clock

Trong Nước

01:24 04-09-2019

Phía sau việc quy mô GDP Việt Nam vượt 300 tỷ USD là gì?

Sau khi đánh giá lại, Tổng cục Thống kê cho biết GDP của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2017 đã tăng thêm 25,4%. Đây là quá trình tính toán chi tiết đến 88 ngành trong gần 1 năm.

Quy mô kinh tế Việt Nam tính đến cuối năm 2017 đạt 220 tỷ USD. Nếu theo con số mới, quy GDP sẽ tăng thành 275 tỷ USD.

Nếu tính cả tốc độ tăng trưởng của năm 2018 và 6 tháng của năm 2019, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt 300 tỷ USD. GDP bình quân đầu người cũng tăng thêm 400 USD, chạm ngưỡng 3.000 USD/người.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết trong quá trình đánh giá lại quy mô của nền kinh tế đã bổ sung thêm 76.000 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó, tập trung chủ yếu là khu vực dịch vụ.

Việc đánh giá lại GDP được ông Lâm nhận định là phản ánh xác thực lại quy mô, năng lực của nền kinh tế. Theo đó, tạo ra mức đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.

"Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao", ông nói.

Khi GDP được tính toán chính xác cho phép các nhà hoạch định đưa ra các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được xác thực hơn, phản ánh rõ ràng hơn chất lượng tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, theo ông Lâm.

Đại diện cho Tổng cục Thống kê cũng cho rằng việc đánh giá lại quy mô GDP không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Ngược lại những đánh giá tích cực từ phía Tổng cục Thống kê, các chuyên gia lại đưa ra những nhận định khác.

Chia sẻ với báo giới, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của VEPR cho rằng những điều chỉnh như trên không có ý nghĩa với hiện tại. "Bản chất nền kinh tế đã diễn ra như thế nào thì sẽ vẫn như vậy. Tuy nhiên, những tác động đến tương lai mới là điều mà tôi lo ngại", ông nói.

Các chỉ tiêu kinh tế neo vào GDP theo ông Thế Anh sẽ có thay đỏi tích cực. Ví dụ như nợ công từ ngưỡng 58,4% về dưới 50%, hay tỷ lệ nợ nước ngoài sẽ giảm dưới 40%. Dù vậy, khi quy mô GDP tăng lên, Việt Nam có khả năng nới rộng dư địa chi tiêu, đầu tư và vay nợ.

Ông Thế Anh lưu ý đến nếu Việt Nam tăng chi tiêu, tăng vay nợ nhưng không hiệu quả, gánh nặng với nền kinh tế sẽ rất lớn.

Ông Cấn Văn Lực chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng việc đánh giá lại nền kinh tế cần đi kèm với điều chỉnh các giới hạn chỉ tiêu căn cứ theo GDP.

Ông lưu ý rằng khi quy mô kinh tế tăng tới 25,4%, nếu không điều chỉnh các giới hạn, con số tuyệt đối có thể gia tăng quá nhanh. Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần có sự điều chỉnh hợp lý các chỉ tiêu để mức trần tính theo số tuyệt đối có thể tăng nhưng không gây ra sự mất cân bằng.

 
 

theo Nhịp Sống Việt