clock

Trong Nước

01:22 05-08-2019

Ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch VEAM vừa bị bắt tạm giam đang sở hữu bao nhiêu cổ phần VEAM?

Ông Trần Ngọc Hà và nhiều người thân trong gia đình sở hữu 0,0193% cổ phần VEAM, tương đương số tiền khoảng 15,5 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại VEAM(mã VEA) và một số đơn vị thành viên.

Cùng ngày, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc; và Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn máy kéo nông nghiệp, cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, ông Trần Ngọc Hà từng là người đại diện vốn nhà nước tại VEAM, cho đến tháng 6/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản miễn nhiệm ông Trần Ngọc Hà làm người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Hồi tháng 3/2019, Hội đồng quản trị VEAM cũng đã ban hành nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Trần Ngọc Hà. Lý do bãi nhiệm không được công bố chi tiết.

Bộ Công Thương đang là cổ đông lớn nhất tại VEAM với 88,47% vốn điều lệ, tương đương 1,1 tỷ cổ phiếu , Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hoà An hơn 79,7 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 6% vốn điều lệ.

Báo cáo tình hình quản trị VEAM 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, ông Hà nắm giữ 102.400 cổ phiếu VEA, tỷ lệ 0,0077%; bà Trần Thị Diệu Khanh, vợ ông Hà sở hữu 100.000 cổ phiếu.

Em trai ông Hà là Trần Ngọc Sơn nắm giữ 16.600 cổ phiếu, Trần Ngọc Lâm 11.100 cổ phiếu. Số còn lại gồm: chị gái Trần Thị Hải, em gái Trần Thị Thanh và Trần Thị Xuân, mỗi người sở hữu 10.000 cổ phần.

Tổng số cổ phần ông Hà, vợ và những người trong gia đình nắm giữ là 260.100

Như vậy, tổng số cổ phần ông Hà, vợ và những người trong gia đình nắm giữ là 260.100 cổ phiếu, tương đương hơn 15 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 VEAM đạt doanh thu thuần 1.116 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của VEAM vẫn tăng 8% so với cùng kỳ lên 2.147 tỷ đồng chủ yếu nhờ phần lãi trong công ty liên doanh liên kết gần 2.109 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, VEAM là đơn vị nắm giữ 30% cổ phần Honda, 20% cổ phần Toyota, 25% cổ phần Ford và đây cũng là nguồn lợi nhuận chủ yếu của công ty trong nhiều năm qua.

Tính chung 6 tháng đầu năm, phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết lên tới 3.318 tỷ đồng, tăng 12% giúp VEAM thu về 3.418 tỷ đồng lãi ròng sau thuế, tăng 13% so với nửa đầu năm ngoái.

Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương trước đó đã gửi sang Bộ Công an từng cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6/2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi, tuy nhiên thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh (Toyota, Honda, Ford...) mang lại.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót.

Cụ thể, có nhiều sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, công nợ… gây thiệt hại, lãng phí tài sản của nhà nước.

 
 

theo Bizlive