clock

Tài Chính

09:39 05-10-2022

Quả tạ rủi ro treo trên sàn chứng khoán?

Ngày 4-10, VN-Index rớt xuống mốc 1.078 điểm, thấp nhất kể từ đầu tháng 2-2021 đến nay. Từ đầu năm, VN-Index giảm tới 30% và vẫn chưa dò thấy đáy.

Ông PHAN LÊ THÀNH LONG

Áp lực toàn cầu

Các yếu tố vĩ mô tháng 9 và đầu tháng 10 này không hỗ trợ thị trường chứng khoán. Điển hình là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,75 điểm phần trăm để hãm lạm phát. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng phải tăng lãi suất điều hành 1%.

Sức ép về tỉ giá VND/USD hiện cũng rất lớn khi giá đồng USD trên thị trường tự do liên tục leo thang. Nhằm kiềm chế lạm phát, kiềm chế sự mất giá và ổn định đồng tiền Việt Nam, giữ được dòng vốn FDI và vốn đầu tư gián tiếp tại Việt Nam, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành, hút lượng tiền lớn về.

Tiếp đến, diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (Mỹ) bị sụt giảm hơn 10%.

Đặc biệt, nỗi sợ về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như năm 2008 lặp lại, khi một ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ là Credit Suisse có nguy cơ phá sản, đã "thổi bay" hàng ngàn tỉ USD trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Đó cũng là tác nhân khiến VN-Index giảm hơn 45 điểm trong phiên đầu tiên của tháng 10.

Dù vậy, cần lưu ý mặc dù Lehman Brothers (Mỹ) là một ngân hàng đầu tư lớn bậc nhất thế giới, phá sản vào ngày 15-9-2008 (trở thành giọt nước tràn ly gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008), nhưng cùng ngày đó, một ngân hàng đầu tư khác còn lớn hơn là Merrill Lynch cũng "ra đi", nhưng được chính phủ cứu.

Trên thực tế Lehman Brothers phá sản mà không được cứu vì đã gian lận. Với Credit Suisse, giới phân tích ước tính để đảm bảo thanh khoản họ cần huy động khoảng 5 tỉ USD. CEO của ngân hàng này đã lên tiếng trấn an thị trường rằng ngân hàng vẫn ổn, giúp chỉ số chứng khoán Dow Jones bật tăng trở lại.

Nhìn chung, một ngân hàng có quy mô tổng tài sản tới 800 tỉ USD như Credit Suisse, tức cao gấp hơn 2 lần GDP Việt Nam, khả năng phá sản không cao.

Cơ hội làm giàu luôn có

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều điểm tựa cho sự tăng trưởng. Vì trong đại dịch COVID-19, Chính phủ đã không bơm quá nhiều tiền như các nước phát triển. Nhiều nước suy thoái nhưng GDP của Việt Nam vẫn tạm thời ở mức tích cực, tăng lũy kế 8,83% trong chín tháng nay.

Trong bối cảnh hiện tại, nếu nhà đầu tư muốn nay mua cổ phiếu mai kiếm lời thì rất khó. Nhưng về dài hạn, thị trường giảm sâu cũng chính là cơ hội hiếm có cho nhà đầu tư dài hạn.

Thực tế, phần lớn những người dùng tiền để ôm cổ phiếu ngay sau khủng hoảng 2008 - 2009, giờ đã trở thành triệu phú USD. Bởi đáy thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 2-2009 là 235 điểm, nhưng đến gần cuối năm tăng lên hơn 600 điểm.

Nhiều cổ phiếu còn tăng gấp nhiều lần. Hay kể cả trong đợt dịch COVID-19 ở hai năm 2020 và 2021 cũng chứng kiến các đợt giảm sâu và hồi phục tăng mạnh.

Nhiều nhà đầu tư chứng khoán không khỏi lo lắng trước nguy cơ VN-Index sẽ về dưới mốc 1.000 điểm, cách xa dần kỷ lục 1.528 điểm hồi đầu năm 2022.

Nhiều thách thức phía trước

Dự đoán năm 2023, sức ép lạm phát còn lớn hơn năm 2022, chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn được duy trì, giá đồng USD dễ tiếp tục tăng, khiến đồng Việt Nam có thể tiếp tục bị mất giá. Dòng tiền ngoại xu hướng sẽ chảy qua nơi đồng tiền có giá trị tốt hơn để hưởng lợi, điều này cũng gây nên sức ép cho chứng khoán Việt Nam.

Trong lúc chưa xác định được đáy, nhà đầu tư cần cân đối giữa tài sản rủi ro như cổ phiếu, bất động sản, với tài sản an toàn như tiền gửi, trái phiếu. Riêng cổ phiếu thì cần ưu tiên nhóm phòng thủ (ngành điện nước, công nghệ, y tế...) và hạn chế nhóm rủi ro/nhạy cảm với thị trường tài chính (bất động sản, chứng khoán, ngân hàng).
Xem thêm: 
Mỹ xử phạt nghệ sĩ 1,3 triệu USD vì quảng cáo tiền ảo, Việt Nam thì sao?

Theo Tuổi Trẻ