clock

Bất Động Sản

06:34 04-03-2016

Siết cho vay bất động sản vì lo bong bóng nổ ra

Thông tư 36 vừa được sửa đổi của Ngân hàng nhà nước không nhằm mục đích giảm nợ xấu khó đòi mà chỉ để đảm bảo kiểm soát tốc độ tăng trưởng nóng của thị trường nhà đất.

Trả lời trong buổi giao lưu trực tuyến của báo Tuổi Trẻ diễn ra hôm nay ở TP HCM, ông Phạm Quốc Thanh - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP HDBank cho biết, việc sửa đổi thông tư 36 của ngân hàng nhà nước nếu có thì không phải nhằm mục đích để giảm nợ xấu khó đòi mà chỉ để đảm bảo kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (BĐS).

Điều này tránh cho thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng có nguy cơ xảy ra bong bóng. Còn tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản hiện nay vẫn đang ở mức kiểm soát được, không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Ông Thanh cho biết thêm, nếu dự thảo này được ban hành, tốc độ phát triển của thị trường BĐS có thể chậm lại so với giai đoạn trước đó do nguồn vốn tài trợ từ trực tiếp ngân hàng vào các dự án sẽ bị hạn chế.

Kể cả nguồn vốn huy động từ người mua nhà mà phần lớn cũng xuất phát từ tín dụng của ngân hàng cũng sẽ bị suy giảm.

Với sự hạn chế về nguồn vốn như ở trên, có lẽ các chủ đầu tư các dự án chủ yếu tập trung hoàn thành các dự án đã khởi động và đang dang dở để hoàn tất việc giao nhà cho người mua.

Họ sẽ phải cân nhắc kỹ hơn đối với việc triển khai các dự án mới.

Ông Thanh nhận định thêm, theo số liệu thống kê cập nhật tới cuối năm 2015, dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đã tăng trưởng khá nhanh so với 2-3 năm trước và tỷ lệ cho vay đã xấp xỉ 10% trong tổng dư nợ.

Do vậy, động thái của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉnh sửa thông tư 36 là phù hợp để tránh dư nợ trong lĩnh vực nhà đất tăng trưởng quá nhanh, thị trường bị bong bóng đầu cơ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thông tư 36 sửa đổi sẽ giảm tỷ lệ cho vay nguồn vốn trung và dài hạn từ 60% xuống còn 40%, tăng hệ số rủi ro cho tín dụng BDS từ 150% lên 250%.

Tuy nhiên ông Thanh cũng nhấn mạnh vấn đề là mức độ điều chỉnh các tỷ lệ như trong dự thảo sửa đổi nên ở mức phù hợp để tránh hiện tượng "phanh" gấp, giảm mạnh nguồn vốn đang tài trợ chính cho lĩnh vực này và có thể ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ sau Tết Nguyên đán, các ngân hàng đã tăng lãi suất để huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ các cá nhân và tổ chức kinh tế và hiện nay nhiều ngân hàng đang cạnh tranh ráo riết cho nguồn vốn này.

Bên cạnh lý do này các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh cho vay BĐS để nắm bắt cơ hội khi thị trường này đang trong đà tăng và vì thế cần phải huy động vốn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.

Thêm vào đó chính phủ cũng đang phát hành trái phiếu với lãi suất tương đối cao để cân đối ngân sách quốc gia. Tất cả những nguyên nhân này đã dẫn đến việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động.

Hiện nay trong toàn ngành ngân hàng chi phí vốn ngày càng có xu hướng tăng cao và chính vì vậy mà lãi suất cho vay cũng đang có xu hướng tăng.

Ông Trí Hiếu cho biết, với khả năng tín dụng BĐS bị siết lại, các ngân hàng dự kiến sẽ tăng lãi suất cho vốn huy động trung và dài hạn để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay BĐS trung và dài hạn.

Do đó lãi suất cho vay BĐS có khả năng sẽ tăng, vì hệ số rủi ro cho tín dụng BĐS tăng cao sẽ buộc các ngân hàng phải siết lại cho vay BĐS hoặc tăng vốn tự có.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng và do đó có khả năng các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho vay để bù trừ cho lợi nhuận bị thiệt hại.

Chính vì thế lãi suất cho vay BĐS trong thời gian tới nếu việc sửa đổi thông tư 36 được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho các nhà kinh doanh và đầu tư.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng ở chiều ngược lại, những biện pháp này sẽ giảm thiểu rủi ro thanh khoản cho các ngân hàng và tránh một cuộc khủng hoảng BDS có thể xảy ra khi bong bóng trong thị trường BDS xuất hiện.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” chính là mục đích của việc sửa đổi thông tư 36.

theo zing.vn