clock

Thị Trường

08:17 12-10-2022

Ổn định thị trường xăng dầu: Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Hôm nay 12-10, Bộ Công Thương sẽ chủ trì cuộc họp với các thương nhân sản xuất và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Với nguồn cung hạn hẹp những ngày qua, nhiều người dân khó khăn khi mua xăng tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo các doanh nghiệp, dù giá xăng đã được điều chỉnh nhưng tình hình vẫn chưa thể ổn định trong một sớm một chiều.

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào tối 11-10 sau khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp (DN) đầu mối, phân phối lẫn bán lẻ xăng dầu đều cho biết dù các phụ phí đã điều chỉnh, tình hình cung ứng xăng dầu vẫn còn nhiều khó khăn.

Vẫn lo nguồn cung xăng chưa ổn định

Ông D. - giám đốc một chuỗi cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM - cho biết đến sáng 12-10, DN bán lẻ mới biết được hệ thống này lấy được bao nhiêu hàng và mức chiết khấu tăng lên ra sao. Tuy nhiên, vị giám đốc này nhận định thời gian qua các DN đầu mối giảm nhập khẩu nên lượng hàng tồn sẽ không dồi dào, dẫn đến khả năng cung ứng cho các hệ thống bán lẻ cũng sẽ khó tăng mạnh.

Tổng giám đốc một DN phân phối tại TP.HCM cho biết dù các DN đầu mối đã hỗ trợ nguồn hàng, thậm chí cấp mặt hàng xăng RON97 nhưng hiện do nguồn cung xăng còn hạn chế nên DN cũng chỉ đảm bảo cung ứng tạm ổn trong hệ thống các cửa hàng của mình. Còn đối với các hệ thống đại lý bán lẻ, DN chỉ cấp theo định mức khoảng 4m³ xăng cho mỗi đại lý mỗi ngày.

Đối với DN đầu mối, lãnh đạo Saigon Petro cho biết thời gian qua do ảnh hưởng của bão nên hàng về chậm, đến chiều 11-10 DN này đã nhập kho Cát Lái 6.000m³ xăng mua từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), chậm bảy ngày so với kế hoạch. 

Dự kiến DN tiếp tục được bổ sung nguồn cung vào tuần tới gồm cả xăng lẫn dầu. Theo đánh giá của DN, hiện nguồn hàng của Saigon Petro đã ổn định trở lại, đảm bảo cung ứng cho hệ thống của mình.

Trong khi đó, lãnh đạo một DN đầu mối khác cho biết dù liên bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh các chi phí, phụ phí kinh doanh từ 11-10 song không tác động lớn, bởi đây chỉ là chi phí nhập xăng dầu trong nước. Đối với chi phí nhập khẩu, DN cho rằng vẫn cao và chênh lệch quá lớn khiến các DN nhập khẩu vẫn khó khăn. 

Vị lãnh đạo này cho hay giá xăng liên tục giảm nhưng các phụ phí vận chuyển hàng về Việt Nam vẫn rất cao khiến đầu mối nhập về sẽ lỗ. Vị lãnh đạo DN này cho biết nếu mời thầu nhập khẩu 10.000 tấn xăng, mức phụ phí lên đến 8,5 USD/thùng, chênh lệch gần 6 USD/thùng so với phụ phí trong cách tính giá cơ sở.

Do đó vị này đề xuất cần tiếp tục điều chỉnh phụ phí nhập khẩu để các DN đầu mối đảm bảo các chi phí, tăng nhập xăng về Việt Nam. Theo vị này, hiện chiết khấu đối với xăng không cao, chỉ duy trì ở mức 300 - 400 đồng/lít.

Không ít người dân mệt mỏi chờ mua xăng trong những ngày gần đây tại TP.HCM (ảnh chụp chiều 11-10) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Hãy cầu thị, lắng nghe

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, cuộc họp do Bộ Công Thương chủ trì hôm nay (12-10) có sự tham dự của Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam để nhằm tập hợp các ý kiến đánh giá, phân tích về thị trường và những vướng mắc khó khăn của DN kinh doanh xăng dầu.

