clock

Doanh Nghiệp

05:45 28-08-2016

Ông chủ Khai Silk chia sẻ chuyện làm ăn với đối tác ngoại

Từ câu chuyên tranh chấp giữa các công ty gỗ với Global Home những ngày qua, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt hãy vứt bỏ tâm lý thế yếu khi làm ăn với đối tác ngoại.

Các luật sư, chuyên gia kinh tế và chính doanh nghiệp (DN) cùng chung nhận định, DN Việt Nam có hợp đồng, bán được hàng là quên hết tất cả, không quan tâm đến những vấn đề về pháp lý.

Chia sẻ với Zing.vn câu chuyện tranh chấp giữa Global Home và các doanh nghiệp gỗ, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Khai Silk, cho rằng vấn đề đáng quan tâm là nếu liên quan đến 1-2 DN thì có thể gọi một trong 2 bên vi phạm hợp đồng. Ở đây mấy chục công ty cùng "dính" thì phải xem xét.

"Làm ăn gì mà dễ dãi vậy"

"Nhưng tôi nhấn mạnh đây là chuyện làm ăn giữa các công ty, phải có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, đừng phát biểu cảm tính gán tội lừa đảo cho ai. Xong nếu có chuyện lừa đảo thì tôi thấy thế này: Tâm lý người muốn lừa và người bị lừa đều là 50-50.

Tức là bên bị lừa không biết nhưng vì tham lam, muốn tối ưu hóa lợi nhuận, thành ra bị hại. Bên lừa cố ý và dùng thủ đoạn. Trong làm ăn, phần lớn người bị lừa là vì  tham. Tôi nói thẳng như vậy có thể mất lòng, nhưng sự thật là thế", doanh nhân này thẳng thắn.

Sau vụ việc của Gia Hân, nhiều ý kiến cho rằng, Hiệp hội gỗ cần có những thống nhất chung trong làm ăn với đối tác ngoại, để bảo vệ các thành viên của mình, đặc biệt là các DN nhỏ. Ảnh: K.Toàn

Quan điểm của ông Hoàng Khải là trong làm ăn, DN dù lớn hay nhỏ, hợp đồng giá trị đến đâu cũng phải căn cứ luật. Sự hiện diện của công ty luật, luật sư là để làm việc này. Theo phân tích của ông chủ Khai Silk, thương trường cần sòng phẳng, không có chuyện yếu thế, nếu thấy yếu hơn, thấy bị chèn ép thì đừng hợp tác.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Công ty luật Kinh Luân, bản thân một số DN Việt trong làm ăn rất ngại đụng đến luật, luôn sợ đối tác phiền lòng khi có sự tham gia của luật sư, hoặc ngại tốn thêm chi phí thuê luật sư tư vấn.

Đáp lại vấn đề này, ông Khải khẳng định: “Một khi làm ăn chân chính ai cũng đàng hoàng, sòng phẳng, bảo vệ nhau. Cho nên nếu đối tác nào thấy sự tham gia của luật sư, của công ty luật mà phiền lòng thì đó là lừa đảo, hoặc manh nha của sự lừa đảo. Vì chỉ có lừa đảo mới không muốn có sự ràng buộc nào về luật pháp".

Vị này cũng cho rằng, từ câu chuyện của Công ty Gia Hân, phải nhìn lại DN Việt đã quá dễ dãi trong làm ăn. Hợp đồng mấy trăm nghìn USD mà chỉ đặt cọc 10.000 USD là quá dễ dãi, dẫn đến bị ép.

Làm ăn cái cần nhất không những giỏi mà phải tỉnh táo, đúng luật. Ông Khải chia sẻ mình luôn ký hợp đồng, đặt cọc đàng hoàng theo quy định mới triển khai các bước tiếp theo. Không có chuyện nể nang đặt một khoảng tiền tượng trưng, hoặc thậm chí không cọc mà lao đi sản xuất, giao hàng. Làm ăn cũng đừng nói dựa vào uy tín.

"Hãy nhớ, đã lừa đảo thì họ sẽ tìm đủ mọi cách. Ngay những người làm ăn nhỏ có ý định đi lừa cũng mua vàng giả đeo đầy tay, tạo vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài để lừa người nhẹ dạ. Chuyện đánh bóng tên tuổi để lừa là hiển nhiên, vì họ có chủ ý.

