Thế Giới
12:56 10-04-2025Ông Trump gây "địa chấn" toàn cầu: Chiến lược sinh tồn của Thái Lan
Theo các nhà kinh tế Thái Lan tham dự hội nghị bàn tròn vào ngày 9/4, chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây
Tờ The Nation (Thái Lan) đưa tin, hội nghị bàn tròn có chủ đề "Ông Trump gây địa chấn toàn cầu: Chiến lược sinh tồn của Thái Lan" (Trump’s Global Quake: Thailand Survival Strategy) do các đơn vị truyền thông Krungthep Turakij, Thansettakij và PostToday tổ chức tại Khách sạn Waldorf Astoria Bangkok.
Tại hội nghị, các nhà kinh tế Thái Lan nhận thấy rằng các chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là việc áp thuế quan phổ quát 10% và thuế quan đối ứng đối với các quốc gia có thặng dư thương mại, được thiết lập để duy trì vị thế của Washington là nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu.
"Các mức thuế quan của [Tổng thống Mỹ Donald] Trump là một động thái chiến lược để khởi động lại các cuộc đàm phán và khiến hệ thống thương mại toàn cầu nghiêng về phía có lợi cho Mỹ, khi nước này đang phải vật lộn với tình trạng mất cơ sở sản xuất, nợ gia tăng và thâm hụt thương mại 1,2 nghìn tỷ USD", Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức thị trường vốn Thái Lan (FETCO) Kobsak Pootrakool cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia thương mại quốc tế Aat Pisanwanich lưu ý rằng Mỹ cũng lo ngại về các biện pháp phi thuế quan và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.
Ông cảnh báo rằng phản ứng chậm chạp của Chính phủ Thái Lan đối với chương trình nghị sự thương mại của Mỹ khiến Thái Lan dễ bị tổn thương trước thuế quan của Mỹ và tác động rộng hơn của sự suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia này cũng dự đoán về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và dòng chảy hàng hóa Trung Quốc đổ vào Thái Lan.
"Xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ và các thị trường toàn cầu có thể giảm từ 700 tỷ đến 1 nghìn tỷ baht trong năm nay", Aat cảnh báo.
The Nation đưa tin, các nhà kinh tế tham dự hội nghị đã thúc giục Thái Lan đàm phán với Mỹ để tìm kiếm lợi ích chung, đồng thời cũng tìm kiếm các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.
Chuyên gia Aat cũng đề xuất Thái Lan nhập khẩu một số hàng hóa và công nghệ nhất định từ Mỹ, chẳng hạn như đậu nành, ngô, lúa mạch và thịt… để giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ; đồng thời, Thái Lan nên đẩy nhanh xuất khẩu hơn 1.000 sản phẩm vẫn được Mỹ miễn thuế.
"Thái Lan nên tập trung nhiều hơn vào đàm phán thay vì chỉ tập trung vào thuế quan", Chủ tịch FETCO Kobsak nói. Ông cho biết thêm rằng Mỹ muốn giải quyết những lợi ích rộng lớn hơn thông qua đàm phán ngoài việc miễn thuế.
Kobsak cũng cảnh báo rằng Thái Lan có thể chịu áp lực phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị; do đó, sự chuẩn bị là rất quan trọng để giúp Thái Lan duy trì lập trường trung lập và tăng cường khả năng phục hồi kinh tế.
Amonthep Chawla - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng CIMB Thai - cho biết Thái Lan cũng phải giải quyết những lo ngại về nguồn gốc sản phẩm, vì Mỹ nghi ngờ ASEAN đang đóng vai trò là trung tâm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc nhằm mục đích trốn thuế.
Mặc dù xuất khẩu của Thái Lan đã tăng hơn 10%, Amonthep lưu ý rằng năng suất và trình độ lao động của nước này không có nhiều cải thiện.
(Theo The Nation)