clock

CEO Việt

04:44 27-08-2019

“Ông trùm” trà sữa Gong Cha tỉnh: Đứng dậy từ thất bại triệu đô

Hoàng Hà - cựu Giám đốc bán hàng và marketing Yamaha Việt Nam, khởi nghiệp thành công với chuỗi trà sữa Gong Cha ở tỉnh nhưng lại “vấp ngã” với dự án beer club triệu đô Kool Klub. Sau thất bại, anh chọn việc “hồi sinh” Auntie Anne’s - thương hiệu bánh Mỹ từng lỡ vận tại Việt Nam cách đây 6 năm.

Gắn bó với Yamaha Việt Nam gần 18 năm và đang giữ vị trí quan trọng tại công ty này, ở tuổi 45, Hoàng Hà bất ngờ xin nghỉ việc để khởi nghiệp bán trà sữa Gong Cha ở Đà Nẵng chứ không phải ở Hà Nội (nơi anh đang ở). Thành công với Gong Cha ở Đà Nẵng, Hoàng Hà nhanh chóng mở rộng chuỗi trà sữa này ra Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng…, và được xem là "ông trùm" Gong Cha tỉnh.

Tiếp nối đà phát triển trong ngành F&B, Hà lập một dự án lớn: chuỗi beer club mang tên Kool Klub và cũng khởi nguồn từ Đà Nẵng. Ông chủ của chuỗi trà sữa Gong Cha ở tỉnh (Gongcha ở Hà Nội và TPHCM do một công ty khác phát triển), kỳ vọng Kool Klub có thể trở thành một hệ thống Vuvuzela thứ 2 ở Việt Nam. Thế nhưng, giấc mơ này dừng lại chỉ sau khoảng 1 năm.

Sau thất bại với Kool Klub, cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2019, Hoàng Hà lại ra mắt “game mới” với thương hiệu “bánh xoắn” đến từ Mỹ - Auntie Anne’s, với 2 cửa hàng ở trung tâm Hà Nội. Điều thú vị là thương hiệu “bánh xoắn” này từng hiện diện ở TPHCM hơn 6 năm trước với 13 cửa hàng. Tuy nhiên, Auntie Anne’s đã không thể trụ vững và phải đóng cửa. Ông chủ chuỗi Gong Cha ở tỉnh đi tìm trải nghiệm mới sau “thất bại kép”.

Xuất phát điểm của mình ở Yamaha không phải do đam mê nhưng mình tạo nên thành công nên đam mê với nó. Nên khái niệm của mình là do phấn đấu, gắn bó, có chút thành tựu, và cái thành tựu đó nuôi mình dần, rồi trở thành đam mê. Nhưng đó là đam mê của người đi làm thuê.

Còn ông có máu kinh doanh trong người thì luôn muốn làm cái gì đó của riêng mình, không cơ hội này thì cơ hội khác, còn ngành nào không quan trọng. Vì thế, cái nào nó đến mà mình xác định là cơ hội thì bắt tay vào làm thôi.

Bắt vào Gong Cha là cơ duyên, nó đúc kết cho mình một số kinh nghiệm và thành công. Chính điều đó làm mình đam mê với ngành này và khiến mình muốn đi tiếp. Khi làm mình phát hiện ra một điều khá hay là người ta có thể nhịn mặc (không mặc đẹp - PV), người ta không đi xe máy thì có thể đi ô tô, xe ôm, taxi… nhưng không thể nhịn ăn được.

Nhưng tại sao lại là Auntie Anne’s khi mà thương hiệu này từng thất bại ở Sài Gòn?

Nó gần như là một cơ duyên. Cuối năm 2010, mình đang đi học và công tác ở Nhật thì tình cờ biết đến thương hiệu này. Mình ấn tượng ban đầu với thương hiệu này ở 2 điểm: một là logo với màu xanh đặc trưng, hai là triết lý kinh doanh rất đặc biệt của họ - đó là "đơn giản nhưng phải tươi", tiếng Anh là "Simple Original Fresh".

Chính triết lý này khiến mình tò mò ăn thử, rồi tìm hiểu kỹ và bị "nghiện dần". Cái chữ "Original Fresh" hay "tươi nguyên gốc" của họ đặc biệt ở chỗ, họ làm bánh tươi thực sự chứ không phải do gia vị và được sản xuất cũng như sử dụng trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Lúc đó mình nghĩ rằng, cái này đem về Việt Nam chắc sẽ thành công. Và khi biết là Auntie Anne’s đã có cửa hàng ở Sài Gòn thì dự định là về Việt Nam thì sẽ đến ăn. Thế nhưng, bẵng đi một thời gian thì biết tin là các cửa hàng này đã đóng cửa. Lúc đó mình cũng hơi tiếc nhưng vẫn theo dõi thương hiệu này.

