clock

Trong Nước

07:19 19-01-2016

Quỹ bình ổn: Buông xăng dầu, điện áp dụng?

Bộ Công Thương đang đề xuất xây dựng quỹ bình ổn đối với giá điện. Như vậy, Việt Nam sẽ có thêm quỹ bình ổn giá điện trong khi tính hiệu quả của quỹ bình ổn xăng dầu vẫn là đề tài gây tranh cãi. Tweet

Sẽ có quỹ bình ổn giá điện

Một điểm đáng lưu ý trong Dự thảo quyết định Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân mới được Bộ Công Thương công bố, Bộ Công Thương sẽ công khai công thức tính giá bán điện bình quân.

Trong đó, giá để làm cơ sở điều chỉnh giá điện này sẽ bao gồm 10 yếu tố cấu thành, gồm tổng chi phí phát điện, tổng doanh thu cho phép khâu truyền tải điện (theo năm); tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện và lợi nhuận định mức; mức trích lập quỹ bình ổn giá điện... Như vậy, bên cạnh quỹ bình ổn giá xăng dầu, Việt Nam sẽ có thêm quỹ bình ổn giá điện.

Bộ Công Thương cũng cho biết, nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Quỹ bình ổn giá điện được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện đã được phân bổ hết.

Dự thảo cũng cho biết, trong trường hợp cần thiết Nhà nước sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác theo quy định để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Thực tế, thời gian vừa qua, việc duy trì quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng dầu đã từng gây bức xúc trong dư luận. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng dầu.

Trong trao đổi với báo chí mới đây của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng từng cho biết, sẽ tiến tới bỏ quỹ bình ổn xăng dầu.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, khi giá xăng dầu được điều hành theo ngày thì không cần đến quỹ bình ổn mà thị trường sẽ quyết định giá mua bán.

Tuy nhiên, trao đổi với BizLIVE, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại cho rằng, bỏ hay duy trì quỹ bình ổn xăng dầu cần xem xét kỹ lưỡng hơn.

"Có một vài người lầm tưởng khi cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu đang không minh bạch nên không cần duy trì vì việc duy trì sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng đây là quan niệm sai lầm. Nên duy trì quỹ bình ổn, từng nguồn hình thành rõ ràng , làm sao thực hiện hợp lý, khi nào thu, khi nào xả”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, bên cạnh đó, việc quản lý như nào cho tốt cũng là vấn đề cần đặt ra. “Đối với quỹ bình ổn giá, nhà nước dùng tiền ngân sách hỗ trợ là vi phạm các cam kết tại FTA Việt Nam đã ký kết nhưng nếu nguồn từ người tiêu dùng đóng góp là không vi phạm. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đóng góp một phần lợi nhuận vào Quỹ bình bình ổn”, ông Long đề xuất.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, rủi ro về giá tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do đó cần sự dự phòng, dự trữ. “Xây dựng quỹ bình ổngiá điện là cần thiết khi các yếu tố đầu vào tăng không muốn tăng giá điện có thể dùng quỹ để hạn chế tăng giá”, ông Long nêu quan điểm.

Doanh nghiệp phải chia sẻ với người dùng

Theo đó, ông Long chỉ ra 3 vấn đề cần xem xét nếu muốn lập quỹ bình ổn giá điên.

Thứ nhất, nguồn hình thành lấy từ đâu. Như xăng dầu lấy từ người tiêu dùng là không hợp lý mà chính ra phải lấy từ người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trích nộp vì hoạt động trên thương trường đối tượng chính là doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng phải trích lập, chia sẻ.

Đối với giá điện nguồn quỹ bình ổn tính vào chi phí giá điện từ đây thực chất là lấy từ người tiêu dùng, tính vào chi phí, giá thành cao, giá bán điện tăng nhưng quan điểm cá nhân của tôi doanh nghiệp có lợi nhuận phải lấy một phần vào đó.

Thứ hai, vấn đề sử dụng và quản lý như thế nào. Giả sử việc sử dụng khi nào tính vào chi phí, khi nào không tính vào chi phí. Có nghĩa trong trường hợp yếu tố khách quan làm tăng giá điện nhiều quá đừng tính vào vội vì nếu lấy chi phí đầu vào tăng đưa vào thêm vô hình chung làm giá điện tăng.

Thứ ba, quản lý làm sao để sinh lời. “Nền kinh tế thị trường tiền không để trong đáy hòm, phải sinh sôi nảy nở nên khẳng định quỹ bình ổn là cần thiết nhưng phải tính toán, xả khi nào, thu khi nào, xử lý sao”, ông Long khẳng định.

Theov Bizlive