Đại diện một DN đầu mối phía Nam cho hay cuộc họp này lẽ ra cần được diễn ra sớm hơn, khi những vấn đề căng thẳng của thị trường đã diễn ra dai dẳng. 

Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục lao dốc trong suốt bốn kỳ điều hành, DN đầu mối nhập về toàn ở mức giá cao, mà các chi phí, phụ phí phát sinh không được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá cơ sở dẫn tới thực tế càng nhập về càng lỗ, buộc phải giảm chiết khấu ở mức tối đa khiến cho hệ thống đại lý, cửa hàng bên dưới không đủ sức để vận hành.

Trong bối cảnh nguồn cung ngày càng hạn hẹp, một số DN đầu mối cho biết việc đặt hàng gặp khó khăn khi nhiều đối tác cung ứng lớn cho hay không ký hợp đồng vì đang dồn nguồn cho châu Âu. Việc nhập từ nhà máy lọc dầu trong nước cũng không sẵn hàng, mà phải theo hợp đồng nên khi thị trường có biến động là nguồn cung bị ảnh hưởng. 

"Các DN đầu mối chỉ tập trung lo cho đại lý, hệ thống trực thuộc và những đơn vị nào có hợp đồng rõ ràng, không thể đảm bảo cung ứng được cho các đơn vị có nhu cầu tăng thêm", một đầu mối phía Nam cho hay.

Vị đại diện DN nêu trên cho rằng các bộ cần cầu thị lắng nghe những vấn đề bất cập trên thị trường, nhìn thẳng vào thực tế để có biện pháp tháo gỡ đúng, trúng những khó khăn, vướng mắc của DN. Bởi nếu không giải quyết dứt điểm sẽ ảnh hưởng và gây hệ lụy lớn đến thị trường, gây nên sự đổ vỡ trong hệ thống phân phối và là mối nguy cho an ninh năng lượng quốc gia.

 

Lỗ 4.000 đồng/lít?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thương nhân đầu mối tại miền Bắc cho rằng điểm mấu chốt khiến thị trường "rối ren" trong thời gian qua là nhiều chi phí chưa được tính toán đầy đủ trong cơ cấu giá xăng dầu. Có những thời điểm việc tạo nguồn rất căng thẳng, nhiều lô hàng nhập khẩu phải thanh toán theo hợp đồng giao ngay, với mức giá cao hơn nhiều so với hợp đồng dài hạn. 

Trong khi đó, một số chi phí kinh doanh chưa được tính đầy đủ vào cơ cấu giá thành, nhiều DN bị thua lỗ, nghỉ bán khiến cho nhu cầu khách hàng đổ dồn về các cửa hàng còn lại. Dẫn tới có thời điểm DN này phải huy động tối đa các nguồn hàng, thậm chí chấp nhận giá cao. Đơn cử như phụ phí được cộng thêm có thời điểm lên tới 10 USD/thùng, cá biệt có những lô hàng lên tới 12-15 USD/thùng, nhưng chưa được tính vào chi phí cấu thành giá cơ sở.

"Sản lượng tiêu thụ của chúng tôi tăng thêm khoảng 30%, sức nào chịu nổi khi nguồn nhập khẩu hạn hẹp, mà giá thì cao", đại diện DN đầu mối này nói và cho biết hiện mức lỗ trên mỗi lít dầu đang là 1.700 đồng tiền phụ phí và lỗ về giá lên tới 4.000 đồng nên không đủ nguồn lực để nhập hàng và tạo nguồn. 

"Nhà nước cần xem xét lại chi phí phù hợp với thị trường, hiện Bộ Tài chính đã đồng ý tăng thêm 350 đồng/lít với xăng, nhưng với mức giá biến động như hiện nay thì phải tăng 400 - 500 đồng/lít", vị này cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, song một DN đầu mối khác cho rằng cần phải sửa đổi thời điểm điều chỉnh giá theo hướng giảm thời gian điều chỉnh từ 10 ngày hiện nay xuống khoảng 7 ngày. 

