clock

Thị Trường

06:25 16-12-2016

Sản xuất sữa tươi sạch: con đường còn lắm gian nan

Hiện nay, thị trường sữa nước Việt Nam còn khá nhiều bất cập, tên gọi và chất lượng sữa chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt và hiểu đúng bản chất của các loại sữa đang được bán trên thị trường. Con đường sản xuất sữa tươi sạch vì vậy cũng còn lắm gian nan.

Nhập nhằng tên gọi, chất lượng

Hiện nay, việc phân loại sữa dạng lỏng đang được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010, với 7 loại là: Sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật.

Khái niệm "sữa tiệt trùng", "sữa tươi tiệt trùng" làm người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sữa nước làm từ sữa bột (sữa hoàn nguyên); đâu là sữa tươi. Bên cạnh đó, quy định hiện nay cũng không yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu của sản phẩm. 

Đây là kẽ hở đã tồn tại nhiều năm, tạo điều kiện cho nhiều đơn vị sản xuất sữa "lách luật", dẫn đến tình trạng người tiêu dùng luôn trong tình trạng mập mờ, nếu muốn biết, cũng không thể truy xuất nguồn gốc sữa.

Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, trong năm 2015 ngành sữa tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng kỷ lục từ tổng doanh thu 75.000 tỷ đồng năm 2014 lên 92.000 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD) vào năm 2015. 

Trong số này, sữa bột chiếm 45% tổng doanh thu, sữa nước chiếm 30%, còn lại là các sản phẩm khác. Mỗi năm Việt Nam đang chi hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa bột hoàn nguyên về cho trẻ uống. 

Người tiêu dùng lọt vào "ma trận" sữa và hoàn toàn mập mờ với chất lượng sữa vì không thể truy xuất nguồn gốc.

Với thị trường tiêu thụ lớn như hiện nay, sữa là thị trường khá "béo bở" để thu hút các doanh nghiệp. Hàng ngày, người tiêu dùng vẫn đều đặn bỏ tiền mua sữa nhưng không thể phân biệt được đâu là sữa bột hay sữa tươi, chưa nói đến sữa tươi sạch, đảm bảo chất lượng.

Xu hướng tiêu dùng sữa tươi sạch đã tạo nên ngành công nghiệp sữa tươi ứng dụng công nghệ cao trên thế giới và tại những quốc gia phát triển như: Úc, Mỹ, Nhật Bản... sữa tươi sạch là sản phẩm thiết yếu hàng ngày. 

Trong khi thị trường sữa trong nước còn khá lùng bùng, nhập nhằng về chất lượng, nhiều bà mẹ Việt kỹ tính chấp nhận bỏ khoản tiền lớn hơn để mua các sản phẩm sữa tươi sạch được nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho con mình.

Người tiên phong còn đơn độc

Không chỉ là sự thiệt thòi cho người tiêu dùng mà ngay chính nhà sản xuất cũng thấy cần phải có một sự minh bạch trong tên gọi của sản phẩm. 

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm sữa TH (TH Milk), cho biết: "Chúng ta không thể nhập nhèm mãi khái niệm sữa được nữa, mà phải gọi đúng tên gọi, sữa tươi nguyên chất là sữa tươi 100%, còn sữa tươi có bổ sung các chất gì thì phải ghi rõ là sữa tươi có bổ sung các loại chất gì, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ sữa tươi tối thiểu trong sản phẩm từ 95% trở lên".

Với suy nghĩ này, từ khi ra mắt thị trường, dòng sữa tươi sạch TH True Milk đã mở ra một con đường đột phá, đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp sản xuất và chế biến sữa tươi sạch tại Việt Nam, gây dựng nên một thương hiệu duy nhất hoàn toàn sản xuất sữa tươi sạch. 

Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng tới thời điểm này, TH true MILK chiếm tới gần 50% thị phần sữa tươi tại Việt Nam. Đây cũng là đơn vị tiên phong ghi rõ xuất xứ nguồn nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm và là đơn vị đầu tiên được phép ghi trên bao bì là sữa tươi sạch. 

Hiện nay, TH tiếp tục đấu tranh đưa ra những kiến nghị nhằm minh bạch hóa thị trường sữa Việt Nam, trong đó doanh nghiệp phải ghi rõ xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm.

Sản phẩm sữa TH true MILK được 100% người tiêu dùng yêu mến, đón nhận.

Sự tiên phong trong việc sản xuất và kinh doanh sữa tươi sạch, và sự quyết liệt nhằm minh bạch hóa thị trường sữa của TH True Milk liệu có trở thành đòn bẩy thúc đẩy thị trường sữa trong nước phát triển "xanh", "sạch" hơn hay không khi cho đến nay, TH True Milk vẫn đơn độc trên con đường này. 

Trong khi đó, theo các chuyên gia, với ba yếu tố: dân số đông, thu nhập bình quân tăng, mức sống tăng sẽ giúp cho ngành sữa của Việt Nam những năm tới vẫn là mảnh đất màu mỡ, ước khoảng 9%/năm và đạt mức 27-28 lít sữa/người/năm vào năm 2020.

Dự án sữa tươi sạch TH được tập đoàn TH triển khai từ năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Dự án xây dựng Chuỗi giá trị liên hoàn từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch, bao gồm Quy hoạch vùng nguyên liệu, Nhà máy sản xuất thức ăn, Trang trại bò sữa, Nhà máy chế biến sữa tươi lớn nhất Đông Nam Á và Hệ thống phân phối TH True Mart với những quy chuẩn công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới. Hiện tại, Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với vốn đầu tư hơn 500 triệu USD. 

 

theo Trí Thức Trẻ