Hãy bỏ cái suy nghĩ nhà họ to, việc họ tốt thế họ đi đâu mà mình sợ mất của. DN Việt cũng đừng có nghĩ mình yếu thế, kinh doanh thuận mua vừa bán, hãy luôn trong tâm thế là mình ngang hàng", ông Khải nói.

Khéo léo kéo tranh chấp về xử lý tại Việt Nam

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đức, DN Việt Nam đã không quan tâm và lường trước những rủi ro tiềm ẩn trong mua bán quốc tế. Trong khi ở các nước, các DN rất rõ ràng và minh bạch đưa các điều khoản tranh chấp vào hợp đồng, còn người Việt nghe đến chữ tranh chấp là dị ứng, sợ.

"Thậm chí, trong các hợp đồng thương mại được ký kết, nhiều DN Việt Nam soạn rất sơ sài. Tôi nói thật nhiều điều khoản tranh chấp thương mại gần như copy trên mạng xuống, đưa vào hợp đồng mà không hiểu hết các nội dung trong hợp đồng mẫu như thế nào. Khi tranh chấp xảy ra thì các điều khoản, quy định chung chung này không có giá trị gì hết", ông Đức nói.

Đây là bài học các DN Việt Nam phải thuộc. Trong quá trình đàm phán, ký kết làm ăn với đối tác nước ngoài nên khéo léo, đưa điều khoản cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng là cơ quan tài phán Việt Nam (Tòa án hoặc Trọng tài Việt Nam) và áp dụng là luật Việt Nam.

Có 2 cách lựa chọn, xử theo trọng tài quốc tế, các trung tâm Trọng tài Việt Nam tại TP HCM cũng rất nhiều.

Cách thứ 2 là chọn tòa án nơi DN Việt Nam đóng trụ sở, đây là điều kiện thuận lợi nhất. Thuận lợi ở đây không phải DN Việt được "bênh", mà thuận lợi vì mình hiểu luật nước mình, không hạn chế bởi rào cản ngôn ngữ, điều kiện địa lý...

“Hạn chế lớn nhất của các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam là dễ dãi trong hợp tác làm ăn, luôn tự đặt mình vào thế yếu và chấp nhận nhiều điều kiện thua thiệt đối tác đặt ra.

Bản thân người đại diện pháp luật của DN đôi khi biết mình bị chèn ép, bị thua thiệt nếu đặt bút ký hợp đồng do đối tác soạn sẵn, nhưng rồi tự nhủ thời buổi khó khăn, có được hợp đồng là mừng. Họ có thể tiên liệu trước được tiềm ẩn rủi ro nhưng lại tự an ủi chắc không sao nên vẫn ký", ông Đức nói.

Điều này minh chứng trong hợp của của Gia Hân với Global Home. Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh), hỗ trợ pháp lý cho Gia Hân, cho biết hợp đồng công ty này đã ký là hợp đồng khung, trong đó có rất nhiều điều khoản bất lợi.

Ví dụ, Global Home toàn quyền kiểm soát về chất lượng với rất nhiều quy trình, nhưng không hề có một ủy quyền nào về ai sẽ là đại diện cho Global Home để chứng nhận chất lượng tại xưởng của DN Việt.

Thủ thuật của nhiều công ty nước ngoài là gửi email vào 5 giờ sáng, xong yêu cầu DN Việt xác nhận trong vòng ba giờ, nếu không thì coi như không xác nhận. Trong 10 DN thì hết 9 DN bị dính vào thủ thuật này.

Thực tế, theo đánh giá chung của nhiều luật sư, DN Việt hiện nay dù hội nhập rồi mà đi ra nước ngoài ký hợp đồng giống như khiếm thị pháp luật.

Ông Khải cho rằng, bản thân các DN phải là người tự chịu trách nhiệm về việc làm ăn của mình, phải tự tìm hiểu và nắm luật, quy định thương mại của các nước mình có quan hệ làm ăn.

Hiện nay tỉnh nào cũng có hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Những hội nghề nghiệp này cũng phải có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho hội viên của mình.

 

theo Zing