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu diễn biến quá nhanh, tăng giảm liên tục ở mức cao nên DN này đề nghị cân nhắc áp dụng thời gian điều chỉnh vào thứ hai hằng tuần nhằm giúp chu kỳ điều chỉnh giá phù hợp hơn với diễn biến giá xăng dầu như hiện nay.

Xăng lề đường hét giá bán lẻ xăng RON95 từ 33.000 đồng/lít trên đường Phạm Văn Đồng, phường 1, quận Gò Vấp, TP.HCM (ảnh chụp trưa 11-10) - Ảnh: KIỀU HẠNH

Sẽ đề xuất tháo gỡ nhiều kiến nghị của DN

Một đầu mối xăng dầu khác tại Đồng bằng sông Cửu Long nói rằng Nhà nước cũng cần phải nhìn nhận, xem xét và rà soát lại những bất cập trong quản lý điều hành hiện nay, nhất là việc quản lý mạng lưới thương nhân kinh doanh xăng dầu.

"Hệ thống thương nhân phân phối có quá nhiều quyền hạn nhưng trách nhiệm thì không rõ ràng. Được mua nhiều nguồn và chỗ nào rẻ thì mua, mà không có hợp đồng cố định với đơn vị đầu mối nào, nhưng khi không mua được hàng thì lại đổ lỗi cho đầu mối bán hàng. Không có hợp đồng ràng buộc, chúng tôi cũng không thể bán được vì đang kinh doanh thua lỗ quá, phải ưu tiên nguồn hàng trong hệ thống. Bất ổn cũng một phần từ hệ thống này, cần phải xem xét lại quyền của thương nhân phân phối để lành mạnh thị trường hơn", vị này kiến nghị.

Các DN cũng cho biết trong kinh doanh, lời lỗ DN phải chịu, nhưng trong bối cảnh giá xăng dầu tăng mạnh như hiện nay Nhà nước cần có chính sách chia sẻ với người dân, DN thông qua việc hỗ trợ thuế, phí, bình ổn giá để điều tiết thị trường, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan thì mới đảm bảo được tính bền vững cho thị trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ có thẩm quyền cho hay trên cơ sở tập hợp ý kiến của các DN, sẽ tham mưu, báo cáo Thủ tướng để phân tích đầy đủ nguyên nhân, bản chất vấn đề và đề xuất hướng xử lý. 

Trong đó, sẽ tập trung tháo gỡ cơ cấu tính giá, đảm bảo các yếu tố cấu thành giá phải được tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở, bổ sung thêm các chi phí giá hiện chưa được tính vào giá thành. Đồng thời, cũng tháo gỡ thêm cho DN về việc tạo nguồn, như hạn mức tín dụng, để có đủ nguồn tài chính trong hoạt động nhập khẩu, cũng như đề xuất tháo gỡ các vấn đề liên quan mà DN kiến nghị.

TP.HCM yêu cầu không để gián đoạn nguồn cung

Ngày 11-10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng ký văn bản gửi Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường TP yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu tại TP.

UBND TP đề nghị Sở Công Thương yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của DN.

Đồng thời, yêu cầu các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. Các DN bán lẻ, đại lý và cửa hàng kinh doanh xăng dầu chia sẻ với những khó khăn của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, UBND TP giao Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường TP giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, bảo đảm việc bán hàng của các DN kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn.

THẢO LÊ

Tăng giá, nhiều cây xăng vẫn thiếu xăng

Người dân xếp hàng vào cây xăng ở ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ (TP.HCM) đổ xăng tối 11-10 - Ảnh: VĂN TRƯƠNG

Giá xăng dầu bật tăng trở lại từ chiều 11-10, nhiều cây xăng tại TP.HCM được tiếp hàng mở bán, song tình trạng chen chúc đổ xăng của người dân vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tối qua (11-10), nhiều cây xăng vẫn chưa hoạt động trở lại và nhiều cây xăng vẫn ngập người xếp hàng.

Sau khi giá xăng tăng, dọc các tuyến đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), Trường Sơn, Cộng Hòa (quận Tân Bình), nhiều cây xăng đã khẩn trương nhập hàng trong khi nhiều người dân dừng xe đứng đợi.

