clock

Thị Trường

07:03 01-12-2015

Nước ngọt có gas hết thời?

Nhiều bang ở Mỹ đã thất bại trong việc đánh thuế vào soda. Nhưng người tiêu dùng đã có quyết định của riêng mình: không cần đến sắc thuế quyết định thay họ.

Người Mỹ đang uống nước ngọt ít đi. Năm 2012, sản lượng sản xuất thấp hơn một thập kỷ trước đó 23%. Ngay cả doanh số đồ uống cho người ăn kiêng cũng mất đi sức hút, khi người tiêu dùng đặt câu hỏi về độ tin cậy của chất tạo ngọt nhân tạo.
Có vẻ, những nhà hoạt động chống lại nước soda đang thắng thế. Tuy nhiên, các công ty Mỹ vẫn đang cung cấp 30 gallon (113,5 lít) nước ngọt phiên bản đầy đủ (tức là chưa tính đồ uống cho người ăn kiêng) mỗi người, mỗi năm. Ở nhiều quốc gia, đặc biệt các nước đang phát triển, lượng tiêu dùng vẫn đang tăng lên .
Marion Nestle - Giáo sư tại Đại học New York - vừa phấn khởi với những tiến bộ gần đây, vừa tỏ ý chưa hài lòng. Bà không phản đối nếu nước ngọt có gas thỉnh thoảng được dùng như thứ đồ nhấm nháp. Tuy nhiên, hàng triệu người ở nhiều nước lại không đối xử với chúng như vậy.
Ở Mexico, trong một năm, mỗi người tiêu thụ đến 372 lon nước, tức là hơn một lon mỗi ngày (số liệu năm 2012). Khoảng một nửa người Mỹ không uống thường xuyên, nhưng nửa còn lại thì khác, tập trung chủ yếu ở nhóm người nghèo, ít đi học, thường là nam giới, gốc Tây Ban Nha hoặc da đen. 10% người Mỹ uống hơn 4 lon mỗi ngày.
Uống nhiều nước ngọt có gas rõ ràng là không lành mạnh. Chúng không có giá trị dinh dưỡng, cũng không có calo như thức ăn để làm thỏa mãn cơn đói. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng: Với mỗi lon được bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng 22%, chưa kể đến mối liên kết giữa đường với bệnh tim, đột quỵ và ung thư.
Theo bà Nestle, uống nhiều nước ngọt không chỉ mang lại thiệt hại cá nhân mà còn nhiều hơn thế. Tiền thuế của người dân Mỹ đang được trợ cấp cho sản xuất ngô (từ đó gián tiếp cho si-rô ngô) cũng như “tiếp tay” cho người nghèo mang phiếu ăn trợ cấp từ chính phủ đổi lấy nước ngọt. Nhưng đáng ngại hơn, tiền thuế còn bị đổ vào các hóa đơn y tế cho những người mắc bệnh mãn tính.
Ảnh: New York Times.
Tuy nhiên, khuyến khích mọi người uống ít nước ngọt có gas không dễ. Các công ty soda dành hàng tỷ USD cho marketing trong nhiều thập kỷ. Người tiêu dùng sống giữa bầu thông tin luôn tôn vinh Coca-Cola là một trong những thương hiệu được yêu thích nhất, bất chấp về cơ bản, công ty này bán những thứ đồ uống chứa đầy đường. Một khi mọi người đã quen uống nước có đường, họ khó lòng uống nước “nhạt”, nhưng bổ dưỡng. Vì thế, bà Nestle đã ví đường chẳng khác gì thuốc lá , uống vào rất dễ nghiện. Khi đã nghiện thì rất khó bỏ.
Điều đáng chú ý là, các công ty nước ngọt có gas có kỹ năng “đặc biệt” trong vận động hành lang cùng đội ngũ “người nhà” rộng khắp, từ nhân viên, công ty đóng chai, nhà phân phối cũng như các nhà hàng, rạp chiếu phim, cửa hàng và sân vận động. Đồng thời, họ cũng là các nhà từ thiện sắc sảo.
Khi Michael Bloomberg - Thị trưởng New York, cố gắng ngăn chặn việc dùng phiếu ưu đãi của chính phủ để mua nước ngọt năm 2010, đã xuất hiện lực lượng đông đảo chống lại điều này. Có thông tin cho rằng: Nhóm này được hậu thuẫn bởi Coca-Cola và Pepsi. Năm 2011, khi Philadelphia cân nhắc đánh thuế soda, bệnh viện nhi thành phố nhận được 10 triệu USD đóng góp từ các hãng đồ uống. Thuế soda cũng đã thất bại ở New York và San Francisco và mới được áp dụng ở Berkeley, California.
Nhưng ngay cả vậy, bức tranh tổng thể vẫn cho thấy công ty nước ngọt đã không còn ở vị thế như xưa. Dù các nhà hoạt động không thể gây sức ép ban hành thuế soda, nhưng họ cũng đã thay đổi cơ bản cách người Mỹ nghĩ về soda.
Trong 20 năm qua, doanh thu đồ uống có gas (không tính nhánh cho người ăn kiêng) ở Mỹ đã giảm hơn 25%. Tiêu thụ nước ngọt, tăng vọt từ những năm 1960 đến 1990, rõ ràng đang trải qua giai đoạn suy giảm nghiêm trọng và lâu dài. Doanh số nước trắng đóng chai ngày càng tăng lên, thậm chí đang có xu hướng vượt mặt nước ngọt với tốc độ tăng 20% trong giai đoạn 1993-2005.
Dù nhiều người trẻ vẫn khoái đồ ăn nhanh, nhưng họ đã thay soda bằng nước trắng. Ảnh: New York Times.
Sự sụt giảm trong tiêu thụ nước ngọt đại diện cho sự thay đổi lớn nhất trong chế độ ăn uống của người Mỹ trong thập kỷ qua và chịu trách nhiệm cho việc giảm đáng kể về số lượng calo tiêu thụ hàng ngày của một người Mỹ điển hình. Từ năm 2004 đến năm 2012, trẻ em tiêu thụ chưa đến 79 calo một ngày từ đồ uống.
Điều đó cũng cõ nghĩa chúng đã giảm hấp thụ 4% calo của thời kỳ trước đó. Khi tổng lượng calo đã giảm, tỷ lệ béo phì ở trẻ em tuổi đi học cũng chững lại. Đáng ngạc nhiên là sự thay đổi diễn ra mạnh mẽ nhất ở Philadelphia, nơi người ta đã thất bại trong việc áp đặt thuế soda. Tỷ lệ giảm tiêu thụ đồ uống có đường trong giai đoạn 2007-2013 ở đây đạt 24% so với con số trung bình của cả nước là 20%.
Họ không áp dụng thuế soda, nhưng lại tăng cường trợ cấp để đồ uống lành mạnh xuất hiện ở vị trí nổi bật, cấm bán nước ngọt có gas trong trường học và hạn chế số lon trong các máy bán hàng công cộng. Điều đáng ghi nhận hơn cả là cuộc chiến ở Philadelphia có sức lan tỏa rộng rãi. Ngay cả ở những vùng trong bang không nằm trong chiến trường trọng điểm, người dân cũng dần tự động thay thế thực đơn đồ uống của họ, theo New York Times.
Ngành công nghiệp giải khát tiếp tục chiến đấu chống lại sự thay đổi này, đặc biệt là các loại thuế. Nhưng họ cũng phải thừa nhận sản phẩm biểu tượng của họ không còn là biểu tượng thực sự như trước. J. Alexander M. Douglas Jr. - Chủ tịch Coca-Cola khu vực Bắc Mỹ - phải thừa nhận: Lành mạnh và thân thiện với sức khỏe đang là xu hướng chủ đạo. Nhãn hiệu nào rồi cũng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

 

Theo Sống Mới