clock

Doanh Nghiệp

01:11 15-11-2018

Ông Nguyễn Tử Quảng: Chỉ cần 5 doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, Việt Nam sẽ thực sự phát triển nhờ khoa học công nghệ!

CEO BKAV đánh giá tình hình phát triển công nghệ ở Việt Nam dù còn nhiều khó khăn, nhưng nếu vận dụng đúng cách, các doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Việt Nam đang đứng trước những tác động lớn của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tạo Toạ đàm chuyên đề "Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông", sáng 14/11.

Ông nhận xét đây là cơ hội mang tính quyết định, đầy thách thức của Việt Nam. Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, trong đó, đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế, thể chế để giúp công nghệ thông tin phát triển, giúp doanh nghiệp đổi mới sáng tạo...

Ông Phát cho biết Đề án quốc gia về "Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam" do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì dự kiến hoàn thành vào Quý IV năm 2018.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV cho rằng trong cuộc chơi công nghệ, luôn có cơ hội để cạnh tranh với các tập đoàn lớn toàn cầu.

Phân tích thị trường smartphone Trung Quốc, ông Quảng cho biết năm 2012, Samsung là nhà sản xuất có thị phần đứng thứ nhất tại đây, nhưng điều này đã thay đổi vào năm 2018. "Hiện giờ các công ty nội địa Trung Quốc chiếm ưu thế, Samsung chiếm chưa đến 1% thị phần", ông Quảng nói.

Điều này được ông nhận xét là khó tin nhưng có thật. Các thương hiệu điện thoại Trung Quốc không chỉ chiếm lại thị phần nội địa và còn bành trướng thị trường thế giới, trước những tên tuổi lớn như iPhone, Samsung...

Tại Việt Nam, số liệu của BKAV cho thấy Samsung hiện đang dẫn đầu thị phần với 41%, Oppo là 23%, iPhone là 8,9% và phần còn lại phần lớn là do các công ty Trung Quốc khác nắm giữ.

Ông Quảng cho biết nếu doanh nghiệp trong nước không vào cuộc, sớm hay muộn, thị trường smartphone Việt Nam sẽ do doanh nghiệp Trung Quốc chiếm ưu thế.

Để vươn lên nắm giữ thị trường nội địa và đi xa hơn là bài toán toàn cầu, nhìn từ bài học của các doanh nghiệp Trung Quốc, ông Quảng cho rằng họ đang thắng thế nhờ sản phẩm chất lượng vừa phải và giá rẻ.

Như vậy, khi vận dụng, đối với các thương hiệu lớn, nổi tiếng, doanh nghiệp trong nước cần tạo ra sản phẩm tương đương nhưng có giá cạnh tranh hơn. Đối với các sản phẩm từ Trung Quốc thì chiến lược phải là tốt hơn về chất lượng, giá cả dù đắt hơn nhưng không quá đắt.

"Rõ ràng người Việt Nam đều hiểu nếu chúng ta làm nghiêm túc, sản phẩm sẽ tốt hơn Trung Quốc và được ưa chuộng hơn", ông nói.

Điều này, theo ông, có thể làm được nếu doanh nghiệp trong nước sở hữu được công nghệ lõi. Việc nhập khẩu rồi làm thương mại, có thể là một hướng đi của một bộ phận doanh nghiệp, nhưng về lâu dài, hoạt động này không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất.

Việc tham gia vào quá trình sản xuất, cũng giúp doanh nghiệp có thêm giá trị gia tăng, tức nằm phần trên của đường cong nụ cười.

"Cần phải đầu tư bài bản vào quá trình nghiên cứu, phát triển từ gốc, từ đó mới đổi mới sáng tạo, làm ra được sản phẩm xuất sắc với giá cả tốt", ông Quảng nhìn nhận và cho rằng nếu biết vận dụng đúng cách, doanh nghiệp trong nước có thể thực sự cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới.

 

Theo ông, đất nước chỉ cần đầu tư vào 5 doanh nghiệp mũi nhọn, mỗi doanh nghiệp dẫn dắt một lĩnh vực thì Việt Nam sẽ thực sự phát triển dựa vào khoa học công nghệ. Điều này tương tự Hàn Quốc khi nước này có trong tay những Samsung, LG...

Thông báo một tin khá vui, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết Luật chuyển giao công nghệ vừa được thông qua quy định: nếu kết quả nghiên cứu của cá nhân, doanh nghiệp sử dụng tiền túi có giá trị và có thể phổ biến rộng rãi sẽ được Nhà nước mua lại và yêu cầu các đơn vị sự nghiệp sử dụng.

Điều này, nhằm khích lệ, khuyến khích người dân tham gia phát triển công nghệ.

 

theo Trí thức trẻ