clock

Trong Nước

07:06 02-10-2015

Samsung là hàng Việt: Bộ Công thương đừng ru ngủ

Muốn là hàng Việt Samsung đã tính toán lợi hai đầu. Phía VN có lẽ cũng kỳ vọng làm dày thêm bảng thành tích?

Trả lời câu hỏi “Samsung có phải là hàng Việt” hay không, PGS.TS - Võ Thành Thu cho biết, có 4 lý do để khẳng định: Samsung không phải là hàng Việt.

Là doanh nghiệp Việt nhưng không phải hàng Việt

Trước tiên xét về tính pháp nhân, bà Thu cho biết Samsung là doanh nghiệp Việt Nam. Bà giải thích:

Theo luật đầu tư của Việt Nam, Samsung là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng vẫn mang pháp nhân Việt Nam. Vì, thứ nhất, Samsung vào Việt Nam và được chính các cơ quan quản lý của Việt Nam cấp giấy phép hoạt động, đầu tư.

Thứ hai, doanh nghiệp này hoạt động theo luật của Việt Nam chứ không phải là luật của Hàn Quốc hay Mỹ. Do hoạt động theo theo luật của Việt Nam nên Samsung cũng chịu sự chi phối của hai luật là Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư, tương tự các doanh nghiệp trong nước. Không có sự phân biệt đối xử.

Thứ ba, Samsung là thương hiệu nước ngoài, mang tính chất toàn cầu nhưng tỉ lệ số lượng sản phẩm sản xuất chủ yếu ở Việt Nam. Và chủ yếu là lao động Việt Nam.

Mặc dù vậy, bà Thu cho rằng vẫn không thể gọi Samsung là hàng Việt? Theo bà có mấy lý do sau:

Thứ nhất, Samsung tuy sản xuất tại Việt Nam nhưng chủ đầu tư lại là người nước ngoài. (Trong trường hợp này, gọi Samsung là doanh nghiệp nước ngoài cũng không đúng mà phải gọi Samsung là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vì theo đúng luật pháp đây phải là doanh nghiệp Việt Nam).

Thứ hai, Samsung là doanh nghiệp Việt, có vốn nước ngoài nhưng lợi nhuận lại chuyển về Hàn Quốc.

Thứ ba, khi nói Samsung người tiêu dùng khắp thế giới họ chỉ nghĩ đó là thương hiệu của quốc gia của Hàn Quốc, không ai nghĩ đó là thương hiệu của Việt Nam. Vì vậy, tiền trả quyền bản quyền là rất lớn.

Thứ tư, tỉ lệ nội địa hóa quá thấp, chưa đủ cao. Tính lan tỏa không lớn. Hiện nay, Samsung để sản xuất ra được một sản phẩm Smartphone thì phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu từ nước ngoài.

Chủ yếu là các công ty Trung Quốc cung cấp, Việt Nam chỉ làm gia công. Hơn nữa, tính lan tỏa quá thấp, một số linh kiện sản xuất tại VN nhưng lại do các công ty của Hàn Quốc cung cấp. Vì vậy, giá trị gia tăng Samsung đem lại cho VN là rất thấp. VN chỉ được hưởng lợi từ lao động giá rẻ, công ăn việc làm…

Vì vậy, việc các chuyên gia kinh tế phản đối gọi Samsung là hàng Việt là chính xác.

PGS.TS Vũ Trí Dũng – cũng khẳng định không thể gọi Samsung là hàng Việt.

Theo ông Dũng, dù Samsung được sản xuất tại Việt Nam nhưng giá trị VN tham gia được vào chuỗi sản xuất của Samsung là quá thấp. VN chủ yếu là nhập nguyên liệu, gia công. Vì vậy, không thể gọi Samsung là hàng Việt.

Nhưng quan trọng hơn cả là thương hiệu của ai, thì Bộ Công thương đã không tính đến. Samsung không thể là thương hiệu của Việt Nam. Hàn Quốc muốn thông qua thương hiệu Samsung để bành trướng công nghệ Hàn Quốc, thương hiệu Hàn Quốc trên thế giới chứ không phải bành trướng thương hiệu Việt Nam. Ông Dũng cho rằng, Bộ Công thương đã có sự nhầm lẫn nghiêm trọng.

Nhìn từ hai khái niệm: Xuất xứ hàng hóa và bản chất hàng hóa (tỉ lệ nội địa hóa), TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, về xuất xứ, đúng là Samsung sản xuất tại Việt Nam, về nguyên tắc nó có thể gọi là “Made in Vietnam”.

