clock

Giáo Dục

07:10 18-11-2015

Phân biệt giàu nghèo: Vấn nạn mới trong giáo dục trẻ em

Việc những đứa trẻ nghèo khó học chung với con cái của các gia đình khá giả là một thực tế phổ biến suốt nhiều năm nay tại Việt Nam. Với nền giáo dục hiện tại, gần như điều này là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, nếu như trước đây sự chênh lệnh giàu nghèo không quá nặng nề và ảnh hưởng thì ngày nay, giá trị vật chất đã hằn sâu vào tâm hồn non nớt của trẻ thơ mà nếu không kịp thời nắn chỉnh, sẽ gây ra những hệ lụy khó lường về mặt nhân cách.

Trên thế giới có rất nhiều tranh cãi về việc để cho những đứa trẻ không cùng đẳng cấp tài chính học chung với nhau, thậm chí sống cùng nhau mà không phân biệt khu nhà giàu hay ổ chuột. WB thậm chí đã đầu tư cho dự án này để hạn chế việc học sinh giàu có được học những trường tư, còn những đứa trẻ thiếu thốn chỉ có thể chọn trường công để giảm bớt gánh nặng học phí.

Ngược lại, do hệ thống giáo dục ở Việt Nam với hầu hết là các trường công lập thuộc Bộ GD-ĐT, cộng thêm với tâm lý của phụ huynh “không cho học trường của Việt Nam thì không thi được đại học” nên nếu không có ý định cho con đi du học thì dù nhà giàu đến mấy, các bậc cha mẹ đều muốn con được vào trường công.

Chính vì vậy, chuyện những đứa trẻ đến từ các tầng lớp giàu nghèo khác nhau được dạy dỗ trong một môi trường giáo dục chung là điều hết sức bình thường tại Việt Nam. Nhưng nếu như trước đây Việt Nam vô cùng tự hào về việc tạo nên một sự bình đẳng hóa thì bây giờ, khái niệm bình đẳng cần phải xem xét lại.

Lý lẽ của những người lạc quan

Những lý lẽ này không phải không có lý. Những người theo chủ nghĩa lạc quan luôn nghĩ rằng, khi để những đứa trẻ xuất thân giàu có và bần hàn vui chơi và học tập cùng nhau, bản năng trẻ thơ của chúng sẽ xóa nhòa khoảng cách giai cấp vốn ảnh hưởng bởi người lớn.

Con cái của những gia đình khá giả sẽ học hỏi được thêm nhiều kiến thức mà chỉ có những đứa bé nghèo khó mới có thể dạy chúng, trong đó có việc tự lập. Trẻ em giàu có rất dễ bị nhiễm thói ỷ lại, lười biếng do được nuông chiều và sống trong nhung lụa. Vậy nên, hầu hết mọi người cho rằng nếu được tiếp xúc với những đứa trẻ thiếu thốn hơn về mặt chất, tính cách của chúng sẽ trở nên cân bằng hơn.

Cụ thể, chúng sẽ thấy được rằng những cậu bé, cô bé bằng tuổi mình nhưng đã biết tự chăm sóc bản thân hay thậm chí giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Chúng sẽ hiểu ra rằng những công việc sẽ giúp ích cho mình sau này nếu phải xa rời sự bao bọc của cha mẹ.

Hơn nữa, khi tính cách chưa được định hình và học tập trong môi trường như vậy, những đứa bé giàu có sẽ trở nên hòa đồng, biết cảm thông hơn, không phân biệt giàu nghèo bởi bạn bè của chúng đến từ mọi tầng lớp và đặc biệt không trở nên hư hỏng vì được chiều chuộng quá mức.

Tuy vậy, dường như chỉ có những trẻ em khá giả là có lợi trong lý thuyết này. Nhưng còn những đứa trẻ kém may mắn về mặt vật chất hơn thì sao? Đó mới là thực trạng hiện nay tại Việt Nam.

Khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng

Chừng 10 – 20 năm trước, có lẽ phụ huynh nghe những chuyện này thật xa lạ, vì có chăng cũng chỉ một tỷ lệ rất ít trẻ em nhà giàu hơi cách biệt với bạn bè. Tuy nhiên, mọi chuyện bây giờ đã khác.

