clock

Bất Động Sản

07:05 13-11-2015

Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM: Lấy lại danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông”

Theo các chuyên gia quy hoạch, chiến lược phát triển đô thị TP.HCM trong thời gian tới cần cân bằng giữa phát triển lan tỏa và tái phát triển đô thị hiện hữu, xây dựng diện mạo một đô thị hiện đại, xứng tầm trong tương lai.

TP.HCM quyết tâm xây dựng một đô thị hiện đại và bản sắc nhân văn. Ảnh: Ngôn Dân.

"Hoàn thiện" đô thị
Tại Hội thảo khoa học "Quản lý quy hoạch - kiến trúc TP.HCM" mới đây, nhiều chuyên gia trong ngành quy hoạch đô thị cho rằng, trong thời điểm này, TP.HCM cần tiến hành hoàn thiện đô thị. Giống như một công trình thường có hai giai đoạn là "xây thô" và "hoàn thiện". 
Trong thời gian qua, TP.HCM đã trải qua quá trình đô thị hóa nhanh có thể được ví như quá trình "xây thô" đô thị, và đến lúc nào đó phải tiến hành "hoàn thiện". TP.HCM phát triển từ lõi khu trung tâm hiện hữu rộng 930ha, đồng thời cũng đã phát triển lan tỏa qua việc xây dựng các khu đô thị mới như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm... Tuy nhiên, nếu không chủ động đặt yêu cầu hoàn thiện cho từng khu vực cụ thể sẽ không bao giờ thoát khỏi trạng thái... công trường.
TS.KS Võ Kim Cương, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM cho rằng, để thực hiện hoàn thiện đô thị, trước hết phải có chính sách phù hợp, đó là chính sách phân vùng quản lý và chính sách tài chính đô thị. Minh chứng cho chính sách này, các chuyên gia đã dẫn chứng từ kinh nghiệm xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. 
Theo đó, Phú Mỹ Hưng được xây dựng từ nền tảng chưa có gì, nhưng đã định hình được một đô thị hiện đại ngay từ đầu và không ngừng hoàn thiện cho đến ngày nay. Phú Mỹ Hưng cũng là kinh nghiệm quý báu cho chính sách tài chính đô thị. Đây là một khu đô thị hiếm hoi do tư nhân xây dựng, tất cả nguồn vốn đều được huy động từ bên ngoài vốn nhà nước, nhà đầu tư tự chủ về tài chính, qua đó chủ động hơn cho quá trình hoàn thiện đô thị. 
Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong số những thay đổi tích cực mà TP.HCM đạt được trong mấy chục năm qua, có tác dụng thay đổi cấu trúc nền tảng, góp phần xoay chuyển vị thế và khẳng định đẳng cấp của thành phố đó là sự hiện diện của khu đô thị hiện đại này. Đây cũng được xem là thành công rõ nét nhất của TP.HCM cho chiến lược quy hoạch, phát triển đô thị trong hơn 20 năm qua.
Hướng Đông: Mũi nhọn đô thị
TS.KTS Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, theo quy hoạch vùng TP.HCM đã được phê duyệt, TP.HCM là đô thị trung tâm và phát triển kết nối với nhiều hướng theo mô hình trục kết hợp vành đai các đô thị vệ tinh.
Theo đó, hướng Đông sẽ phát triển tiếp nối với hai trục chính, đó là: trục hướng Đông kết nối với TP.Biên Hòa, sân bay quốc tế và đô thị mới Long Thành hướng ra đô thị Dầu Giây (Đồng Nai); hướng Đông Nam kết nối với các đô thị công nghiệp với quy mô lớn như Nhơn Trạch, Phú Mỹ kéo dài tới các đô thị du lịch và dịch vụ như Bà Rịa, Long Hải, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Để phát triển TP.HCM theo hướng mũi nhọn trên, TS.KTS Lê Văn Năm cho rằng, cần tập trung rà soát lại tất cả các đồ án quy hoạch và các dự án đầu tư đang được triển khai, đánh giá kỹ các nội dung chuyên môn để rút ra những thuận lợi, thành công cũng như những nội dung còn bất cập. Trên cơ sở đó, cân nhắc gia tăng quy mô dân số để tương ứng với tỷ lệ sử dụng đất. Cân đối chung 3 quận (Thủ Đức, quận 2, quận 9), phát triển đô thị nén theo mô hình TOD dựa trên hệ thống giao thông vành đai và xuyên tâm (đang được xây dựng) như Metro, BRT, LRT, Bus, Tramway...
Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ gìn cảnh quan sông nước theo lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tắc và hệ thống kênh rạch toàn khu vực, KTS Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin Quy hoạch TP.HCM cho rằng, TP.HCM có thể nghiên cứu kết hợp tổ chức mô hình đô thị vườn tại các khu vực thấp, trũng như Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (Thủ Đức); Phú Hữu, Phước Long, Long Trường, Trường Thạnh (quận 9)...
Để huy động nguồn lực trong phát triển đô thị, nhiều chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư vào các dự án thương mại - dịch vụ cùng các dự án phát triển đô thị quy mô lớn bằng các cơ chế đặc thù như BT, BOT, PPP, phát hành trái phiếu phát triển đô thị cùng các hình thức khác. Bên cạnh đó, chính sách đầu tư bất động sản cần thông thoáng, cởi mở và hợp lý hơn. Đồng thời, cũng cần có sự góp ý từ các tỉnh lân cận có liên quan như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân tham quan mô hình khu đô thị mới. Ảnh: Ngôn Dân. 
Làm gì để lấy lại uy danh?
Đứng trước sức ép phát triển đô thị trong thời gian tới, TP.HCM phải không ngừng định hình một "chân dung đô thị" mới. Để làm được điều này, cần sự chung sức giữa nhà nước và người dân, đồng thời giải quyết hài hòa về lợi ích chung và riêng giữa chính quyền đô thị và chính quyền địa phương, giữa nhà đầu tư và người dân, giữa lĩnh vực đầu tư công và đầu tư tư nhân... 
Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch kiến trúc có khoảng 30 năm kinh nghiệm quốc tế thì giải quyết hài hòa mối tương quan trên còn là một thách thức lớn đối với TP.HCM trong bối cảnh hiện nay.
Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên, "chân dung đô thị" TP.HCM cần hướng tới hai mục tiêu: hiện đại và bản sắc nhân văn. Đối với mục tiêu hiện đại, cần phải nghiên cứu xây dựng hệ chỉ tiêu, tiêu chuẩn xác định trình độ "hiện đại" mà thành phố muốn vươn tới là gì trong vài ba chục năm tới. Từ đó, đề ra hệ giải pháp cần làm gì và làm như thế nào để đạt được mục tiêu đó.
Đối với mục tiêu bản sắc nhân văn, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, điều này phải được nghiên cứu một cách thấu đáo và có trách nhiệm. Đây không phải là công việc của mấy năm hay của mấy người.
Để định hình một "chân dung đô thị" rõ nét, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cho rằng, TP.HCM cần tham khảo một số đô thị trên thế giới đã có bước phát triển vượt bậc trong mấy chục năm qua như Singapore hay Dubai. "Sẽ phải có rất nhiều tuyến giải pháp cụ thể ở tầm chiến lược và chiến thuật", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Thừa nhận TP.HCM chưa đạt được chất lượng của một đô thị phát triển bền vững, có chất lượng sống tốt, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc tổ chức lại quy hoạch trên nền một đô thị cũ là việc làm tuy không phải là mới nhưng hết sức phức tạp, cần một quá trình lâu dài. Do vậy, việc xây dựng quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch là vấn đề rất quan trọng của thành phố hiện nay.
"Trước mắt, để khắc phục những hạn chế, thành phố đang xác định các khu vực phát triển, bố trí các chức năng quy hoạch, chỉnh trang, thiết kế đô thị, bảo tồn cảnh quan, nét đặc sắc của thành phố... Tất cả những vấn đề này đang được chính quyền thành phố nhìn nhận ở tiêu chuẩn cao hơn", ông Nguyễn Hữu Tín khẳng định.
Còn về chiến lược lâu dài, "TP.HCM rất cần những bài học và kinh nghiệm quản lý cũng như sự chia sẻ, hỗ trợ rất nhiều từ Trung ương đến các nhà khoa học, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực", ông Nguyễn Hữu Tín cho hay.

 

Ngôn Dân/ Bizlive