Tuy nhiên, về thực chất từ công nghệ tới thương hiệu, Samsung không phải hàng Việt Nam. Trong trường hợp này, cách dùng chính xác phải là “Made in Vietnam by Korea”.

Theo ông Hiếu, để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng một số nước sử dụng Made in (sản xuất tại….) và Made by (ai sản xuất… ) để nói về xuất xứ của một sản phầm.

Một sản phẩm đạt tiêu chuẩn là hàng Việt Nam cần phải trả lời được cả Made in và Made by. Tức là sản phẩm đó chính xác phải được sản xuất tại Việt Nam với tỉ lệ nội địa hóa trên 50%. Khi đó mới gọi là hàng hóa Việt Nam.

Như vậy, nhìn trên phương diện này Samsung không được gọi là hàng Việt Nam. Bộ Công thương cần phải có định nghĩa rõ ràng tránh gây nhầm lẫn dẫn tới những hệ quả khó lường.

Quảng bá Samsung là hàng Việt Nam trong khi cả thế giới đều biết đó là thương hiệu Hàn Quốc sẽ khiến người tiêu dùng thế giới đánh giá thấp về năng lực cũng như uy tín của VN.

Samsung hưởng lợi cả hai đầu

Vậy, trở thành hàng Việt Samsung được gì? 

PGS.TS Võ Thanh Thu cho biết có nhiều cái lợi Samsung đang nhắm tới. Trước tiên là kỳ vọng lấy được thị trường đông dân thứ 13 trên thế giới. Hiện Samsung đang bị Apple cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu, trong khi đó VN được đánh giá là thị trường rất tiềm năng, dù thu nhập thấp nhưng lại rất chịu chi. 

Hơn nữa, khi đã là hàng Việt, Samsung sẽ được hưởng những hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam trong chủ trương quảng bá sản phẩm cho Samsung. Bà Thu cho biết, chủ trương người Việt dùng hàng Việt không là có sự hỗ trợ từ Samsung, nhằm quảng bá thương hiệu cho chính họ.  

Trong khi đó, ông Dũng nói thêm, khi vào VN Samsung muốn nhận ưu đãi như DN FDI nhưng khi nộp thuế lại muốn nộp thuế theo hàng Việt Nam để nhận ưu đãi về thuế. Mặt khác, mang thương hiệu Việt, Samsung sẽ được nhận ưu đãi mà các nước cho VN hưởng với tư cách một nước đang phát triển khi xuất khẩu sang các nước ASEAN. 

“Trong khi đầu tư thì muốn hưởng cơ chế của DN FDI, khi xuất khẩu lại muốn mang danh hiệu Việt để hưởng lợi thuế. Nghĩa là Samsung đang tính toán hưởng lợi cả hai đầu”, ông Dũng nói.  

VN có thêm thành tích?

Về phía Việt Nam, ông Dũng cho rằng cái VN có được là làm dày thêm bảng thành tích về tỉ trọng hàng xuất khẩu tăng lên; Có thêm đóng góp vào bảng thành tích DN công nghệ cao; có thể tự hào đã sản xuất được sản phẩm công nghệ cao như Samsung.  

Tuy nhiên, khi đặt kỳ vọng vào một thực tế không đúng sẽ dẫn tới tâm lý ảo tưởng về khả năng có thể sản xuất ra các mặt hàng công nghệ cao, trong khi đó, VN chỉ gia công, lắp ráp.  

Khi ảo tưởng về sức mạnh công nghệ sẽ sinh tâm lý ỷ lại, cao ngạo, luôn cho mình là giỏi. Thực tế không phải như vậy và thế giới cũng không bao giờ thừa nhận.  

Ông Dũng cảnh báo, nếu cứ cuốn vào tâm lý cái gì cũng thích vị trí số 1 thì sẽ dễ ru ngủ nhau bởi những thứ hoa mỹ, không thực tế.  

Nhìn thoáng hơn, bà Thu cho rằng có thể nhà quản lý VN đang kỳ vọng, nếu coi Samsung là hàng Việt, quảng bá hình ảnh cho Samsung, khi bán được nhiều hàng VN sẽ thu thêm được thuế. Người lao động có cơ hội nhận lương cao hơn. 

Quan trọng hơn, thông qua Samsung sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại VN. Làm cho môi trường đầu tư VN hấp dẫn hơn. 

 

Theo Báo Đất Việt