clock

Trong Nước

07:01 29-12-2015

Phía sau những cam kết “tỷ đô”

Như vậy là dự án giấy Cheng Loong Bình Dương đã trở thành dự án FDI có vốn “tỷ đô” thứ 3 được cấp phép trong năm 2015.

Số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đăng ký lên tới hàng tỷ USD vẫn tiếp tục tăng lên, nhưng đó đã thực sự là một tin vui cho nền kinh tế?

Sau nhiều năm dẫm chân tại chỗ, Dự án Thép Guang Lian (Quảng Ngãi) đã chính thức phá sản do không thể thu xếp tài chính

Như vậy là dự án giấy Cheng Loong Bình Dương đã trở thành dự án FDI có vốn “tỷ đô” thứ 3 được cấp phép trong năm 2015.

Sau niềm vui ngắn…

Mới được cấp phép đầu tháng 12 với số vốn đầu tư đăng ký là 1 tỷ USD, Tập đoàn Cheng Loong (Đài Loan) sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất giấy có công suất hàng năm là hơn 1 triệu tấn. Cheng Loong hiện có 29 nhà máy sản xuất bao bì giấy trên thế giới và chuyên cung cấp cho các tập đoàn lớn như Apple, Nike… Tập đoàn này cũng đã có hai nhà máy tại Việt Nam và nay mong muốn mở rộng đầu tư ở VN.

Trước Cheng Loong, Cty Samsung Display đã đăng ký đầu tư thêm 3 tỷ USD vào dự án sản xuất tại Bắc Ninh, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên tới 4 tỷ USD.Và Cty Janakuasa Sdn. Bhd của Malaysia cũng đã nhận được giấy phép đầu tư một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,4 tỷ USD tại Trà Vinh.

Từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp và năng lượng cho tới lĩnh vực bất động sản, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký hàng chục dự án có quy mô lớn hơn 1 tỷ USD vào VN trong suốt một thập kỷ qua. Những dự án đó, đã góp phần làm đẹp bản báo cáo thành tích thu hút vốn FDI trực tiếp hàng năm, và đưa VN trở thành một trong những điểm hấp dẫn trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác.

…là nỗi lo dài

Nhưng đằng sau sự hào nhoáng đó, những lời cam kết hoành tráng và những tiếng vỗ tay vào thời điểm trao giấy chứng nhận đầu tư, lại là sự im lặng đáng sợ ở nhiều dự án khiến chính quyền địa phương đau đầu, còn người dân thì bức xúc.

Nằm dọc theo bờ biển ở một trong những vị trí đắc địa tại thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án tổ hợp khách sạn và khu du lịch giải trí Saigon Atlantis có diện tích gần 300 ha đang trở thành điểm bức xúc của nhiều người dân địa phương. Được cấp phép từ năm 2007 với vốn đầu tư ban đầu là 300 triệu USD, đến năm 2009 nhà đầu tư là Cty Winvest Investment LLC (Mỹ) đã đăng ký tăng vốn đầu tư lên 4 tỷ USD.

Tuy nhiên, đã 8 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án bất động sản này vẫn “bất động”. Lý do nhà đầu tư đưa ra là chính quyền địa phương chậm bàn giao mặt bằng. Nhưng vào thời điểm năm ngoái 215 ha trong tổng số 297 ha đất dự án đã được giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư vẫn không có động thái triển khai dự án. Đến lúc này, lý do được đưa ra là nhà đầu tư muốn trả tiền thuê đất theo giá năm 2007, thay vì giá tính vào thời điểm mặt bằng được bàn giao.

Cũng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dự án hóa dầu Long Sơn có tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD đang gặp một trở ngại lớn và có khả năng sẽ tiếp tục bị trì hoãn sau 7 năm nằm trên giấy. Đó là tập đoàn Qatar Petroleum, một trong ba đối tác góp vốn vào dự án tháng 9 vừa qua đã tuyên bố sẽ rút vốn khỏi dự án ngay trước khi dự án được triển khai. Động thái này của Qatar Petroleum đã đặt hai đối tác còn lại là tập đoàn SCG (Thái Lan) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào thế bí, vì sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn bổ sung. Quan trọng hơn, sự ra đi của Qatar Petroleum cũng có nghĩa là dự án hóa dầu

Long Sơn có thể sẽ phải đối mặt với việc thiếu nguồn cung nguyên liệu dài hạn. Hiện vẫn chưa biết bao giờ dự án có thể triển khai và đối tác nào sẽ tiếp quản lại 25% cổ phần mà Qatar Petroleum để lại.

Có thể kể đến những dự án tương tự như dự án lọc hóa dầu Vũng Rô với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, dự án khu du lịch Nam Hội An trị giá 4 tỷ USD do tập đoàn VinaCapital và mới đây là tập đoàn Chow Tai Fook (Macao) cũng đã tham gia vào, dự án khu du lịch New City vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Phú Yên, dự án giấy Lee & Man hơn 1,2 tỷ USD tại Hậu Giang và dự án sắt xốp Kobeco có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD tại Nghệ An. Tất cả các dự án kể trên đều đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhiều năm, nhưng tốc độ triển khai rất chậm hay thậm chí là chưa triển khai gì.

Đằng sau những cam kết hoành tráng vào thời điểm trao giấy chứng nhận đầu tư là sự im lặng đáng sợ ở nhiều dự án khiến chính quyền địa phương đau đầu, còn người dân bức xúc.

Hệ lụy cho địa phương

Dù sao, với các dự án kể trên, nhà đầu tư cũng đã bỏ ra một khoản tiền để hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện đền bù và giải phóng mặt bằng. Và ít nhất, nhà đầu tư vẫn giữ cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, dù đã nhiều năm trì hoãn. Nhưng cũng có không ít dự án nhà đầu tư đã ra đi, bỏ lại sau lưng những lời cam kết và những mảnh đất trống không đã được giải phóng mặt.

Điển hình nhất gần đây là dự án tổ hợp cảng nước sâu và nhà máy thép Quảng Liên (Guang Lian) tại Quảng Ngãi, vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Nhận giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2006, sau nhiều lần tăng vốn và tìm kiếm đối tác đầu tư, giữa năm nay tập đoàn E-United của Đài Loan hiện đang nắm cổ phần lớn của dự án đã tuyên bố không đủ khả năng tài chính để tiếp tục dự án.

Việc E-United tuyên bố từ bỏ dự án đã khiến chính quyền tỉnh Quảng Ngãi rơi vào tình thế khó xử bởi nhà đầu tư cũng đã bỏ một phần tiền cho giải phóng mặt bằng, đóng một số cọc xử lý nền móng. Hiện có thông tin cả hai tập đoàn trong nước là Hòa Phát và Hoa Sen đều muốn tiếp nhận lại dự án Guang Lian, nhưng số phận tiếp theo của dự án vẫn chưa được định đoạt.

“Việc nhiều dự án “tỷ đô” từng được ca ngợi khi đăng ký trước đây, như dự án thép Quảng Liên ở Quảng Ngãi vừa nói lời chia tay, hay một số dự án bất động sản “tỷ đô” chiếm giữ hàng trăm ha đất bỏ không trong nhiều năm ở nhiều địa phương là những ví dụ về tác động trái chiều của các dự án “tỷ đô”, thậm chí để lại nhiều hệ lụy mà địa phương phải giải quyết trong nhiều năm” – ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nhận xét trong một bài viết gửi báo chí gần đây.

Phân loại, hậu kiểm

Tất nhiên, không thể vì những dự án chất lượng kém mà không thu hút những dự án FDI quy mô lớn. Thực tế cho thấy vẫn có nhiều dự án FDI “tỷ đô” được triển khai tốt, như các dự án đầu tư của Samsung Electronics, dự án của LG Electronics hay dự án sản xuất lốp xe Bridgestone tại Hải Phòng.

Giải pháp để ngăn ngừa dự án kém chất lượng, theo ông Thắng, là “cần phân loại dự án, đặc biệt là các dự án “tỉ đô” theo ba màu xanh, đỏ và vàng.

Xanh là loại dự án FDI thực hiện đúng cam kết, vàng là các dự án FDI có vướng mắc cần được hỗ trợ, và đỏ là loại dự án FDI cần được tập trung hỗ trợ đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, xử lý các hậu quả nếu có. Chậm nhất là sáu tháng sau khi dự án hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành, các chủ dự án FDI phải có báo cáo đánh giá về vốn thực tế đã thực hiện để điều chỉnh lại giấy chứng nhận đầu tư đã cấp, làm cơ sở cho hạch toán, kiểm toán, kế toán sau này.

“Việc phân loại này sẽ giúp công tác hậu kiểm tốt hơn, nắm chắc hơn được tình hình, kịp thời có được các giải pháp hỗ trợ DN” – ông Thắng khẳng định.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp