clock

Trong Nước

09:12 23-11-2022

Ông Thân Đức Việt: Lương công nhân may gần 9 triệu/tháng, không thể gọi là "lao động giá rẻ"

Lao động ngành may mặc không còn là “lao động giá rẻ”. Thách thức từ các nước lớn trong sản xuất quần áo như Trung Quốc, Bangladesh đặt ra “bài toán” cạnh tranh của ngành may Việt Nam thời gian tới.

Ông Thân Đức Việt, tổng giám đốc Tổng công ty May 10, chia sẻ tại diễn đàn - Ảnh: HÀ QUÂN

Đó là chia sẻ của ông Thân Đức Việt, tổng giám đốc Tổng công ty May 10, tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF-MPI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức ngày 22-11.

Theo ông Việt, khó khăn của ngành may mặc không doanh nghiệp nào giống nhau vì nhiều đơn hàng tập trung ở nhiều dòng sản phẩm như sơ mi, đồ thể thao, áo phông…

Không sa đà vào khó khăn, ông Việt chỉ ra các giải pháp mà May 10 vượt qua thách thức, không chỉ bây giờ mà cả khủng hoảng tài chính 2008, dịch COVID-19 vừa qua. Đầu tiên, doanh nghiệp phải đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng uy tín trong chuỗi dệt may, khai thác tối đa thuận lợi do các hiệp định thương mại tự do.

Công ty này chấp nhận "chuyển mình" khi chấp nhận đơn hàng thời trang đòi hỏi chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn, thời gian giao hàng ngắn hơn… Tuy vậy, chi phí để "nuôi" một xưởng may có 300 lao động may thô, máy móc tiên tiến lên tới khoảng 10 triệu USD - thách thức thực sự cho rất nhiều doanh nghiệp.

"May mắn hơn các đơn vị khác, chúng tôi có đơn hàng quý 4 này, thậm chí trước Tết âm lịch nhưng trong bối cảnh chung, chúng tôi gặp nhiều thông tin thiếu tích cực từ phía khách hàng", ông Việt bày tỏ và nói thêm 10-15% khách hàng yêu cầu "sản xuất từ từ sau Tết".

Vị này nhận định, quý 1-2023 và có thể kéo dài sang quý 2-2023 có thể là giai đoạn khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành may mặc nên công ty sẽ triển khai nhiều giải pháp để giữ chân 12.000 lao động tại 18 nhà máy vì tuyển được người may khéo léo, trình độ tốt không đơn giản.

Lương bình quân của công nhân là 6,7 triệu đồng/tháng. Nhưng 10 tháng đầu năm 2022, lương cầm về đã là 8,9 triệu đồng/tháng, tức là tăng 30% sau ba năm đại dịch. Như vậy, Việt Nam không còn lao động giá rẻ nữa thì phải tìm được cái "lõi" cạnh tranh của ngành may, ông Việt nêu.

Hiện Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước lớn trong ngành sản xuất may mặc như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và một số nước đang vươn lên ở châu Phi.

Chi phí nhân công của Bangladesh rẻ hơn nhưng điểm yếu là thời gian nhập nguyên vật liệu, giao hàng sang Mỹ nhiều hơn, nên khó cạnh tranh về tốc độ với Việt Nam (chuỗi logistics phát triển nhanh). Tiếp, Việt Nam vẫn có ưu thế trình độ tay nghề, khéo léo. "Hoàn toàn không có khái niệm lao động giá rẻ với ngành may", ông nói.

Các đại biểu trao đổi tại diễn đàn - Ảnh: HÀ QUÂN

Cũng tại diễn đàn, TS Trần Toàn Thắng - trưởng Ban Kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc NCIF-MPI - cho biết kinh tế Việt Nam năm 2023 phụ thuộc diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, các giải pháp tăng trưởng kinh tế…

"Với các yếu tố tác động như trên. Kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo hai kịch bản. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6 - 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.

Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn", TS Trần Toàn Thắng cho biết.

IMF giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Theo ông Francois Painchaud - trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào - cho biết tháng tổ chức này đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 chỉ đạt mức 5,8%, giảm so với dự báo trước đó vào tháng 10 năm nay (6,2%). Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên, trước khi dần trở lại dưới 4%.​

Ông Francois Painchaud khuyến nghị cân nhắc thắt chặt chính sách tiền tệ nếu áp lực lạm phát gia tăng, bảo vệ sự ổn định của tài chính, linh hoạt các chính sách tài khóa nếu áp lực lạm phát tăng lên...

Theo Tuổi Trẻ