clock

Doanh Nghiệp

06:19 22-11-2018

Ông Lê Quốc Vinh: Chiến lược giá "3 không" của VinFast chưa từng có trong lịch sử

Giá xe ô tô VinFast vừa được công bố gây bất ngờ đối với nhiều chuyên gia về xe cũng như khách hàng; để có được giá bán hấp dẫn như vậy, Tập đoàn Vingroup áp dụng chính sách giá "3 không" (không khấu hao, không chi phí tài chính và không lấy lãi). Chúng tôi tham khảo ý kiến của một số chuyên gia xoay quanh vấn đề này, trên góc độ marketing và tương quan so sánh với sản phẩm trên thị trường.

Trong buổi ra mắt công chúng Việt Nam hôm 20/11, VinFast công bố giá gốc hai mẫu ô tô SUV Lux SA 2.0 và Sedan A 2.0 lần lượt 1,818 tỉ đồng và 1,366 tỉ đồng; với chiếc Fadil, giá bán là 423 triệu đồng.

Hãng xe của Tập đoàn Vingroup khiến khán trường phải trầm trồ khi đưa ra chính sách giá “3 không” hỗ trợ người tiêu dùng (không khấu hao, không chi phí tài chính và không lấy lãi”; theo đó giá chiếc SUV giảm còn 1,136 tỉ đồng, Sedan 800 triệu đồng và Fadil 336 triệu đồng; tương đương mức giảm gần 40%.

Giá nói trên tương đương giá thành sản phẩm cộng chi phí bán hàng. Trước đó hai phiên bản xe máy điện Klara có giá gốc 57 và 34 triệu đồng giảm còn lần lượt 35 và 21 triệu đồng.

Với mức này, VinFast khẳng định mong muốn đưa các sản phẩm đẳng cấp quốc tế tới đông đảo người tiêu dùng, nhằm chung tay xây dựng thương hiệu Việt.

'Chính sách giá “3 không”, doanh nghiệp là bên chịu phần thiệt'

Theo ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Le Bros, chiến lược giá “3 không” của VinFast với tất cả các dòng sản phẩm bản chất là một chiến lược marketing.

Đây là một bước đi hợp lý, không vi phạm bất cứ quy định nào về giá đồng thời là chương trình thu hút người mua hàng trong giai đoạn đầu. Nhưng trong trường hợp cần thiết, VinFast vẫn có thể quay về với mức giá bán ban đầu.


Theo ông Vinh, chiến lược cắt toàn bộ chi phí khấu hao, chi phí tài chính, cắt hết lợi nhuận nhằm giảm giá với ô tô, xe máy là chưa từng có trong lịch sử Việt Nam cũng như các hãng xe của thế giới.


Điều này chỉ có thể bắt gặp đối với các mặt hàng với giá trị thấp, còn đối với mặt hàng xa xỉ như ô tô là khá lạ lẫm.

Đánh giá về mức giá của hai mẫu xe của VinFast, ông Lê Quốc Vinh cho rằng 800 triệu đồng/chiếc và hơn 1,1 tỉ đồng/chiếc quả thực hấp dẫn.

Việc VinFast đặt giá bán khi chưa có sản phẩm thật chạy trên thị trường, chưa rõ về vận hành thực ra không vấn đề.

“Ô tô VinFast đã được rõ về động cơ, đã được kiểm nghiệm tại các triển lãm lớn của thế giới như Paris Motor Show, làm việc với các đối tác nước ngoài về thiết kế, sản xuất; đây là những cơ sở để có thể hình dung được mức giá của chiếc xe này”, ông Vinh nhận xét.

Ngoài ra với một doanh nghiệp, việc đặt giá bán sản phẩm cũng phán ánh việc họ định vị cạnh tranh ở phân khúc nào. Ví dụ xe cỡ nhỏ Fadil cạnh tranh với Huyndai i10, và các xe tương đương.

Chi phí sản xuất cấu thành vào giá bán chỉ là một phần, chi phí vận hành, marketing cũng chỉ là một phần. Yếu tố giá ngoài việc định vị phân khúc, sẽ là thước đo để khách hàng có thể nhìn vào dễ dàng hơn mà so sánh.

Với chính sách giá “3 không”, doanh nghiệp là bên chịu phần thiệt. Việc VinFast không tính khấu hao, chi phí lãi vay và lợi nhuận sẽ phải bù lại bằng nguồn nào đó.

Trong quá trình vận hành, doanh nghiệp có thể giảm chi phí bằng cách hợp lý hóa quy trình sản xuất, nguyên vật liệu. Với VinFast, đang có kế hoạch nội địa hóa lên tới 60%, mặc dù người ngoài chưa hình dung họ nội địa hóa như thế nào nhưng đó là một cách để giảm chi phí xuống. Nếu như điều này thành công thì có thể chính sách giá “3 không” sẽ kéo dài, ngược lại VinFast có lẽ phải tính toán lại, vì không thể lỗ mãi.

Chiến lược giá 'trên kéo xuống, dưới đẩy lên

Theo ông Hải, VinFast đã lấy một sản phẩm thương hiệu cao cấp (ô tô VinFast mang trong mình động cơ BMW ) để kéo xuống bán ở phân đoạn thị trường thấp hơn.Ông Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar), chuyên gia về xe lại cho rằng, chiến lược giá của VinFast là "trên kéo xuống, dưới đẩy lên".

Trong khi đó, lấy một thương hiệu đại chúng (Opel) làm một sản phẩm tốt hơn để đẩy lên cho phân hạng xe nhỏ, giá thấp.

VinFast không làm giống Tata Nano, đưa ra một chiếc xe giá rẻ cho người nghèo, nhưng chất lượng lại không cao; mà giá thấp nhưng chất lượng cũng phải tốt.

Chiếc sedan VinFast dùng máy và platform F10 (BMW 5 Series 2011 – 2017) có giá 800 triệu, ông Hải so sánh một chiếc BMW 520i đời 2017 giá 2,1 tỉ đồng; BMW 528i 2,6 tỉ đồng; hai xe trên được cho là nền tảng của xe VinFast.

Chiếc SUV VinFast dùng platform F15 (của chiếc BMW X5 2014 – 2018) bán giá 1,1 tỉ đồng, trong khi người đàn anh ở BMW bán giá từ 3,6 – 5 tỉ đồng.

 
 

theo Kinh tế & Tiêu dùng