clock

Thế Giới

06:16 10-12-2015

OPEC đang làm rất tốt công việc của... các ngân hàng trung ương

Những ngân hàng trung ương trên thế giới đã nhận được sự trợ giúp không ngờ tới từ... các nước xuất khẩu dầu.

Theo hãng tin Bloomberg, việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đưa ra gói kích thích kinh tế thấp hơn so với kỳ vọng của nhà đầu tư và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất khiến giá dầu trở thành yếu tố hỗ trợ chính cho nhiều nền kinh tế khi xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua.

Mới đây, giá dầu thô Mỹ WTI đã xuống 40 USD/thùng sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sảm lượng, mức suy giảm mạnh so với mức đỉnh 107,73 USD/thùng vào tháng 6/2014 và 62,58 USD/thùng vào tháng 5/2015.

Nhiều tổ chức tài chính như UniCredit Group, Commerzbank hay Societe Generale đều cho rằng giá dầu thấp sẽ thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng cũng như các công ty trong năm 2016 khi những biện pháp kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương lớn không thực sự đem lại nhiều hiệu quả.

Giá dầu thấp sẽ khiến người tiêu dùng tiết kiệm được một khoản tiền và tạo tâm lý lạc quan trong nền kinh tế, qua đó có thể thúc đẩy chi tiêu, điều mà nhiều ngân hàng trung ương đang nhắm tới.

Theo ước tính của Societe Generale, giá dầu cứ giảm 10 USD thì nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng thêm 0,1 điểm phần trăm. Từ năm 2014 đến nay, kinh tế thế giới đã được hưởng lợi 2% GDP nhờ giá dầu giảm.

Quyết định không giảm sản lượng của OPEC đang khiến nhiều quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu dầu phải lao đao, nhưng người tiêu dùng ở nhiều nước khác lại được hưởng lợi từ giá nhiên liệu rẻ.

Ngân hàng UniCredit cho rằng dù giá dầu thấp khiến một số ngân hàng trung ương gặp khó trong việc nâng tỷ lệ lạm phát nhưng nguyên nhân chính của tình trạng này là do yếu tố cung chứ không phải cầu.

Vì vậy, thu nhập của người tiêu dùng vẫn sẽ gia tăng nhờ giá xăng giảm, qua đó kích thích mua sắm, chi tiêu cũng như hỗ trợ khôi phục lại nền kinh tế.

Thông thường, chính phủ sẽ có những biện pháp cắt giảm thuế, kích thích người dân vay nợ và chi tiêu để thúc đẩy kinh tế. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc giảm giá nhiên liệu có hiệu quả tương đương với sự cắt giảm thuế mà không làm gia tăng tỷ lệ vay nợ, qua đó kích thích tiêu dùng và khiến giá hàng hóa tăng trở lại.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia lại nhận định giá dầu thấp đã không thành công trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Hãng VTB Capital nhận định giá dầu giảm mạnh đã khiến nhiều công ty khái thác dầu đá phiến Mỹ phải cắt giảm ciệc làm cũng như đầu tư.

Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng Mỹ lại quyết định tiết kiệm khoản tiền lời thu được từ giá nhiên liệu thấp thay vì chi tiêu.

Điều này tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn khi giá dầu thấp khiến công ty giảm đầu tư do lợi nhuận giảm, qua đó tiếp tục giảm sản lượng và ảnh hưởng ngược trở lại doanh thu.

Ngoài ra, Deutsche Bank cũng cho rằng giá dầu thấp đang khiến ECB phải đau đầu trong việc duy trì mục tiêu 2%. Vào năm 2016, nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp thì tổ chức này sẽ gặp áp lực trong việc có tăng cường kích thích kinh tế hay không.

Bên cạnh đó, hãng Oxford Economics nhận định giá dầu thấp có thể là nguyên nhân chính nếu FED quyết định không tăng lãi suất quá nhanh trong năm 2016.

Bất chấp những nhận định không tích cực trên, ngân hàng DBS vẫn cho rằng giá dầu thấp không phải là yếu tố tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Giá dầu được dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2016 và khi đó, người tiêu dùng sẽ tăng cường chi tiêu mạnh hơn.

 

Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg