clock

Trong Nước

14:58 06-11-2015

Ông Trần Đình Thiên: “Doanh nghiệp Việt đủ khôn ngoan xoay chuyển tình thế”

Nếu Việt Nam tạo không gian cạnh tranh tốt và điều kiện vĩ mô thuận lợi doanh nghiệp không lo vì họ đủ khôn ngoan và mạnh mẽ để xoay chuyển tình thế, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết.

  • Tại cuộc hội thảo Tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức sáng 5/11, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, cấu trúc công nghiệp thế giới đã có thay đổi cơ bản, doanh nghiệp Việt muốn cạnh tranh hoặc xuất khẩu bền vững cần tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tế, Việt Nam đã "kéo" các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều nhưng chưa tạo ra các chuỗi giá trị.

Theo Viện trưởng Thiên doanh nghiệp Việt hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, một lực lượng doanh nghiệp vừa đang "mất dần" và chỉ còn lại những doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ do đó không vào được các chuỗi liên kết.

Thậm chí, khi có doanh nghiệp nỗ lực vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI cũng mới dừng lại ở việc sản xuất bao bì, không phải năng lực cốt lõi. "Như vậy, công nghiệp của chúng ta có lớn lên được không?", ông Thiên đặt câu hỏi.

Đưa ra một kịch bản kém lạc quan, ông Thiên cho biết, nếu năng lực của Việt Nam không nâng lên, 7 năm nữa Samsung dù có tốt đến mấy cũng sẽ dời đi.

So sánh với Hàn Quốc, ông Thiên cho biết, Hàn Quốc khác Việt Nam, họ tạo ra nhiều Tập đoàn Nhà nước nhưng nhiệm vụ là hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân.

"Đối đầu với thách thức khi gia nhập TPP, AEC chúng tôi cho rằng mặt thế chế cần cố gắng tạo ra các tập đoàn tư nhân hùng mạnh và lấy đó làm trụ thiết lập chuỗi giá trị sản xuất. Đây là mục tiêu chiến lược lớn", ông Thiên nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Thiên cũng nêu quan điểm rằng, quan trọng nhất hiện nay là môi trường thể chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định đầu tư, kinh doanh. Trong đó có 2 vấn đề lớn là tập trung cho công nghiệp và ý thức đổi mới công nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ thống kinh tế thị trường theo nhận xét của Viện trưởng Thiên "thị trường Việt Nam không thị trường" đơn cử như giá điện thuộc phạm vị Bộ Công Thương, giá đất cũng không ổn định gây khó cho doanh nghiệp, lãi suất cho vay từ khi Việt Nam vào WTO thay vì thị trường hơn lại trở nên "hành chính" cao hơn.

Thậm chí, khi thế giới cạnh tranh ở năng lực công nghệ cao, một yếu tố cần thiết trong phát triển của các quốc gia Việt Nam lại vẫn dựa vào tài nguyên và nguồn nhân lực trong đó tài nguyên chỉ mang tính chất ngắn hạn và ngồn nhân lực lại yếu kém dần.

"Nếu Việt Nam tạo không gian cạnh tranh tốt và điều kiện vĩ mô thuận lợi doanh nghiệp không lo. Doanh nghiệp Việt đủ khôn ngoan và mạnh mẽ để xoay chuyển tình thế", ông Thiên nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đặt câu hỏi: "Tại sao môi trường vĩ mô như vậy FDI lại chủ lực với xuất khẩu chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam?". Do đó cần sửa đổi chính sách một cách đồng bộ, không theo kiểu "nhích nhích" như đối với điều chỉnh tỷ giá trong thời gian vừa qua sau đó mới đánh giá tác động đến ngân sách, đến tình hình xuất nhập khẩu.

"Việt Nam đang chuyển xu thế muốn kích thích xuất khẩu phá giá VND nhưng phá giá ăn đòn nhập siêu do chính sách đang khuyến khích nhập khẩu vào, cơ sở này mới lắp ráp gia công và xuất khẩu. Khi xuất khẩu ăn được phải nhập khẩu và tính phụ thuộc quá cao, đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc. Duy trì cơ cấu này năng lực kinh tế có vấn đề nghiêm trọng", ông Thiên bình luận.

 

Theo BizLIVE