clock

Thị Trường

08:07 28-12-2020

Nuôi cua trong vuông tôm cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/công

Nuôi cua biển trong vuông tôm là cách làm truyền thống đã có từ nhiều năm qua ở ấp An Bình, xã An Hiệp (Ba Tri). Vài năm trở lại đây, mô hình “2 trong 1” này mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân từ 10 – 15 triệu đồng/công/năm.

Nuôi cua biển trong vuông tôm là cách làm truyền thống đã có từ nhiều năm qua ở ấp An Bình, xã An Hiệp (Ba Tri). Vài năm trở lại đây, mô hình “2 trong 1” này mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân từ 10 – 15 triệu đồng/công/năm.

Ấp An Bình là vùng đất được phù sa bồi đắp, nằm giữa sông Hàm Luông có diện tích tự nhiên trên 100 ha, trong đó có hơn 70 ha nuôi tôm biển công nghiệp, 8 ha nuôi tôm quảng canh và tôm xen lúa.

Việc phát triển nuôi cua trong thời gian qua ở An Bình luôn gắn liền với nuôi truyền thống và quảng canh và cả tôm lúa. Trong cách nuôi truyền thống, người dân chỉ nuôi tôm sú, còn cua biển, ít ai quan tâm đến việc nuôi cua trong vuông tôm.

Sau đó, do thấy được lợi thế cua rất thích nghi với môi trường này, cho giá trị kinh tế cao, giá ổn định, cho nên người dân mạnh dạn đầu tư nuôi loại đặc sản này với mong muốn tăng thêm thu nhập và đã mang lại hiệu quả cao.

Cua nuôi ít xảy ra dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là ruốc, cá vụn sẵn có tại địa phương, tận dụng chính môi trường nước của con tôm nên chi phí thấp.

Nuôi cua trong vuông tôm cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/công - Ảnh 1.

Nông dân ở ấp An Bình, xã An Hiệp vui mừng vì có thêm thu nhập nhờ nuôi cua xen trong vuông tôm.

Anh Lê Văn Chín, một trong những nông dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi cua trong vuông tôm của mình. Với 2.000 m2 đất nuôi tôm quảng canh, anh thả nuôi 1.000 con cua giống, mỗi con mua với giá từ 1.000 - 2.000 đồng.

Sau 3 tháng nuôi, anh thu hoạch được hơn 200 kg, bình quân 4 con/kg, bán với giá 180.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi trên 20 triệu đồng.

Anh Lê Văn Chín cho biết theo kinh nghiệm của bản thân, để cua nuôi phát triển tốt thì trong ao phải đặt 2 tầng bộng.

Tầng bộng đầu tiên, đặt sát đáy ao để khi thu hoạch xong, cải tạo ao xổ nước được cạn. Tầng bộng thứ hai, anh đặt lửng ở trên để khi xổ nước thì nước vẫn còn trong ao không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cua. Bộng này phải được bọc sắt để cua không cắn.

Nhờ giữ được nước trong ao từ bộng lửng này nên anh thường xuyên xổ nước. Sống trong môi trường nước sạch, thường xuyên thay đổi nên cua nuôi phát triển tốt và ít bị bệnh. Bên cạnh đó, để bảo quản cua, anh chắn rào lưới xung quanh ao. Khi rào lưới phải rào xiên, để cua khó trèo lên và không thể thoát ra bên ngoài.

Trong mùa vụ năm nay, nông dân ở An Bình thả nuôi cua biển trong vuông tôm chiếm 90% diện tích. Bình quân mỗi công đất nuôi tôm, nông dân thu nhập thêm từ 10 – 15 triệu đồng từ nuôi cua.

Không dừng lại ở đó, từ hiệu quả này, trong năm tới, nông dân ở An Bình sẽ nuôi thử nghiệm cua trong vuông tôm biển công nghiệp trong thời gian ngưng vụ để tăng thêm thu nhập.

Ông Võ Hoài Phúc, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã An Hiệp cho biết, thời gian gần đây, bà con nông dân ở ấp An Bình đã mạnh dạn nuôi cua xen trong vuông tôm quảng canh và đã mang lại hiệu quả.

Sắp tới, Hội sẽ tuyên truyền cho nông dân ở An Bình biết về hiệu quả của mô hình này để nhân rộng, đầu tư nuôi để tăng thêm thu nhập, đặc biệt là vận động các hộ nuôi tôm công nghiệp tận dụng thời gian trong lúc ngưng vụ thả nuôi cua.

Có thể nói, nuôi cua biển trong vuông tôm ở An Bình, xã An Hiệp đã thật sự mang lại hiệu quả. Tin rằng trong thời gian tới, mô hình này tiếp tục phát triển, qua đó tăng thêm thu nhập cho nông dân trên cùng vuông nuôi, góp phần đưa nghề nuôi trồng ở địa phương phát triển bền vững.