clock

Thế Giới

01:45 06-05-2019

Ông lớn Trung Quốc nhảy vào, doanh nhân Việt lo mất nhân sự

Các doanh nghiệp đau đầu với bài toán giữ chân nhân tài trong công nghiệp sản xuất do làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến của các nhà máy gia công ngành may mặc, giày gia, điện tử. Ảnh: P.ĐIỀN

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo chi tiết về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đáng chú ý trong cơ cấu vốn đăng ký, hiện Trung Quốc nổi lên giữ vị trí số một về số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam trong 4 tháng qua với tổng số vốn đăng ký cấp mới là 1,3 tỉ USD, số dự án cấp mới là 187 dự án.

Một số dự án lớn trong 4 tháng đầu năm 2019 của các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam có thể kể tên như Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR, tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR; Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd đầu tư với mục tiêu Sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang…

Dây chuyền, nhà máy rời Trung Quốc về Việt Nam

Các chuyên gia nhân sự, lẫn các kênh tuyển dụng nhân sự trực tuyến có uy tín vừa có các bản báo cáo cập nhật cung - cầu thị trường lao động, trong đó nổi lên là làn sóng các doanh nghiệp đa quốc gia lần đầu tiên mở văn phòng tại Việt Nam nở rộ, đáng kể đến là trong lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát, bia rượu và mỹ phẩm.

Mô hình nắm quyền quản lý kinh doanh trực tiếp này của các công ty nước ngoài nhằm đẩy mạnh việc phát triển kinh doanh, quảng bá thương hiệu, làm các chương trình khuyến mãi... dẫn đến việc tăng mạnh trong nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến khối kinh doanh và marketing từ cấp nhân viên đến vị trí quản lý cấp cao

Đại diện của Navigos Search , nhà tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam, cho biết trong số các thương hiệu, tập đoàn liên tiếp mở các văn phòng đại diện tại Việt Nam kể trên thì khối ngành sản xuất nổi lên làn sóng dịch chuyển các dây chuyền, nhà máy từ Trung Quốc tiếp tục dồn vào thị trường Việt Nam. Trong đó tập trung nhiều nhất là ngành công nghiệp phụ trợ, ngành gỗ nội thất.

Theo đại diện Navigos Search, thời gian qua có nhiều dự án các nhà máy mới vào Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng quy mô nhân sự gấp đôi hoặc gấp ba lần so hiện tại, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện cao cấp,…

‘Nhu cầu tăng trưởng quy mô đột biến này do doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nhà máy hoặc tái cấu trúc, dẫn tới thách thức lớn cho nhà tuyển dụng trong việc thu hút và giữ chân ứng viên, xuất hiện làn sóng dịch chuyển ứng viên giữa các nhà máy trong cùng một ngành”, Navigos Search nhận định.

Vậy làn sóng các nhà máy này dịch chuyển về đầu? Đại diện khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM) cho hay thời gian gần đây có nắm thông tin về xu hướng dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam, tuy nhiên làn sóng ồ ạt để đầu tư tại KCX Linh Trung thì chưa rõ ràng.

Tương tự, các khu công nghiệp tại Long An cũng ghi nhận chưa có nhiều nhà máy của tiếp nhận làn dịch chuyển này đột biến, một phần do tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đạt tỉ lệ cao, theo đó các nhà máy mới sẽ nằm bên ngoài các khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần và Đầu tư xây dựng Tân Đô nhà đầu tư khu công nghiệp Tân Đô (Đức Hòa, Long An), cho biết hiện tỉ lệ lấp đầy của KCN đạt 100% nên không thể tiếp nhận thêm doanh nghiệp đầu tư mới từ bên ngoài.

Cầu tăng đột biến, cung nhỏ giọt

Trao đổi với phóng viên PLO, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM, nhấn mạnh nhu cầu tuyển dụng lao động từ phổ thông đến quản lý cấp cao đang tăng đột biến, trong khi nguồn cầu rất khan.

Trong đó, có sự thu hút lớn nguồn nhân lực từ làn sóng di chuyển trong ngành may mặc, giày da, pin năng lượng từ các doanh nghiệp Trung Quốc cần tuyển lao động rất lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất nhưng cầu luôn vượt nhiều lần so cung.

Nhu cầu tuyển dụng không chỉ tăng mạnh ở cấp quản lý, điều hành kéo theo đó nhân sự khối văn phòng, kế toán cũng tăng đột biến. Ảnh: P.ĐIỀN

Theo ông Sang, thời điểm gần giữa năm cạnh trạnh lao động giữa các ngành và nội bộ ngành rất cao, một phần là do số lao động thời điểm này đã ổn định công việc, thứ hai mức lương phải cao hơn họ mới nhảy việc. Trong khi đó, nguồn lao động mới tham gia thị trường lao động vẫn chưa đáp ứng dù các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bậc đại học vẫn bổ sung liên tục nguồn nhân lực ra thị trường.

