clock

Doanh Nghiệp

06:08 07-02-2017

Ông chủ TGDĐ: "Con đang học giỏi sao phải đổi cách dạy"

Phản hồi về khuyến nghị nên bán cổ phiếu MWG trong trung và ngắn hạn của một công ty chứng khoán, lãnh đạo TGDĐ cho rằng không quan tâm đến vấn đề này và cũng không thay đổi vì nó.

Trong một báo cáo mới đây gửi các nhà đầu tư, CTCK Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra khuyến nghị nên bán trong trung hạn đối với cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (TGDĐ).

Nhìn lãnh đạo hành xử mà quyết mua vào hay bán ra

Theo nhận định của tổ chức này, bước sang năm 2017, chuỗi Thegioididong được nhận định sẽ phần nào chững lại về tăng trưởng và mở rộng, trong khi DienmayXanh và BachhoaXanh đang gặp phải cạnh tranh gay gắt với các chuỗi cửa hàng khác.

Thêm một lý do được VDSC đưa ra là chương trình cổ phiếu ESOP (phát hành cổ phiếu thưởng) khi tính toán lại sẽ là một chi phí không hề nhỏ cho cổ đông so với giá trị lợi nhuận công ty tạo ra hàng năm. Do vậy, VDSC cho rằng giá cổ phiếu MWG đang được định giá cao, nhà đầu tư nên bán trong trung hạn với cổ phiếu này.

Trao đổi với Zing.vn chiều 6/2, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT TGDĐ, cho rằng khuyến nghị thế nào là việc của người khác và TGDĐ không quan tâm. Điều ông quan tâm là doanh nghiệp vận hành tốt, hiệu quả và tử tế.

Ông nói thêm các đơn vị đưa ra nhiều nhận định lắm. Cũng như trước đây khi mới niêm yết nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp làm giá để đẩy giá cổ phiếu lên. Tuy nhiên có người bán ra thì cũng mới có cho người mua vào, đó là tất yếu, còn ai mua, ai bán là việc của thị trường.

Với cổ phiếu MWG, có người đang bán chốt lời, có người lại mua rào rào. Ai không tin vào tương lai của công ty thì bán đi. Có người thấy lời vậy đủ rồi thì bán.

“Ai quan tâm, tin tưởng thì họ mua vào thôi. Các bạn cứ nhìn lãnh đạo TGDĐ đang làm gì với cổ phiếu thì tự biết nên mua vào hay bán ra" - ông Tài nhấn mạnh.

Lãnh đạo TGDĐ cho rằng doanh nghiệp của mình vẫn đang đi đúng hướng. Ảnh: TGDĐ

Không dùng lương khủng để phát triển

Trong khuyến nghị, VDSC cũng phân tích về chính sách ESOP của TGDĐ sẽ không phải chịu thuế và việc nhân viên thực hiện hóa lợi nhuận sẽ chỉ phải trả 0.1% trên tổng giá trị giao dịch. 

Thực chất nhân viên được lựa chọn đóng 0,1% giá trị giao dịch hoặc 20% lợi nhuận chênh lệch theo luật thuế thu nhập cá nhân; Việc thưởng ESOP có thể giúp MWG thương lượng được mức lương thấp hơn, giảm thiểu thưởng, từ đó làm đẹp báo cáo tài chính. 

Nhìn về phương diện báo cáo, ESOP có lợi hơn rất nhiều do nó không ghi nhận vào chi phí và càng không phải chi trả bằng tiền mặt.

Chính sách này cũng tạo động lực cho nhân viên cũng như thúc đẩy hiệu quả công việc và tăng cường sự gắn bó dài hạn với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định ESOP vẫn ẩn chứa một số rủi ro pha loãng đối với cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông lớn.

Thừa nhận rủi ro này về lý thuyết, ông Tài đặt lại câu hỏi thực tế thì sao? Có bao nhiêu quỹ đầu tư đang lời từ TGDĐ? Trong năm qua Có bao nhiêu cổ phiếu mang lại lời cho nhà đầu tư như TGDĐ?

"Tôi không nói chính sách ESOP không khiến các cổ đông hiện hữu bị ảnh hưởng, nhưng mối quan tâm của nhà đầu tư là hôm nay họ bỏ 10 đồng thì năm tới họ nhận về mười mấy đồng. Điều đó mới quan trọng", ông nói.

Ông chủ Thế giới Di động cũng từ chối đưa ra các nhận định cho trung và dài hạn, vì theo ông, "khẳng định, hứa hẹn gì cho 5-10 năm tới sẽ chỉ là nói láo. Tôi là người tập trung cho 1 năm, dù có định hướng tầm nhìn dài hạn. Lãnh đạo doanh nghiệp tập trung được câu chuyện 1 năm đã là giỏi, 2 năm là thành thần rồi, nói gì 5-10 năm".

Theo ông chủ TGDĐ, mỗi doanh nghiệp có cách thức riêng để đưa đơn vị của mình phát triển. Có doanh nghiệp dùng lương khủng, sử dụng chính sách cây gậy và củ cà rốt. Hãng ông sử dụng cách khác.

"Mỗi ông một kiểu võ, ai giành được huy chương vàng thì kiểu đánh võ ấy phù hợp với mình. Tôi chọn cách điều hành, dẫn dắt này và thực tế, nó đang vận hành tốt. Bao giờ không hiệu quả nữa thì tôi sẽ điều chỉnh. Con đang học giỏi, không có cớ gì lại can thiệp nói con thay đổi cách học cả" - ông Tài khẳng định.

Ông chủ hãng nói thêm một doanh nghiệp mà nhân viên cảm thấy là của mình, chiến đấu cho sự phát triển của doanh nghiệp đó thì nên mừng cho nó. Khi nào mà hàng nghìn người trong doanh nghiệp nói đó không phải doanh nghiệp của tôi mà của ai đó thì doanh nghiệp chết. Khi nào doanh nghiệp chỉ có những ông chủ giả thì sẽ là tai họa.

 

theo zing