clock

Trong Nước

08:15 17-03-2021

Phổ cập 5G đến nơi, điện thoại cục gạch vẫn sống khoẻ tại Việt Nam

Điện thoại phổ thông vẫn chiếm gần 40% thị phần di động tại Việt Nam trong năm 2020.

Nếu có thời gian ghé thăm một vài siêu thị di động lớn, bạn sẽ bất ngờ với số lượng điện thoại phổ thông bán ra và càng bất ngờ hơn nếu biết hiện vẫn có khoảng 50 mẫu di động "cục gạch" đang được bán ra trên thị trường.

Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), cả nước hiện còn 58,68 triệu thuê bao di động chỉ dùng dịch vụ thoại và nhắn tin trên tổng số 132,52 triệu thuê bao – chiếm khoảng 44%.

Nếu trừ đi lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) nhưng không truy cập dữ liệu di động, con số này khá trùng khớp với tỷ lệ điện thoại phổ thông bán ra tại Việt Nam - gần 40%.

Điện thoại di động cục gạch vẫn sống khoẻ

Được xem là một trong những thị trường có tốc độ phổ cập smartphone nhanh nhất trong khu vực, khá ngạc nhiên là doanh số điện thoại di động cục gạch tại Việt Nam vẫn ổn định qua các năm.

Không sôi động như smartphone nhưng các mẫu di động cục gạch vẫn liên tục được cập nhật, mang đến hàng loạt lựa chọn cho người dùng trong nước.

Trong số các thương hiệu điện thoại cục gạch tại Việt Nam, các sản phẩm của Nokia vẫn được ưa chuộng nhất.

Theo thống kê của GfK, điện thoại Nokia luôn chiếm mức thị phần trên 55% trong tổng số các mẫu di động cục gạch bán ra, đứng thứ 2 là thương hiệu Masstel với khoảng hơn 20% thị phần, thứ 3 là Itel, xấp xỉ 10%.

Phổ cập 5G đến nơi, điện thoại cục gạch vẫn sống khoẻ tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nokia 105 (2019) là di động phổ thông bán chạy nhất tại Việt Nam.

Mẫu di động bán chạy nhất thuộc nhóm phổ thông cũng thuộc về Nokia với mẫu 105, giá từ 360.000 đồng. Masstel có một số sản phẩm bán chạy là Fami P20 Dual (546.000 đồng), IZI 300 (395.000 đồng) trong khi Itel chiếm top 3 thị phần với các sản phẩm như Value 100 (166.000 đồng), IT 2590 (384.000 đồng).

Có thể thấy, hầu hết các mẫu di động cục gạch bán chạy nhất thị trường đều có mức giá khoảng 500.000 đồng trở xuống. Dễ sử dụng, giá rẻ, pin "trâu" là những lý do chính khiến điện thoại cục gạch vẫn được ưa chuộng tại Việt Nam.

"Tại Việt Nam, vẫn còn một lượng lớn những người không biết, hoặc không thích sử dụng điện thoại thông minh.

Đó có thể là nhóm người lớn tuổi, hoặc những người cần một chiếc điện thoại phụ với pin khoẻ, sóng tốt, khả năng nghe gọi ổn định dùng làm máy phụ. Do đó, điện thoại cục gạch vẫn là ưu tiên hàng đầu của họ" – anh Tuấn Hưng – người theo dõi thị trường di động nhiều năm qua cho biết.

Trong số các di động "cục gạch" đang bán tại Việt Nam, mẫu rẻ nhất có giá chỉ 160.000 đồng. Máy vẫn sở hữu đầy đủ các tính năng quan trọng như màn hình màu QVGA, camera VGA, hỗ trợ thẻ nhớ MicroSD tối đa 8 GB, danh bạ 200 số, 2 SIM và pin 800 mAh.

Mặc dù vậy, vẫn có những lo ngại cho tình hình phát triển điện thoại cục gạch tại Việt Nam. Tháng 11/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã đề xuất mục tiêu tắt sóng 2G trong năm 2022. Điều này đồng nghĩa, các mẫu di động cục gạch sẽ không còn hạ tầng mạng để sử dụng.

Khi điện thoại cục gạch hết "cục gạch"

Thực tế, lộ trình cắt sóng 2G, 3G đã được bàn đến tại Việt Nam từ lâu. Do đó, các nhà sản xuất đủ thời gian để xây dựng kế hoạch, phát triển sản phẩm nhắm vào đối tượng người dùng phổ thông.

Phổ cập 5G đến nơi, điện thoại cục gạch vẫn sống khoẻ tại Việt Nam - Ảnh 2.

Tích hợp 4G cho điện thoại phổ thông là cách để duy trì dòng sản phẩm này trên thị trường sau khi tắt sóng 2G.

Nokia là hãng tiên phong giới thiệu những chiếc di động phổ thông hỗ trợ kết nối 4G tại Việt Nam với các sản phẩm như Nokia 215 4G, Nokia 6300 4G hay Nokia 8000 4G.

Trở ngại lớn nhất là giá bán của các sản phẩm này còn cao, chẳng hạn mẫu Nokia 125 4G có giá 750.000 đồng, hay mẫu đắt nhất là Nokia 8000 giá lên đến 1.790 triệu đồng – cao hơn cả một số smartphone phổ thông.

Tuy nhiên, đó là khi nhu cầu cho các sản phẩm này chưa thực sự lớn. Đến thời điểm tắt sóng 2G, nhu cầu điện thoại phổ thông có kết nối 4G tăng lên, chắc chắn các hãng sản xuất khác sẽ tham gia, đồng thời hạ giá sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.

Do đó, sức mua điện thoại cơ bản trong tương lai nhiều khả năng sẽ giảm nhưng có thể khẳng định, các sản phẩm này vẫn có chỗ đứng nhất định tại thị trường Việt Nam.