Những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn rất dễ rơi vào trạng thái mặc cảm, tự ti khi chứng kiến cuộc sống khác biệt của các người bạn có xuất thân giàu có. Những đứa trẻ khá giả thường được sắm sửa những đồ dùng đắt tiền, bố mẹ đưa đón bằng ô tô hay sống trong những biệt thự rộng rãi.

Hầu hết ý kiến thường cho rằng, trẻ em kết bạn với nhau rất nhanh, chúng vô tư và không để ý đến khoảng cách đó. Nhưng thực tế, chúng mới là đối tượng nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất. Khi nhìn thấy những món đồ đẹp hơn, lộng lẫy hơn, những đứa bé sẽ không thể tránh khỏi cảm giác ghen tỵ hay buồn bã.

Rất nhiều phụ huynh hiện nay than thở rằng con của họ trở nên trầm tính hơn, chán đi học và không muốn chơi với các bạn khá giả hơn, thậm chí còn vòi vĩnh họ mua cho những thứ đồ đắt tiền như vậy.

Ở chiều ngược lại, các đứa trẻ giàu có lại tỏ ra phân biệt đối xử với những bạn cùng trang lứa nhưng nghèo khó. Chúng cũng chỉ thích chơi với nhau và khinh thường những người bạn khác.

Lỗi tại cha mẹ hay hệ thống giáo dục?

Xét về gốc rễ vấn đề, việc chênh lệnh giàu nghèo trở nên đáng báo động trong xã hội chính là hệ lụy không thể tránh khỏi khi nền kinh tế ngày càng phát triển. Hệ thống giáo dục, các bậc phụ huynh hay những đứa trẻ của họ chỉ là nạn nhân của vấn nạn này.

Tuy nhiên, có không ít những trường hợp bố mẹ làm hư con cái bằng cách gieo vào đầu óc non nớt của chúng suy nghĩ phân biệt giàu nghèo một cách vô tình mà chính bản thân họ cũng không hề hay biết. Chúng ta đang sống trong xã hội đề cao chủ nghĩa vật chất, chính điều này mang đến cho trẻ những thói quen xấu.

Vài câu nói đùa, vài tư tưởng hơi “phân biệt” của người lớn hoặc cách cư xử không phù hợp sẽ khắc sâu vào tâm hồn non nớt của con cái, khiến chúng bị ảnh hưởng. Điều này thật ra là một thiệt thòi với trẻ em, vì nếu lớn lên với nhân cách “lệch lạc”, đánh giá tình bạn chỉ qua… vật chất như thế, những đứa bé sẽ khó có được những tình bạn đẹp, sẽ dần trở nên ích kỷ, nghĩ đến nhận nhiều hơn đến cho.

Một số lại cho rằng chính hệ thống giáo dục tại Việt Nam mới là thủ phạm khi duy trì mức học phí và các chi phí khác phù hợp cho cả hai đối tượng giàu nghèo theo học, do đó mới gây ra tình trạng này. Vậy đã đến lúc, ngành giáo dục cần thay đổi để hạn chế thực trạng này hay chưa?

Trên thế giới hiện nay, đặc biệt là tại Anh và Mỹ, một trong những vấn đề đáng báo động tại học đường chính là việc tỷ lệ trẻ em nghèo bỏ học, sa đà vào các tệ nạn, tội phạm do bị ảnh hưởng bởi tâm lý tự ti, mặc cảm khi học chung với học sinh giàu có đang tăng rất cao.

Đặc biệt, dự án này mang tên “social mixing” với mục đích đưa những trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khác biệt sinh sống và học tập cùng nhau được WB hỗ trợ nhưng lại mang đến những kết quả không mấy khả quan.

Tình hình tại Việt Nam tuy chưa nghiêm trọng đến vậy, nhưng nhìn vào thực tế này sẽ dấy lên không ít nghi ngờ, rằng hệ thống giáo dục hay cách dạy dỗ con cái như thế nào mới hợp lý trong bối cảnh vật chất chi phối mọi thứ quá nhiều như hiện nay?

 

Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp