clock

Bất Động Sản

01:01 02-01-2020

Sếp doanh nghiệp địa ốc: “Vẫn sẽ cố gắng có thưởng Tết cho anh em”!

“Dù là khó khăn nhưng năm nay vẫn cố gắng có tháng 13 cho anh em ăn Tết…”, Sếp của một doanh nghiệp BĐS Tp.HCM chia sẻ.

“Nói không” với xe xịn, nhà sang

Có lẽ trước bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường BĐS, những ngày cận Tết Nguyên đán, không khí thưởng Tết của doanh nghiệp địa ốc cũng “dịu hẳn”. Bên cạnh một số doanh nghiệp cho rằng, không có tiền để thưởng Tết thì nhiều doanh nghiệp vẫn đảm bảo mức thưởng tháng 13 cho nhân viên.

Một số khác thì ngoài tháng lương 13, với nhân viên kinh doanh vẫn cố gắng có thưởng theo doanh số đạt được cả năm.

Tuy vậy, theo ý kiến của đa số doanh nghiệp, năm nay sẽ không có chuyện mức thưởng đột biến. Thậm chí, một số doanh nghiệp mấy năm trước có thưởng xe sang, nhà/căn hộ cho nhân viên thì chính sách này cũng “cắt giảm” do thị trường khó khăn.

“Mặc dù khó khăn thật nhưng vẫn sẽ cố gắng đảm bảo lương tháng 13 cho anh em tiêu Tết, để anh em có động lực đi làm lại sau Tết…”, Sếp một doanh nghiệp BĐS chia sẻ.

Đem câu chuyện thưởng Tết hỏi một số doanh nghiệp BĐS quy mô vừa và lớn tại Tp.HCM, dù không tiết lộ rõ mức thưởng trung bình là bao nhiêu cho một nhân viên nhưng đa số nhận được câu trả lời, sẽ đảm bảo được mức lương tháng 13 cho nhân viên.

Riêng nhân viên sales, ngoài lương tháng 13 sẽ thưởng cho cá nhân có thành tích bán hàng tốt trong cả năm, mặc dù mức thưởng sẽ không bằng so với 2 năm trước.

Một số doanh nghiệp quy mô nhỏ thì cho biết, năm nay chỉ hỗ trợ “chút xíu” cho nhân viên, đợi năm sau tình hình khá lên sẽ gộp mức thưởng cho cả 2 năm. Một số khác thì cho biết, năm nay thực sự khó khăn nên không có thưởng Tết cho anh em.

Tuy vậy, nhìn mặt bằng chung thưởng Tết của các doanh nghiệp BĐS năm nay thì đa số doanh nghiệp sẽ đảm bảo được mức thưởng cơ bản là tháng 13. Riêng hoạt động rầm rộ xe hơi, nhà lầu, căn hộ sẽ “vắng bóng” ở giai đoạn này.

 

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Một chặng đường đã đi qua, thị trường BĐS đã trải qua nhiều biến động, thậm chí có thể nói là thăng trầm trong năm 2019. Đây cũng là năm được xem là áp lực của nhiều CEO trong lĩnh vực này.

Tiếp xúc với một CEO của doanh nghiệp địa ốc Tp.HCM, vị này chia sẻ: “Thực sự năm nay là một năm khó khăn.

“Tuy vậy, bản thân mình là Sếp nhưng để công ty rời rạc, anh em héo úa thì cũng không đành lòng. Cho nên, bên cạnh việc động viên anh em vượt qua thời điểm khó khăn cùng doanh nghiệp, thì cũng luôn tìm cơ hội về dự án, thị trường để có thể triển khai sớm dự án vào đầu năm sau”, Vị Sếp này bộc bạch.Cả năm chỉ có một dự án cho anh em phân phối. Gần Tết một số anh em xin nghỉ Tết sớm, hoặc ra ngoài để làm tạm việc khác. Một số anh em làm lâu năm cũng trên tinh thần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đợi thêm thời gian để tiếp tục chiến đấu cùng doanh nghiệp. Đó là việc đáng trân quý ở bối cảnh khó khăn này”.

Quả thực, khó khăn là có thật. Nhiều nhân sự môi giới doanh nghiệp cũng tự tìm cách để đối phó với bối cảnh khó khăn chung bằng cách tìm công việc khác thay thế. Tuy vậy, điểm dễ nhận thấy ở các doanh nghiệp BĐS hiện nay là cố gắng để giữ hoặc duy trì được doanh nghiệp trước khó khăn và tìm cơ hội cho các năm tiếp theo.

Theo một vị CEO, lập doanh nghiệp thì dễ, giữ doanh nghiệp mới khó. Nếu khó khăn mà chùn bước thì nhiều anh em theo mình cũng “gãy cánh” theo.

Cho nên, xoay sở, chèo lái là những từ mà các CEO doanh nghiệp địa ốc dành cho mình ở bối cảnh hiện nay. Đó cũng là cách để họ vừa giữ doanh nghiệp, vừa giữ chân được nhân sự cho doanh nghiệp của mình.