Đến khi thương hiệu này tiếp tục mở cho các đối tác tại Việt Nam thì mình viết đơn cho họ vì nghĩ cơ hội kinh doanh thành công hiện giờ là tốt.

Nguyên nhân nào khiến anh nghĩ mình sẽ thành công trong khi người khác làm thì thất bại?

Thực ra, việc thất bại của Auntine Anne’s ở Sài Gòn cũng khó lý giải xét trên góc độ đánh giá của khách hàng. Mình đã đọc các comment của khách hàng về sản phẩm thì phát hiện ra một nghịch lý là khoảng 80% là tích cực.

Nhưng sau đó, khi tìm hiểu và phân tích sâu hơn, có thể người triển khai trước đó đã gặp 3 vấn đề. Thứ nhất, thời điểm năm 2012-2013 là quá sớm, chưa chín cho thị trường ăn vặt ở Việt Nam. Thời gian này thị trường trà sữa còn chưa bùng nổ nên việc các mặt hàng dòng "snacking" như "bánh xoắn" phát triển chật vật là bình thường. Thứ hai, địa điểm đặt các cửa hàng quá sang trọng nên chi phí quá cao (Bitexco, Parkson…). Thứ ba, thực đơn giữ nguyên những gì bên Mỹ làm, chưa địa phương hoá cho thị trường Việt Nam.

Tất nhiên, đó chỉ là những phân tích mà mình rút ra được nhưng cũng gợi ý về cách triển khai để giảm bớt những sai lầm. Và quan trọng là thời điểm này, thị trường ăn vặt đã bắt đầu hình thành nhưng chủ yếu là hàng Việt Nam, còn sản phẩm mang thương hiệu quốc tế chưa vào Việt Nam nhiều nên cạnh tranh chưa cao. Trong khi đó, một số thị trường đã bùng nỗ như chuỗi trà sữa, cà phê.

Thêm nữa, khi làm chuỗi trà sữa Gong Cha ở các tỉnh, bọn mình cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm về ý thức dịch vụ, quy trình vận hành, phương pháp vệ sinh và và đặc biệt là việc chọn địa điểm đặt cửa hàng. Những điều này rất có ích khi làm Auntie Anne’s.

 

Khi khởi nghiệp với ngành F&B, anh chọn Đà Nẵng làm nơi bắt đầu và thử chơi lớn cũng ở đó (với Kool Klub), nhưng giờ lại chọn Hà Nội khi triển khai Auntine Anne’s. Vì sao vậy?

Khi mới bắt đầu với Gong Cha thì Đà Nẵng rất quan trọng bởi mình không tự tin lắm với điểm xuất phát và lúc đó Đà Nẵng là nơi mình hiểu rõ nhất. Nhưng bản chất thì 2 thị trường lớn nhất vẫn là Hà Nội và TPHCM, cơ hội cũng lớn nhất ở đây. Và thực tế là hiện tại, toàn bộ chất xám của công ty mình đang nằm ở đây (Hà Nội) nên triển khai sẽ tốt nhất. Tuy nhiên, việc mở rộng ra TPHCM và Đà Nẵng sẽ không quá lâu đâu.

Làm Gong Cha, thất bại với Kool Klub và giờ thì thêm Auntie Anne’s, bước tiếp theo của anh sẽ là gì?

Mọi việc sẽ chưa dừng lại ở đây nhưng hiện tại mình muốn làm cho Auntie Anne’s thành công đã. Trong vòng 3 năm tới, mình hy vọng sẽ mở được 50-100 điểm bán hàng ở Việt Nam.

Mình rất thích phương pháp của "bánh xoắn" Mỹ là cộng sinh các giá trị của thị trường nội địa. Họ đồng ý cho mình đưa các hương liệu nội địa vào sản phẩm và nếu những hương liệu đó được thị trường quốc tế chấp nhận, mình có thể trở thành nhà cung cấp nguyên liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Đây cũng là điều mình đang muốn hướng đến vì Việt Nam có nhiều hương liệu tốt.

