clock

Thị Trường

01:12 20-07-2020

Nuôi cá "tàu ngầm" trên lòng hồ sông Đà, hút du khách, cá bán "cháy hàng"

Những năm gần đây, mô hình nuôi cá tầm - loài cá được gắn với cái tên cá tàu ngầm ở khu vực lòng hồ thủy điện sông Đà thuộc địa bàn huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho bà con nông dân.

Đặc biệt, các hộ dân và HTX đã gắn mô hình nuôi cá tầm trong lồng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện, nhờ đó thu nhập tăng cao hơn.

Đánh thức tiềm năng lớn

Lòng hồ thủy điện Sơn La với diện tích mặt nước rộng lớn, lòng hồ sâu, nước quanh năm trong xanh, khí hậu trong lành... là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá lồng gắn với các tour du lịch sinh thái.

Nuôi cá tàu ngầm trên lòng hồ sông Đà, hút du khách, cá bán cháy hàng - Ảnh 1.

Trang trại nuôi cá của Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam - Sơn La rộng khoảng 3ha. Ảnh: Hà hoàng

Huyện Mường La đang khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với các hộ nuôi cá lồng về việc tổ chức thu mua, tiêu thụ, phân phối sản phẩm thủy sản trên thị trường trong và ngoài tỉnh; xây dựng nhiều cơ chế thông thoáng để thu hút vốn đầu tư vào phát triển du lịch trên lòng hồ thủy điện sông Đà.

Nhận thấy tiềm năng đó, những năm gần đây, huyện Mường La đã khuyến khích các hộ dân sinh sống quanh khu vực lòng hồ triển khai nuôi cá lồng, đặc biệt là cá tầm - loài cá có chất lượng thơm ngon đặc biệt, có giá trị kinh tế cao.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thành - Bí thư Huyện ủy Mường La,cho biết: "Phát huy tiềm năng thế mạnh về du lịch trên lòng hồ thủy điện, những năm qua chúng tôi đã có nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy ngành du lịch lòng hồ sông Đà phát triển.

Chúng tôi tập trung quảng bá cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp vùng sông nước, thu hút du khách thập phương đến tham quan trải nghiệm. Ngoài ra chúng tôi cũng tập trung khai thác triệt để tiềm năng kinh tế từ mô hình nuôi cá lồng, đặc biệt là nuôi cá tầm, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con".

Điểm mới trong mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện Mường La, đó là các hộ dân, doanh nghiệp, HTX vừa nuôi cá lồng cung cấp sản phẩm ra thị trường, vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái, phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách tại chỗ.

Để sự gắn kết này mang lại hiệu quả kinh tế, các hộ dân ở đây đã chủ động kết hợp vừa nuôi cá, vừa làm các dịch vụ du lịch để phục vụ du khách như: Đưa đón khách lên thuyền vào các điểm tham quan quần thể hồ lòng hồ, phục vụ nhu cầu ẩm thực ngay trên thuyền, đưa khách thăm trang trại nuôi cá tầm của Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam – Sơn La; khu nuôi cá lồng của các hộ dân, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá nuôi lồng ngay trên nhà bè để khách thưởng thức...

Nuôi cá tàu ngầm trên lòng hồ sông Đà, hút du khách, cá bán cháy hàng - Ảnh 3.

Những con cá tầm khổng lồ được nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: H.H

Nhờ những cách làm này, du khách có điều kiện tiếp cận các dịch vụ du lịch từ người dân ở khu vực nhà bè, sẵn sàng sử dụng dịch vụ và mua các sản phẩm thủy sản từ chính người dân làm ra.

Cá tầm luôn "cháy hàng", giá cao

Anh Lường Văn Bình ở bản Phiêng Xe (xã Hua Trai, huyện Mường La) cho hay: "Tôi nuôi 12 lồng cá vừa bán sản phẩm ra thị trường, vừa thu hút khách du lịch đến tham quan. Nếu khách du lịch có nhu cầu tham quan lồng cá, đặt cơm tại bè và trên thuyền, gia đình tôi sẵn sàng nhận và phục vụ tận tình, chu đáo với phương châm "vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi". 

Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi đón 3 đoàn khách, có ngày tới 7 đoàn. Tổng thu nhập từ nuôi cá và làm du lịch khoảng 300 triệu đồng mỗi năm".

Sau khi tham quan các địa điểm du lịch, du khách có thể dừng chân vừa ngắm cảnh tại các bến du lịch, vừa thưởng thức các món ăn địa phương như: Cá lăng ướp giềng nướng, cơm lam, xôi, cá lăng xào, cá rô phi nướng, canh cá nấu măng chua... Khi ra về, du khách có thể đặt mua các loại cá tươi như cá tầm, lăng đen, diêu hồng, chép... hoặc cá sấy khô.

Nuôi cá tàu ngầm trên lòng hồ sông Đà, hút du khách, cá bán cháy hàng - Ảnh 4.

Các trại nuôi cá tầm thu hút nhiều du khách đến tham quan và mua cá ngay tại hồ.

Ông Nguyễn Ngọc Lan - quản đốc Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam - Sơn La (huyện Mường La) cho biết: Công ty chúng tôi nuôi cá tầm theo theo tiêu chuẩn VietGAP, tất cả công nghệ nuôi đều nhập từ Na Uy và Liên bang Nga. 

Hiện chúng tôi có 153 lồng nuôi trên diện tích 3ha, trong lồng có hơn 140.000 con, trong đó có hàng trăm con đang sinh sản, tốc độ sinh trưởng của cá tầm ở đây rất tốt.

Được biết, mỗi năm công ty này xuất bán ra thị trường từ 150 – 200 tấn cá. Với giá bán cá đạt gần 200.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía Bắc.

"Hiện tại cung không đủ cầu, công ty chúng tôi luôn trong tình trạng cháy hàng. Trang trại nuôi cá của công ty cũng đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm. 

Nhiều du khách muốn tự tay lựa chọn từng con cá tầm tại lồng nuôi về làm quà biếu người thân và bạn bè. Qua đó sản phẩm cá tầm của chúng tôi đến với người tiêu dùng thuận lợi và dễ dàng hơn" - ông Nguyễn Ngọc Lan chia sẻ.

Nhờ tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái, nhiều nông hộ và các HTX hoạt động trên lĩnh vực nuôi cá lồng đã ăn nên làm ra và có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, huyện Mường La đã lên kế hoạch xây dựng một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm thủy sản, xây dựng thương hiệu "cá lăng lòng hồ sông Đà", "cá hồi Ngọc Chiến", "cá tầm sông Đà", "cá chiên sông Đà"... kết hợp phục vụ khách tham quan nhà máy thủy điện Sơn La và cảnh quan tại lòng hồ sông Đà.