đưa ra hồi đầu tháng 7 là hợp lý vì nền năm ngoái thấp. Con số này là mức không tạo áp lực quá lớn lên cung tiền cũng như lạm phát. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên tìm mọi cách để đạt được. 7% nếu đạt được phải đồng thời kiểm soát được lạm phát".

 

Theo Minh Sơn - Phương Ánh