 

Trong ngành làm bánh ở Hà Nội, những người thành công thường là đầu bếp hoặc làm trong ngành thực phẩm, còn anh lại xuất thân từ ngành xe máy. Anh có nghĩ đó là một bất lợi của mình không?

Khi làm ở Yamaha, mình phát hiện ra rằng, xe máy là một khối sắt thép nhưng nó cũng rất mềm mại. Điều này có thể thấy rõ trong quá trình làm với đội ngũ thiết kế, từ khâu nạo đất sét, tạo hình… những khâu đòi hỏi sự mềm mại và tinh tế. Mình vốn là một người thích sự gồ ghề, xù xì nhưng chiếc xe máy lại đòi hỏi hình dáng trau chuốt, mềm mại… Thực ra, điều này không phải là quá khó và mình đã làm quen với việc đấy rồi.

Tham gia vào ngành thực phẩm thì phải biết nấu ăn và đó là một thách thức. Mình không có tham vọng trở thành một chuyên gia giỏi trong việc làm bánh, nhưng muốn hiểu nguyên lý, phương pháp làm, trải nghiệm giống như họ để có tiếng nói chung với những người đang là chuyên gia về phát triển bánh. Việc học làm bánh cũng là cách nuôi niềm đam mê cho mình vì nếu không biết gì thì không thể đam mê với nó được.

 

Quay trở lại với Kool Klub, lý do của thất bại "triệu đô" tại Đà Nẵng đến từ đâu?

Kool Klub là một dự án khá lớn và phức tạp hơn nhiều so với trà sữa Gong Cha, lại là thương hiệu riêng do mình tạo nên. Nếu chỉ làm một cửa hàng thì không khó nhưng tham vọng xây dựng chuỗi Kool Klub thì rất khó. Nó đòi hỏi không chỉ món ăn mà là công nghệ quản trị - thứ sẽ quyết định thắng thua.

Mình đam mê với kinh doanh nhà hàng nhưng có lẽ chưa đủ kinh nghiệm để xác định đúng quy mô của thị trường. Với Kool Klub ở Đà Nẵng, thứ quan trọng nhất khiến mình không thành công là mức chi tiêu bình quân trên mỗi khách hàng khi đi uống bia tại nhà hàng cao cấp ở đó sẽ dưới 200.000 đồng/ người – quá xa so với mức ở Hà Nội khoảng 350.000 đồng. Nếu muốn tiếp tục thì phải điều chỉnh và mất rất nhiều thời gian.

Thực ra, mình đã thử ngồi lại với anh em 2-3 lần để đánh giá lại và tìm cách điều chỉnh, nhưng đó là một dự án có những đối tác khác và họ không thể kiên nhẫn thêm. Còn mình là công ty nhỏ cũng không thể phân bổ nguồn lực vào quá nhiều thứ. Nên nói là trong một nốt nhạc thì không đúng, nhưng cũng gần như thế, và mình quyết định chuyển nhượng lại.

 

Anh có cảm giác như thế nào sau thất bại với thương hiệu riêng của mình là Kool Klub?

Cũng là sự luyến tiếc chứ. Cả một tập thể ở đây đã mất hơn 1 năm dồn tâm huyết cho nó. Nhưng có lẽ Kool Klub không phải là một sự mạo hiểm quá đáng bởi người ta có thể học hỏi được rất nhiều từ thất bại đó. Mình vẫn động viên anh em là: Cái mất chỉ là cái nhìn thấy, còn học được là rất nhiều mà sau này mình sẽ không bước lại những cái lỗi ấy nữa.

Chuyển từ vị trí Giám đốc Marketing và bán hàng của một công ty lớn (Yamaha Việt Nam) sang khởi nghiệp với một công ty nhỏ, sau hơn 3 năm, anh thấy việc nào phức tạp hơn?

Để so sánh thì không thể làm được. Khi làm ở Yamaha, quy mô và trách nhiệm lớn nhưng nguồn lực cũng rất lớn để hỗ trợ. Nhưng về độ khó thì quyết định cho bản thân là khó nhất, vì ở đây mình không còn quá nhiều thời gian để đón nhận nhiều thất bại nữa. Thế nhưng, bản thân mình lại cứ thích đâm đầu vào những thứ phải hơi gồ ghề một chút xíu chứ không thích cái dễ. Mình vẫn nghĩ Kool Klub chưa chết, và giữ ý tưởng đưa nó trở lại một ngày nào đó dưới một mô hình nào đấy chứ không muốn "đầu hàng".

 

theo Trí Thức Trẻ