Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, qua phát động của các cấp hội trong toàn huyện, hàng năm, số hộ nông dân đăng ký tham gia phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đều tăng, năm sau cao hơn năm trước 10%, số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm sau cao hơn năm trước 5%; bình quân mỗi năm trên địa bàn có gần 3.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Đáng chú ý, năm nay nhiều bà con nông dân xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa trúng mùa sầu riêng. Vùng đất này lại xuất hiện thêm các tỷ phú nông dân với các loại cây trồng mới giá trị kinh tế cao.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng hiệu quả
Hiện nay nhiều vùng ở nước ta đã trồng sầu riêng hiệu quả và đạt được giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để sầu riêng cho năng suất cao, chất lượng tốt, cây không bị suy kiệt làm ảnh hưởng đến các vụ tiếp theo thì việc trồng và chú ý đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật là vô cùng cần thiết.
Theo báo Dân Tộc và Phát triển muốn trồng sầu riêng đạt hiệu quả, bà con phải chuẩn bị mô hay hố trồng, tùy vào điều kiện canh tác, thổ nhưỡng để áp dụng kiểu trồng cho phù hợp.
Kiểu trồng miền Tây thường liếp đơn rộng 6-8m, mương rộng 1-2 m, sâu từ 1-1,2m. Còn liếp đôi rộng 10-12m, mương rộng 4-5m, sâu từ 1-1,2m. Kích thước mô cao 60-80cm, chân mô 2-3m, mặt mô 1-2m.
Còn kiểu trồng ở vùng đất miền Đông - Tây Nguyên, kích thước hố đất tốt là 60x60x60cm, đất xấu thì 70x70x70cm.
Lưu ý về khoảng cách trồng, tốt nhất nên trồng thưa để vườn thông thoáng, cây khỏe mạnh, dễ chăm sóc và ít bị bệnh thối trái. Tùy theo thực tế mà có nhiều phương thức trồng như trồng thuần hay trồng xen.
Còn nếu trồng thuần thì khoảng cách trồng thưa là 10m x 10m (100 cây/ha); 10m x 12m (83 cây/ha). Khoảng cách trồng dày là 5m x 6m (330 cây/ha); 6m x 8m (208 cây/ha); 6m x 9m (185 cây/ha).
Nếu trồng xen thì khoảng cách là 12m x 12m (69 cây/ha) hoặc 12m x 15m (55 cây/ha).
Để cây sầu riêng phát triển tốt trước khi trồng mới bà con nên đảo phân ở trong hố từ trên xuống dưới, ngoài vào trong cho phân được đều khắp hố. Bên cạnh đó nên cắt bỏ phần rễ thừa, rễ cong. Sau đó nhẹ nhàng rạch một đường dài dọc bao bầu cẩn thận không làm bể bầu. Đặt bầu cây vào hố trồng, sao cho mặt bầu cao hơn miệng hố khoảng 2 - 3cm. Rồi nhẹ nhàng tách vỏ bầu ra khỏi bầu ươm, tránh làm hư hại bộ rễ cây. Khi đặt bầu bà con cố gắng đặt cho cây giống thẳng, không nên đặt bầu ươm quá nông hoặc quá cạn.
Những tháng đầu tiên sau khi trồng nên tưới 1 lần/ngày, nhằm đảm bảo chu kỳ tưới 3 lần/tuần (lượng nước tưới 100-150 lít/cây/lần).
Một lưu ý đáng quan trọng là điểm yếu của sầu riêng không ưa nước đọng, do đó trong kỹ thuật chăm sóc cây con, bà con cần lưu ý tạo rãnh thoát nước vào mùa mưa. Điều này tránh gây thối rễ và tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.
Về mùa khô, bà con cần lưu ý thực hiện tấp tủ quanh gốc, tưới nước đều đặn để giữ ẩm. Tuyệt đối tránh để cây bị úng ngập hoặc khô hạn quá mức vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây con.
Thành phần dinh dưỡng trong 100g sầu riêng
Vitamin A: 13.33 - 20 mg
Acid ascorbic: 23.9 - 25.0 mg
Canxi: 7.6 - 9.0 mg
Phốt pho: 37.8 - 44.0 mg
Kali: 436 mg
Thiamin: 0.20 mg
Riboflavin: 0.20 mg
Niacin: 1.704 mg
Sắt: 0.73 - 1.0 mg
Đường: Khoảng 12g
Protein: 2.5 - 2.8g
Chất béo: 5.33g
Chất xơ: 3.8 g
Carbohydrate toàn phần: 30.4-34.1g
Ngoài ra, sầu riêng còn chứa nhiều hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe như nhóm flavonoid, polyphenol, beta carotene và anthocyanin, mangan, canxi, đồng...