clock

Tài Chính

05:19 08-04-2016

Sẽ tái định hướng luồng tín dụng từ bất động sản sang sản xuất, kinh doanh

Thông tư 36 sửa đổi sẽ được ban hành trong năm nay với mục đích kiểm soát các rủi ro tiềm tàng, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và hướng luồng tín dụng tới khu vực sản xuất kinh doanh.

Trong báo cáo triển vọng ngành Ngân hàng, CTCK Vietcombank (VCBS) dự đoán năm 2016 tăng trưởng tín dụng dự báo khoảng 16%, thấp hơn 2015 do tín dụng sẽ hướng tập trung hơn vào khu vực sản xuất-kinh doanh. Tín dụng cho hoạt động xây dựng, BOT và mua BĐS có thể sẽ chững lại (sau khi đã diễn ra rất sôi động trong năm 2015) do cả yếu tố thị trường và sự điều tiết của NHNN.

Bên cạnh đó, tín dụng ngoại tệ tiếp tục giảm do rủi ro về tỷ giá cộng hưởng với chính sách thắt chặt của nhà điều hành. Theo thông tư 24/2015 của NHNN được áp dụng từ ngày 1/1/2016, hoạt động cho vay ngoại tệ các DN sản xuất kinh doanh để xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ tương đương sẽ chỉ được thực hiện đến hết 31/3/2016.

Chính sách này, theo VCBS, là một trong những bước đi của NHNN trong việc chống đô la hóa là chuyển đổi quan hệ huy động-cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ. Điều này sẽ khiến phần tín dụng cho sản xuất kinh doanh xuất khẩu giảm (chiếm khoảng 20% tổng tín dụng ngoại tệ), ảnh hưởng tiêu cực đến tín dụng ngoại tệ nói chung (hiện chiếm khoảng 11%).

"Chúng tôi cho rằng tỷ lệ LDR ngoại tệ thấp (hiện dưới 70%) và chính sách thắt chặt tín dụng ngoại tệ khiến cho nhu cầu huyđộng ngoại tệ của các NHTM giảm theo, giúp hạn chế việc lách trần lãi suất huy động USD.", báo cáo chỉ ra.

Trong khi đó, với môi trường lãi suất chịu nhiều áp lực tăng, hoạt động kinh doanh trái phiếu của các ngân hàng vẫn chịu nhiều rủi ro. Danh mục trái phiếu của các NHTM năm 2016 nhiều khả năng sẽ chỉ gia tăng nhẹ khi hoạt động bán nợ cho VAMC giảm, phần tăng lên có thể chỉ nhờ gia tăng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Về dự thảo sửa đổi Thông tư 36, VCBS cho rằng chủ trương này đến từ những lo ngại về việc thị trường BĐS tăng trưởng khá nóng trong năm qua, trong khi những hệ quả nợ xấu từ bong bóng BĐS 2010-2012 vẫn chưa xử lý triệt để.

"Chúng tôi đánh giá qua dự thảo sửa đổi Thông tư 36, NHNN muốn kiểm soát dòng tín dụng ngân hàng chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất như Bất động sản-chứng khoán và hướng tín dụng sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực được ưu tiên",VCBS nhận định.

Theo VCBS, với việc thắt chặt quy định cấp tín dụng cho kinh doanh BĐS, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có khả năng sẽ thấp hơn mức thực hiện 2015. Tín dụng bớt nóng sẽ giúp vấn đề thanh khoản sẽ được giải quyết, làm giảm các áp lực lên lãi suất, góp phần ổn định lãi suất theo chủ trương của Chính phủ.

Trong ngắn hạn, việc sửa đổi này có thể gây ra những tác động tiêu cực tới các NHTM như áp lực tăng huy động trung, dài hạn, CAR giảm, tăng trưởng tín dụng giảm,… nhưng về dài hạn, hệ thống ngân hàng sẽ trở nên an toàn hơn, tín dụng tìm đến khu vực sản xuất kinh doanh, nơi đang thiếu vốn dù tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế, sẽ được cải thiện hơn.

Theo Trí thức trẻ