clock

Doanh Nghiệp

08:12 29-08-2016

Sau 8 tháng vào AEC, "con hổ mới" Việt Nam đang gặp phải khó khăn gì?

Chưa thể khẳng định việc trở thành thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tác động thế nào đến nền kinh tế của Việt Nam nhưng nửa đầu năm vừa qua cho thấy khi tham gia cộng đồng này, Việt Nam gặp phải một số dấu hiệu không mấy sáng sủa.

Xuất nhập khẩu đồng suy yếu

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực từ 31/12/2015. Một trong nhiều mục tiêu của AEC là thúc đẩy giao thương trong nội khối, mà Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất.

Tuy nhiên, đã hơn nửa năm kể từ khi AEC có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN đều giảm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho hay.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong 7 tháng năm 2016 đạt 9,582 tỷ USD, giảm 12,3%, so với cùng kỳ của một năm trước đó.

Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu có xuất xứ các nước ASEAN trong 7 tháng đầu năm 2016 là 13,215 tỷ USD, giảm 5,1% so với 7 tháng/2015.

Về cán cân thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và ASEAN trong 7 tháng đầu năm 2016: mức thâm hụt tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam với mức 3,633 tỷ USD.

Trong đó, nhập siêu lớn nhất từ Malaysia, Singapore và Thái Lan. Việt Nam chỉ thặng dư với Lào, Campuchia và Myanmar khoảng vài chục triệu USD.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, gia nhập ngôi nhà chung AEC, xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong nửa năm qua không những không phát triển, mà còn bị “co lại”.

Trong nước bị tấn công mạnh mẽ

Mặc dù nhập hàng hoá từ ASEAN có dấu hiệu giảm nhưng ở góc độ thương mại trong nước đang bị hàng hóa ASEAN “xâm lấn” mạnh mẽ.

Nhìn vào nhóm hàng công nghiệp, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan mặt hàng gây ấn tượng mạnh nhất chính là điện gia dụng và linh kiện. Tính riêng nguồn nhập khẩu từ thị trường ASEAN sáu tháng qua đã đạt 731 triệu đô la Mỹ, tăng đột biến 40,3%, chiếm hơn 76% tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường thế giới. Trong đó, Thái Lan chính là nhà cung cấp lớn mặt hàng này, chiếm gần 59% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Nếu nhìn vào nhóm hàng nông sản, mặt hàng gây ấn tượng mạnh nhất chính là rau quả, bởi riêng nguồn nhập khẩu từ thị trường ASEAN cũng đã đạt 162 triệu đô la Mỹ, chiếm 46% tổng kim ngạch nhập khẩu. Ở mặt hàng này, Thái Lan cũng chính là nguồn cung cấp lớn nhất với 144 triệu đô la Mỹ, chiếm gần 41% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Hay ở mặt hàng ô tô các loại, từ thị trường ASEAN cũng đạt 294 triệu đô la Mỹ, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 24,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Ở mặt hàng này, Thái Lan cũng chính là nguồn cung cấp lớn nhất.

Xét theo từng thành viên AEC, Thái Lan cũng chính là quốc gia đang chiếm lĩnh thị trường nước ta.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng trị giá hàng hoá trao đổi giữa hai nước là 5,64 tỷ USD. Nhập siêu với quốc gia này cũng đạt mức kỷ lục hơn 2,1 tỉ đô la Mỹ.

Tiếp theo là Malaysia: 3,87 tỷ USD và Singapore: 3,63 tỷ USD.

Rõ ràng, với việc hàng hóa ASEAN, đặc biệt là hàng Thái Lan ồ ạt đổ vào nước ta trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn và sức mua của thị trường bị suy yếu, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp nước ta càng thiếu thị trường để phát triển.

Vì sao Việt Nam không có lợi rõ rệt từ AEC?

Tại phiên họp Đánh giá công tác hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra chiều ngày 26/8 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh với tư cách người đứng đầu Chính phủ đàm phán hội nhập quốc tế cho rằng, nguyên nhân là do những thỏa thuận trong khuôn khổ các thị trường ASEAN hay ASEAN+ không mang lại lợi ích rõ rệt cho Việt Nam.

"Phần lớn các đối tác có cơ cấu kinh tế trùng lặp, mang tính chất cạnh tranh với Việt Nam hơn là bổ sung",ông Khánh nói.

Bên cạnh đó, khả năng nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa rõ ràng, tập quán làm ăn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cũng chưa tận dụng được hết các ưu đãi.

"Doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta quen bán tại cầu cảng, mua tại cầu cảng. Tức là mua thì người ta mang tới tận cửa, không có nhu cầu tìm kiếm tận nguồn hàng nên không quan tâm nhiều tới việc cắt giảm thuế. Bán thì ở Việt Nam thường bán hàng cho một thương nhân tới tận Việt Nam mua hàng nên câu chuyện nước ngoài giảm thuế cho mình ra sao cũng chưa quan tâm lắm", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lo ngại mặc dù ASEAN là thị trường lớn với quy mô 600 triệu dân nhưng ta có rủi ro sẽ trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hoá của khu vực ASEAN.

"Lĩnh vực ô tô, Thái Lan đang soán ngôi Trung Quốc, Hàn Quốc về xuất khẩu ô tô sang Việt Nam, xe ô tô từ Ấn Độ giá rẻ vài trăm triệu cũng tràn lan trong nước rồi...

Chúng ta vào AEC từ đầu năm đến nay, mặc dù nói đường xa mới biết ngựa hay nhưng rủi ro có tiếp tục không chúng ta cần phải chuẩn bị, từ Chính phủ đến doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, người dân", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo nêu ý kiến cần phải làm gì để không bị rơi vào vùng trũng tiêu thụ hàng hóa từ các nước ASEAN.

Dư Hoài

Theo Trí Thức Trẻ