Tại cửa hàng xăng dầu số 34 ở ngã tư Phú Nhuận, xe bồn chở xăng nhập hàng và mở bán bình thường. Trong khi đó, một chiếc xe bồn đang nhập hàng tại chi nhánh Công ty CP Vận tải xăng dầu số 1 (đường Trường Sơn, quận Tân Bình), xung quanh là khách hàng đang cầm tiền sẵn trên tay để đổ xăng. Đây là cây xăng có lượng khách lớn vì nằm ngay cửa ngõ ra vào sân bay. Sau khi giá xăng được điều chỉnh, ngay sau đó ít phút xe bồn đến tiếp hàng để tiếp tục bán.

Chị Nguyễn Thị Liên (sống ở quận 1) cho biết: "Tôi chạy xe từ sân bay ra, gặp cây xăng là đổ xăng liền. Nhân viên ở đây nói đợi một lát, hàng đang nhập nhưng giá nhích hơn mấy hôm trước rồi. Không biết trên đường về các cây xăng khác có bán không, nên tôi ráng chờ mua ở đây".

Nhiều người bày tỏ lo lắng trước sự chập chờn về quản lý điều hành xăng dầu nên quyết chịu khó đội mưa để đổ xăng đầy ắp cho an tâm khi di chuyển. Theo khảo sát, nhiều cửa hàng không còn giới hạn số lượng bán xăng như hai ngày trước.

Dù vậy, một số cây xăng vẫn treo bảng "hết xăng, còn dầu". Ông Trần Văn Nam - nhân viên cây xăng 194 - giải thích khi có khách ghé vào: "Mấy anh chịu khó đi cây xăng khác đổ xăng, thiệt tình giờ không có xăng chứ không phải không bán, chờ xe bồn về mà chưa biết khi nào".

Tương tự, lúc 18h ngày 11-10, cây xăng ở đường Hoàng Văn Thụ bên cạnh White Palace vẫn mở song không bán, trong khi cây xăng ở gần đó đông kín người chờ đổ xăng trong mưa. Tình trạng này đã kéo dài hơn ba ngày qua.

C.TRUNG - T.THƯƠNG - N.XUÂN

Thêm nhiều cây xăng Bình Phước, Đồng Nai báo hết hàng

Chiều 11-10, bà Nguyễn Thị Thanh Loan - phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bình Phước - cho biết tính đến cùng ngày toàn tỉnh có 81 trạm xăng dầu trên tổng số 392 trạm thông báo tạm hết hàng, tăng 16 trạm so với một ngày trước.

Trong đó, có 41 trạm hết cả xăng lẫn dầu, 38 trạm hết xăng còn dầu và 5 trạm hết dầu còn xăng. Nguyên nhân các trạm xăng dầu đưa ra là do nguồn hàng khan hiếm trong khi nhu cầu người dân tăng khiến nhiều trạm hết xăng cục bộ.

Tại Đồng Nai, tính đến chiều 11-10 có 105 trạm xăng dầu báo hết xăng hoặc dầu, hoặc hết cả xăng và dầu (tăng 25 trạm so với ngày 10-10), chiếm 23,3% tổng số trạm xăng dầu của địa phương. Tối 11-10, sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lên, tình hình cung ứng xăng dầu vẫn chưa được phục hồi khi nhiều cây xăng tiếp tục ngưng bán.

A LỘC

Lại lo giá hàng hóa tăng theo giá xăng

Giá nhiều mặt hàng rau củ quả cũng đang ở mức cao so với những tháng trước - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ngày 11-10, giá bán nhiều loại hàng hóa tại các chợ lẻ và siêu thị ở TP.HCM đang ở mức cao, thậm chí một số mặt hàng nhấp nhổm tăng giá khi giá xăng dầu rục rịch tăng.

Giá bán lẻ nhiều mặt hàng rau củ hiện tăng 20 - 30% so với thời điểm giá tốt các tháng trước. Khoai tây, cà rốt Đà Lạt, cà chua 30.000 - 45.000 đồng/kg, xà lách 30.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại, bí đao và khổ qua 23.000 đồng/kg...

