clock

Thị Trường

11:18 14-12-2017

Rau củ miền núi "đổ bộ", bà nội trợ Hà Thành "tranh" nhau mua

Tại các hội chợ vùng miền được tổ chức tại Thủ đô, rất dễ dàng bắt gặp cảnh bà nội trợ xúm xít đứng mua trước quầy hàng rau củ quả miền núi.

Thời gian gần đây, các hội chợ đặc sản vùng miền liên tục được tổ chức tại các trung tâm triển lãm, công viên… trên địa bàn thủ đô Hà Nội. Bên cạnh các mặt hàng gia dụng, thời trang, đặc sản… thì các gian hàng rau củ quả miền núi khá hút khách.

Các sản phẩm quen thuộc có thể kể đến như khoai sọ Mèo, rau cải Mèo, táo dai ngọt Sơn La, bí hương Sơn La, cà chua… Một số sản phẩm khác có bánh chưng nếp cẩm Sơn La, bánh chưng gấc, miến dong đỏ, cơm lam…

Rau củ miền núi ‘đổ bộ, bà nội trợ Hà Thành ‘tranh’ nhau mua  - Ảnh 1.

Cửa hàng thực phẩm miền núi hút khách Hà thành. Ảnh: Lâm Anh

Theo ghi nhận của PV ngày 12/12, mặc dù đã gần 7h tối, nhưng gian hàng các sản phẩm miền núi tại hội chợ đặc sản tại công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn khá đông khách.

Các bà nội trợ Hà Thành tranh thủ thời gian tập thể dục buổi chiều ghé qua hội chợ, đã rất hứng thú với các thực phẩm miền núi.

Chị Hà (Nghĩa Tân, Hà Nội) vừa mua xong 2kg khoai sọ và 2kg cải Mèo, chia sẻ: “Tôi rất thích các thực phẩm đến từ miền núi. Rau ở đây ăn giòn, ngọt, khác hẳn rau đồng bằng. Cả khoai sọ cũng thế, ăn rất thơm và bổ. Hôm nay nhân công viên có tổ chức hội chợ, tôi tranh thủ ghé qua thăm thú và mua:.

Rau củ miền núi ‘đổ bộ, bà nội trợ Hà Thành ‘tranh’ nhau mua  - Ảnh 2.
Rau củ miền núi ‘đổ bộ, bà nội trợ Hà Thành ‘tranh’ nhau mua  - Ảnh 3.
Rau củ miền núi ‘đổ bộ, bà nội trợ Hà Thành ‘tranh’ nhau mua  - Ảnh 4.

Đa dạng các mặt hàng thực phẩm miền núi được bày bán tại hội chợ. Ảnh: Lâm Anh

Còn chị Thanh (sống tại Trần Quý Kiên, Hà Nội) cũng chi ra vài trăm nghìn đồng để mua một số đặc sản vùng cao. “Tôi vừa mua ít miến dong ăn dịp tết, 2 cái bánh chưng để ăn tối và sáng mai. Đặc sản này tôi nghe nhiều rồi nên muốn mua ăn thử. Mấy khi có hội chợ gần nhà bán đồ miền núi tận nơi thế này”.

Theo khảo sát của PV, giá cả các mặt hàng thực phẩm miền núi thường đắt hơn một chút so với hàng dưới xuôi. Đơn cử, khoai sọ Mèo có giá 45 nghìn đồng/kg; rau cải Mèo 25 nghìn đồng/kg; bánh chưng nếp cẩm 35 nghìn đồng/cái, rau mầm đá Hà Giang 45 nghìn đồng/kg, miến dong 120 nghìn đồng/kg.

So với thực phẩm miền xuôi, mức giá này đắt hơn khoảng từ 10 đến 20 nghìn đồng, nhưng vẫn lôi kéo được số đông khách hàng.

“Tôi thường xuyên buôn các mặt hàng nông sản miền núi ở các hội chợ dưới xuôi. Nhận thấy nhu cầu của bà con thành phố khá lớn nên tôi trung thành với mặt hàng này nhiều năm nay. Hầu như hội chợ nào cũng bán hết hàng”, anh T. (chủ một sạp hàng nông sản miền núi) chia sẻ.

 

Theo anh T, các sản phẩm miền núi do trồng tự nhiên, lại mất phí vận chuyển nên giá phải cao hơn, song cũng không phải là quá đắt đỏ nên các bà nội trợ Thủ đô vẫn rất ưa chuộng.

“Hội chợ bán thích nhất những dịp cận Tết. Bà con khi ấy hay tìm mua những món ăn đặc sản nên quầy hàng tôi bán cũng được gọi là ổn”, anh T cho biết thêm.

Theo anh T, anh có mối hàng sẵn trên các tỉnh miền núi, khi nào cần thì gọi điện cho gửi xuống, nên yên tâm không bao giờ khan hàng phục vụ bà con Thủ đô.

Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm liệu có đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, anh T cho biết: "Để được tham gia vào hội chợ, thì nguồn gốc của sản phẩm đã phải được kiểm định an toàn thực phẩm, đủ yêu cầu mới được tham gia, vì vậy bà con không phải lo lắng về chuyện đó.

Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản tôi cũng nhập về từ các cơ sở rau sạch trồng theo tiêu chuẩn Vietgap nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm".

 

theo VietQ