Còn mức lương khởi điểm trong các ngành giày da, pin năng lượng khởi điểm sáu triệu đồng/tháng, còn vị trí quản lý thì cao hơn gấp nhiều lần, tùy thương lượng và vị trí công việc.

Trong khi thị trường lao động tại TP.HCM khá nhộn nhịp, ngược lại tại Bình Dương lại chưa ghi nhận sự tăng đột biến nhu cầu nhân sự ngành công nghiệp phụ trợ mà lại tập trung vào hai ngành giày da, may mặc.

Ông Nguyễn Thành Sang, Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm giới thiệu việc làm Bình Dương, thông tin nhu cầu tuyển dụng tại Bình Dương giai đoạn này chưa bùng nổ, tuy nhiên hai ngành giày da và may mặc thì luôn cần nhiều lao động, theo đó trung tâm vẫn duy trì các kênh kết nối lao động từ miền Tây, miền Trung đến làm việc tại tỉnh.

Tín hiệu xanh cho thị trường lao động, đào tạo nghề

Còn chuyên gia dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn, cho rằng đó là tín hiệu đáng mừng về đầu tư, tiếp cận dây chuyền công nghệ sản xuất và sự hòa nhập vào thị trường lao động thế giới khi có làn dịch chuyển ngành phụ trợ từ Trung Quốc về Việt Nam.

Bởi lâu nay ngành phu trợ là một trong những ngành trọng điểm được TP.HCM tập trung đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn chưa như kỳ vọng. Theo đó khi có làn sóng chuyển nhà máy sẽ giúp chúng ta tiếp cận với công nghệ, dây chuyền sản xuất của họ nhanh hơn, vì đây là ngành thế mạnh của Trung Quốc.

Không chỉ dân số già, mà Nhật Bản cũng rơi vào tính cảnh thiếu lao động có tay nghề phải tiếp nhân lao động từ Việt Nam và một số quốc gia khác. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Tuấn đánh giá, lâu nay ngành trọng điểm này trong nước vẫn loay hoay với lắp ráp chứ chưa tạo sản xuất các linh kiện mới, theo đó việc dịch chuyển nhân lực sang ngành công nghiệp phụ trợ.

Theo đó trước mắt nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp thời, nhưng hệ giáo dục nghề nghiệp lẫn bậc đại học cần có dự báo để định hướng đào tạo nghề nghiệp phù hợp với xu thế công nghiệp 4.0, qua đó lực lượng lao động trẻ này có điều kiện tiếp cận ngàn công nghiệp phụ trợ ngay tại Việt Nam.

Theo ông Tuấn đi đôi với việc chuyển dịch này trong nhân sự, cần tính tới bài toán quản lý lao động ngoài nước là chuyên gia, quản lý khi vào làm việc tại Việt Nam, trong đó cơ quan cấp phép lao động cần có sự thẩm định kĩ lưỡng để không gây tình cảnh bát nháo và xáo trộn thị trường lao động.

Đồng thời các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có định hướng, dự báo tốt hơn để đào tạo đội ngũ nhân sự có chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân sự nội tại và có tay nghề đủ cạnh tranh với nhân sự nhân ngoài nhảy vào cùng cạnh tranh các vị trí công việc doanh nghiệp cần.

Lương kỹ sư sản xuất từ 100-190 triệu đồng

Làn sóng dịch chuyển nhà máy ngành công nghiệp phụ trợ, gỗ nội thất, thiết bị điện tử kéo theo nhu cầu hút nhân sự các vị trí có nhu cầu tuyển dụng nhiều chủ yếu là vị giám sát và cấp Quản lý, dự báo các nhu cầu tuyển dụng vẫn sẽ tăng đều cho đến khi các công ty hoạt động ổn định. Riêng các doanh nghiệp Trung Quốc yêu cầu tuyển dụng các ứng viên phải nói được tiếng Hoa.

Tại khu vực TP. HCM, so với các ngành khác, sản xuất và công nghiệp là lĩnh vực được ghi nhận đang trả mức lương cao nhất cho rất nhiều vị trí cấp trung và cấp cao tại đây. Các kỹ sư, quản lý có thể được trả mức lương gần 100- 190 triệu đồng/tháng.

Khảo sát của Navigos Search

 
 

theo Pháp luật TP HCM