Tương tự, giá trứng gia cầm và thịt gà công nghiệp bán lẻ tại TP.HCM (ngoài chương trình bình ổn) cũng đang ở mức cao: trứng gà phổ biến 35.000 đồng/chục, trứng vịt 41.500 đồng/chục, thịt gà công nghiệp với má đùi 65.000 đồng/kg, đùi gà 76.000 đồng/kg, cánh gà 85.000 - 90.000 đồng/kg...

Theo ông Trần Quang Hạnh (tiểu thương tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh), giá rau củ tăng cao thời gian qua, đặc biệt là nguồn rau Đà Lạt. Vài ngày gần đây giá có dấu hiệu tăng thêm, một phần do ảnh hưởng từ việc xăng dầu thiếu hụt và có thông tin xăng dầu tăng giá.

"Mua xăng dầu khó khăn hơn, giá tăng nên khâu vận tải đã bị ảnh hưởng. Đặc biệt, hai ngày qua, giá cước vận tải một số tiểu thương phải trả khi mua hàng từ Đà Lạt tăng 10 - 15% so với thời điểm nguồn cung xăng dầu ổn định trước đó", ông Hạnh thông tin.

Nhiều tiểu thương cho biết với giá xăng dầu tăng, khả năng giá nhiều loại hàng hóa sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí tăng thêm vào thời điểm cuối năm vì nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.

Bà Phạm Thị Huân - chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân (TP.HCM) - cho biết dù giá trứng gia cầm trong diện bình ổn thị trường được cho tăng nhưng vẫn không theo kịp mức tăng giá đầu vào và giá thức ăn chăn nuôi dẫn đến doanh nghiệp đang gặp áp lực lớn trong việc giữ giá bán. Do đó, việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu đang khiến doanh nghiệp khó càng gặp khó hơn.

"Đứt đoạn nguồn cung xăng dầu khiến hoạt động vận tải bị ảnh hưởng. Đặc biệt, đặc thù là ngành chăn nuôi nên thức ăn cho gia cầm phải đảm bảo liên tục, việc thiếu hụt xăng dầu kéo dài sẽ gây nguy cơ đứt đoạn trong vận chuyển nguyên liệu và thức ăn, ảnh hưởng đến việc sản xuất", bà Huân nhận định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-10, đại diện Công ty Vissan (TP.HCM) cho biết hiện nay tình hình sản xuất và vận tải tại đơn vị vẫn đang ổn định. Tuy nhiên, với hơn 2.000 lao động, nếu tình trạng thiếu hụt xăng dầu diễn biến phức tạp và kéo dài hơn thì nguy cơ tác động đến khâu vận tải, lao động ở xa có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển, ảnh hưởng ít nhiều đến sản xuất.

Đại diện siêu thị MM Mega Market thông tin việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu có thời điểm ảnh hưởng tới hoạt động chuyên chở hàng hóa của đơn vị. Để ổn định tình hình, MM Mega Market đã làm việc với các đơn vị vận tải để đa dạng phương án vận tải khi cần. Vị này cho biết siêu thị cũng đang gặp áp lực với giá xăng dầu vừa được điều chỉnh tăng. Giá phần lớn hàng hóa đang giữ ổn định từ tháng 9-2022 đến nay và các nhà cung cấp hiện chưa có động thái đòi tăng giá bán.

Tuy nhiên, thường khi giá xăng dầu tăng, nhiều nhà cung cấp sẽ dựa vào yếu tố này để đưa ra yêu cầu tăng giá hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến giá bán trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.

Đại diện siêu thị Emart cho biết hiện giá bán hàng hóa phần lớn giữ ổn định, nhưng trường hợp giá xăng dầu tăng lên thì khả năng sẽ có nhà cung cấp dựa vào lý do này đòi tăng giá bán, đặc biệt áp lực lớn hơn khi bước vào thị trường tiêu dùng mùa cao điểm cuối năm với lượng hàng tiêu thụ tăng mạnh.

NGUYỄN TRÍ

Theo Tuổi Trẻ