clock

CEO Việt

13:41 09-11-2022

Ông Hoàng Nam Tiến kể thời Chủ tịch FPT Trương Gia Bình xài email bằng cách in ra đọc và chuyện 25 năm liều mình “bán mạng”

25 năm của FPT Telecom được Chủ tịch HĐQT Hoàng Nam Tiến đúc rút trong một từ - Bán mạng, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Để bán mạng Internet, các anh em đã liều mạng, “bán mạng” cho công ty. Và trong các cuộc liều mạng ấy có cả sự tham gia của thủ lĩnh Trương Gia Bình...

4 người, 6m2, 89 Láng Hạ

CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom) thành lập năm 1997, là một trong 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam.

Để các doanh nghiệp Việt cung cấp được Internet, ông Tiến cho biết là nhờ Chính phủ và các bộ, ban, ngành bỏ sang một bên tư duy “quản được đến đâu thì mở ra đến đấy”.

“Anh Trực (ông Mai Liêm Trực – PV) bảo Internet có điều xấu, nhưng điều tốt nhiều hơn, vì vậy cứ phải mở ra”, ông Tiến nhớ lại.

Ông Mai Liêm Trực giữ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện (đơn vị tiền thân của Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam) giai đoạn 1997 – 2002 và Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông giai đoạn 2002 – 2005.

“Là 1 trong 4 nhà mạng cung cấp dịch vụ truy cập Internet đầu tiên, FPT Telecom có quyền tự hào với những đóng góp của mình trong việc đưa đất nước hội nhập với thế giới. FPT Telecom có quyền tự hào khi đã đặt những viên gạch đầu tiên cho kết nối Internet Băng thông rộng, mở đường cho đất nước bước vào kỷ nguyên Internet", Thứ trưởng Phan Tâm, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, bày tỏ tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập FPT Telecom.

Nhớ lại những ngày đầu, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho biết, doanh nghiệp thời buổi đó chỉ có 4 thành viên, làm việc tại căn phòng 6m2 ở tòa nhà 89 Láng Hạ. Hiện nay, FPT Telecom đã có 17.000 thành viên tại khắp 63 tỉnh thành.

Đúc kết câu chuyện 25 năm, ông Tiến dùng từ “bán mạng” – theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Để làm công việc chính là bán mạng Internet, các anh em đã liều mạng, “bán mạng”, hy sinh cho công ty. Và trong các cuộc liều mạng ấy có cả sự tham gia của thủ lĩnh Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT, người được ông Tiến kể là “xui gì thì đầu tiên phản đối đã, sau mọi người cương quyết quá lại phải đồng ý”.

Ông Tiến nhớ lại, sự đồng ý và ủng hộ của ông Trương Gia Bình tới mức khi cả FPT quyết định dùng email, thì ông Bình - thủ lĩnh của một tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam - vẫn đọc email bằng cách yêu cầu thư ký in ra, đọc xong viết mấy dòng ở dưới, thư ký lại gõ vào trả lời email.

Từ 70.000 USD đến nửa tỷ USD

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình.

“Nếu hỏi FPT của chúng ta đã làm được điều gì đáng kể nhất trong việc cung cấp dịch vụ Internet? Chính là các bạn có tính liều lĩnh, liều mạng, bán mạng. Thực sự bạn trẻ đã làm được, và tôi cũng là người tham gia trong cuộc liều lĩnh đó”, ông Bình nói.

Nói về con số 70.000 USD hình thành nên FPT Telecom ban đầu, ông Bình cho biết chỉ chừng ấy tiền mà phải cân lên nhắc xuống.

“Không có tiền mà làm! Làm một công ty viễn thông mà chỉ có 70.000 USD, chúng tôi đánh chiến thuật du kích tới mức không thể du kích hơn được nữa. Đúng là chỉ có lòng nhiệt thành của các bạn trẻ mới làm được điều như vậy. Nhưng chúng tôi đã can đảm làm”.

“Trên thế giới không có một tổ chức viễn thông nào làm duy nhất chỉ Internet, vì chỉ làm Internet là lỗ. Làm thế nào FPT Telecom sống được? Tiết kiệm từng xu, từng hào. Nghĩ điên nghĩ cuồng. Việc các bạn đã làm, đã thực hiện được phá thế độc quyền mà anh Mai Liêm Trực hy vọng là điểm tuyệt vời, hiếm hoi, là chiến tích. Cuộc đời phơi nắng gió, đi rừng lắp cáp của các anh em FPT Telecom, không thể tưởng tượng làm sao sống được chứ đừng nói có lời”, ông Bình nói.

9 tháng đầu năm 2022, FPT Telecom ghi nhận doanh thu đạt 10.807 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.740 tỷ đồng. Năm 2022, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 2.250 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu năm 2022 ở mức 14.560 tỷ đồng, tương đương gần 600 triệu USD. Ông Bình nhận định đây là doanh nghiệp có tương lai rực rỡ nhất trong tập đoàn, có tần suất chạm tới khách hàng lớn nhất từ trước tới nay. Và vị thế của FPT Telecom từ năm 2023 sẽ hoàn toàn khác.

Trong giai đoạn phát triển mới 2021 - 2024, FPT Telecom xác định "Trải nghiệm Khách hàng tuyệt vời" (Amazing Customer Experience) sẽ là sự khác biệt chiến lược, lợi thế cạnh tranh. Công ty tập trung đẩy mạnh nâng cấp chất lượng hạ tầng kết nối và hạ tầng trung tâm dữ liệu, cũng như đầu tư vào các dự án nghiên cứu phát triển để tăng tốc ứng dụng các sản phẩm dịch vụ số, giúp khách hàng có trải nghiệm thuận tiện hơn, ưu việt hơn.

“Việc các bạn bằng mọi cách để tồn tại, giờ lại mở ra cơ hội lớn nhất. FPT hiện là tập đoàn có tần suất điểm chạm với khách hàng đông nhất trong tất cả các tổ chức kinh tế của Việt Nam, cho phép FPT trở thành một tập đoàn công nghệ số lớn nhất trong thời gian tới”.

“Hiện nay FPT Telecom có 17.000 cán bộ, tương lai sẽ là 34.000, 68.000, và chúng ta còn tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. FPT đang đặt mục tiêu phấn đấu, nếu cứ duy trì tốc độ này, FPT mong hướng tới 2025 sẽ có 1 triệu nhân viên làm về công nghệ số”, ông Trương Gia Bình nói.

Theo báo cáo tài chính Quý 3/2022 của FPT, tính đến 30/9/2022, toàn tập đoàn có 41.124 người, tăng gần 4.000 người so với mốc cuối năm 2021.

Theo Bảo Bảo

Nhịp sống thị trường